03/07/2011 07:49 GMT+7

Cựu tổng GĐ IMF sẽ trở lại chính trường Pháp?

HIẾU TRUNG (Theo NYT, Guardian, Reuters)
HIẾU TRUNG (Theo NYT, Guardian, Reuters)

TT - Việc ông Dominique Strauss-Kahn được trả tự do đã gây một cơn sốt tại Pháp và càng thổi bùng lên nghi ngờ cựu tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) bị các đối thủ chính trị gài bẫy.

J4jNSpj7.jpgPhóng to

Ông Strauss-Kahn (giữa) và vợ vui vẻ rời tòa án - Ảnh: Reuters

Đến hôm qua, Văn phòng công tố Manhattan (New York, Mỹ) vẫn chưa bãi bỏ các cáo trạng chống lại ông Strauss-Kahn. Một số chuyên gia luật pháp Mỹ bình luận nhiều khả năng công tố viên trưởng Cyrus Vance Jr. vẫn sẽ tiếp tục truy tố cựu tổng giám đốc IMF. “Đây không phải là vụ đầu tiên nạn nhân đưa ra lời khai không đáng tin cậy” - giáo sư Trường luật Columbia Daniel Richman khẳng định.

Luật sư của cô hầu phòng là Kenneth Thompson cũng tuyên bố: “Cô ấy đã mắc một số sai lầm nhưng điều đó không có nghĩa cô ấy không phải là nạn nhân của một vụ cưỡng bức”. Tuy nhiên, luật sư hình sự nổi tiếng ở New York là Daniel Arshack cho rằng việc Văn phòng công tố Manhattan hủy bỏ vụ kiện chỉ còn là vấn đề thủ tục. “Những lời cáo buộc chống lại ông Strauss-Kahn sẽ rất khó đứng vững tại tòa” - luật sư Arshack bình luận. Dự kiến ông Strauss-Kahn sẽ quay trở lại tòa vào ngày 18-7.

Liên tục đổi lời khai

Nguồn tin Cơ quan điều tra New York cho biết bằng chứng bất lợi nhất đối với cô hầu phòng là cuộc điện thoại giữa cô và người bạn trai đang ngồi tù ở Arizona vì tội tàng trữ ma túy. Cô đã gọi điện cho người đàn ông này sau khi vụ việc xảy ra khoảng 28 giờ và trò chuyện bằng tiếng Puli của người Guinea. Nhà chức trách dịch xong đoạn hội thoại sang tiếng Anh vào ngày 29-6. Khi đó, cô đã nói với người bạn trai: “Đừng lo, lão này có nhiều tiền lắm. Em biết là mình phải làm gì”. Đoạn băng cho thấy cô có ý định kiếm chác từ vụ việc xảy ra ở phòng 2806 khách sạn Sofitel New York.

Khi đưa ra lời khai trước bồi thẩm đoàn Tòa án tối cao New York hồi tháng 5, cô hầu phòng cho biết ngay sau khi bị cưỡng hiếp, cô đã chạy ra khỏi phòng 2806, ngồi co rúm người trong tiền sảnh khách sạn và chờ đến khi ông Strauss-Kahn rời khách sạn thì mới đi báo vụ việc cho quản lý. Tuy nhiên, nguồn tin Cơ quan điều tra New York cho biết hôm 28-6, cô lại khai đã rời phòng ông Strauss-Kahn sau khi bị tấn công và sang dọn một căn phòng khác, rồi quay trở lại phòng 2806 để dọn dẹp trước khi báo vụ việc cho quản lý.

Luật sư Thompson giải thích cô không biết phải làm gì, không muốn bị mất việc nên chần chừ không báo ngay vụ việc cho quản lý. Nhưng cảnh sát kiểm tra dữ liệu thẻ ra vào phòng khách sạn thì phát hiện điểm đáng ngờ trong lời khai này. Các nhân viên điều tra xác định cô hầu phòng đã dọn dẹp xong phòng ông Strauss-Kahn rồi mới sang dọn căn phòng kia.

Cô hầu phòng cũng liên tục đưa ra những lời khai mâu thuẫn nhau. Trong một cuộc thẩm vấn, cô khai từng bị cưỡng dâm tập thể ở Guinea. Khi đó cô đã khóc và tỏ ra rất đau khổ. Tuy nhiên sau đó cô thừa nhận đó là lời nói dối nhằm khiến tờ đơn xin tị nạn ở Mỹ trở nên “thống thiết” hơn. Các cuộc thẩm vấn ngày càng trở nên căng thẳng, cô hầu phòng liên tục khóc lóc và có lần gieo mình ngã xuống sàn nhà. Cô luôn khẳng định tiền lương từ công việc ở khách sạn Sofitel New York là khoản thu nhập duy nhất, và khi bị hỏi về tài khoản chứa 100.000 USD thì đã không thể đưa ra câu trả lời.

Vai trò trong chiến dịch tranh cử tổng thống Pháp

Sau khi ông Strauss-Kahn được trả tự do, giới truyền thông Pháp tiếp tục đặt câu hỏi liệu có phải cựu tổng giám đốc IMF đã bị các đối thủ chính trị gài bẫy. Trước khi bị bắt, ông được xem là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc chạy đua với Tổng thống Nicolas Sarkozy trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp tháng 4-2012. Nhà báo nổi tiếng Bernard-Henri Levy đặt câu hỏi: tại sao cô hầu phòng lại vào phòng của ông Strauss-Kahn có một mình, trong khi tại phần lớn các khách sạn ở New York luôn có hai người dọn một phòng?

Nếu Văn phòng công tố Manhattan hủy bỏ các cáo trạng, ông Strauss-Kahn vẫn có khả năng sẽ quay trở lại chính trường Pháp. “Chúng ta cần Dominique Strauss-Kahn, đất nước này cần Dominique Strauss-Kahn - nghị sĩ Đảng Xã hội Pháp Jean-Marie Le Guen khẳng định - Đây là bước ngoặt tuyệt vời đối với Đảng Xã hội và nước Pháp”.

Hiện tại, Đảng Xã hội đang lựa chọn đại diện tranh cử tổng thống qua cuộc bầu cử sơ bộ tháng 10 tới. Các ứng cử viên phải đăng ký trước ngày 13-7. Đã có hàng loạt nhân vật cao cấp trong Đảng Xã hội, trong đó có lãnh đạo đảng Martine Aubry, tuyên bố sẽ tranh cử.

Chính trị gia Đảng Xã hội Francois Hollande kêu gọi đảng này lùi thời hạn tổ chức bầu cử sơ bộ để ông Strauss-Kahn có cơ hội tham gia tranh cử. Tuy nhiên, các cáo trạng đối với ông Strauss-Kahn vẫn chưa bị hủy. Giới quan sát nhận định dù ông Strauss-Kahn có trắng án thì danh tiếng của ông đã bị hủy hoại nghiêm trọng bởi sau khi bị bắt, hàng loạt lời cáo buộc khác nhắm vào ông liên tục xuất hiện. “Kể cả khi ông ấy không phải là tội phạm thì việc vãn hồi danh dự vẫn cần nhiều thời gian. Việc ông ấy trở thành ứng cử viên tổng thống chỉ là chuyện viễn tưởng” - nhà bình luận chính trị Christope Barbier nhận định.

Dù vậy, các chính trị gia Đảng Xã hội cho rằng với kinh nghiệm quốc tế dày dạn, ông Strauss-Kahn vẫn có thể đóng một vai trò quan trọng trong chiến dịch tranh cử của Đảng Xã hội, dù không phải với tư cách ứng cử viên. Cựu bộ trưởng văn hóa Pháp Jack Lang cho rằng nếu một ứng cử viên Đảng Xã hội trở thành tổng thống, ông Strauss-Kahn có thể được bổ nhiệm một chức vụ trong nội các.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

HIẾU TRUNG (Theo NYT, Guardian, Reuters)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp