Khi chia sẻ câu chuyện này với Tuổi Trẻ Online, Ngọc (tên nhân vật đã được thay đổi, 22 tuổi, quê Hà Tĩnh) nói mình đã mạnh mẽ hơn đối diện với dư luận.
Chưa một lần hối hận với quyết định giữ lại đứa bé, cô nói nếu ngày đó chọn bỏ con chắc bản thân không biết sống thế nào. Nhìn đứa con gái bụ bẫm, cô gái trẻ ứa nước mắt hạnh phúc vì trải qua bao nhiêu sóng gió, con đã chào đời bình an.
Đứa trẻ đã chào đời bình an trong vòng tay yêu thương của Ngọc và gia đình - Ảnh: NVCC
Chỉ mong bác sĩ nhầm lẫn
Ngọc nhớ lại, đúng thời gian này năm ngoái cô phát hiện ra chậm kinh nguyệt 10 ngày, Ngọc đến bệnh viện kiểm tra, bác sĩ hẹn 2 tuần nữa quay lại.
"Tôi ngồi đếm từng ngày một. Hai tuần sau quay lại, bác sĩ siêu âm báo có thai được 7 tuần rồi. Tôi chỉ mong bác sĩ nhầm lẫn thôi, tôi không biết đối diện với bố mẹ ra sao, rồi miệng lưỡi thiên hạ", Ngọc nhớ lại quãng thời gian mà cô gọi là "khủng khiếp". Ngọc gọi điện cho người yêu, nhưng lúc đó anh đang về quê và dặn dò sẽ sớm ra Hà Nội thu xếp mọi việc.
Đang là sinh viên năm thứ ba một trường đại học có tiếng ở Hà Nội, Ngọc là niềm tự hào của bố mẹ. Mọi tình yêu thương, hy vọng, tiền bạc bố mẹ đều dành hết cho cô. Vậy mà…
"Thời gian đó, tôi khóc suốt. Chị bạn cùng phòng cũng khuyên tôi nên bỏ thai, chị còn cho tôi địa chỉ phòng khám. Chị cũng kể về đứa bạn có thai mà bố mẹ bắt đi phá vì muốn con tiếp tục đi học, sợ thiên hạ dị nghị. Nhưng người yêu nói nếu tôi bỏ đứa bé hai đứa chấm dứt", Ngọc kể lại trong nước mắt.
Mỗi em bé đều là một món quà đến từ thiên đường và những người mẹ chính là 'anh hùng' khi vượt qua đớn đau để tạo dựng nên một 'công trình' của đời mình - Ảnh: MINH SƠN
Ngọc luôn phân vân giữa việc giữ và bỏ con. Học giỏi, là niềm tự hào của gia đình, cô còn tương lai phía trước. Ngọc từng nghĩ đến phương án sinh con ở Hà Nội và nhờ các nhà dòng cưu mang.
"Ban ngày đi học, tôi giấu kín được chuyện có thai ngoài ý muốn vì không nghén, nhưng về đêm cứ khóc. Tôi bị stress, mẹ ra Hà Nội thăm cũng sợ mẹ biết chuyện. Nhưng từ khi biết có tim thai, từ khó chịu, tôi lại thấy thương con", Ngọc tâm sự.
Khi thai được 8 - 9 tuần, sắp đến kỳ thi học kỳ, cô xách vali về quê nhưng vẫn giấu nhẹm chuyện có thai. Về đến nhà, sợ bố mẹ biết chuyện nên cô nằm lì ở trên gác hai, chỉ đến khi ăn cơm mới xuống nhà dưới. Có bầu, đêm đến đói quá, cô nhờ đứa em trai giấu đồ ăn trong cặp mang lên nhà.
Nhưng may mắn cho Ngọc là hai ngày sau, gia đình người yêu xuống nhà thưa chuyện. Chỉ đến lúc đó, bố mẹ mới biết chuyện con gái trót có bầu. "Mẹ nghe tin như sét đánh ngang tai, cũng không đủ bình tĩnh đón nhận. Tôi sợ quá nên cứ khóc. Rồi mọi người ở quê biết chuyện tôi có bầu, xì xầm bàn tán, mẹ tôi không dám ngẩng mặt lên", Ngọc nhớ lại.
Quyết định giữ lại đứa bé, chịu búa rìu dư luận, Ngọc nói đó mới là quãng thời gian đáng sợ nhất. Nhưng rất may mắn, bên cạnh cô luôn có mẹ và người yêu luôn đấu tranh để được giữ lại đứa bé.
"Có những bạn trẻ trót mang bầu chọn bỏ con đi vì họ sợ gia đình, sợ xã hội dị nghị. Nhưng tôi chọn cách bỏ ngoài tai miệng lưỡi thiên hạ. Bên cạnh tôi luôn có bố mẹ thương yêu, bao dung mẹ con tôi", Ngọc mỉm cười nhìn đứa con gái ngủ ngon lành trong vòng tay bố mẹ.
Tháng 12 này, Ngọc sẽ kết hôn. Vợ chồng cô vừa chụp ảnh cưới, có cả đứa con gái mà Ngọc từng có suy nghĩ phá bỏ con đi.
"Có thời gian tôi cũng nằng nặc đòi bỏ con, mới chỉ có ý nghĩ thôi mà thấy mình ác quá. Nếu bỏ con đi, không biết sau này tôi sống thế nào. Với những bạn trẻ trót mang bầu, tôi nghĩ cần mạnh mẽ, cần tỉnh táo và cần nhất là có bạn trai, có gia đình bên cạnh", Ngọc bày tỏ.
Ngày 19-11, chị N. (29 tuổi, ở Ninh Thuận) được xác định tử vong sau khi đến một cơ sở y tế chui. Theo điều tra ban đầu, chị N. bị ra nhiều máu dẫn đến nguy kịch, trụy tim mạch.
Cũng mới đây thôi, vụ việc một cô sinh viên ở Hà Nội ném con xuống từ tầng 31 của chung cư Linh Đàm khiến nhiều người đau xót. Thi thể đứa bé gái được một CLB tại Hà Nội mang về chôn cất tại nghĩa trang thai nhi ở Nam Định.
Có những nghĩa trang đón nhận những thai nhi bị phá bỏ, là nơi an nghỉ cho những sinh linh không có cơ hội được chào đời - Ảnh: CLB Sẻ chia sự sống Hà Nội
Nghĩa trang đồi Cốc - mái nhà của các 'linh hồn bé bỏng'
Mỗi ngày, có hàng trăm sinh linh bé bỏng bị chối bỏ. Chúng không may mắn như đứa con gái bé bỏng của Ngọc. Tại Việt Nam hàng năm có khoảng 250.000 - 300.000 ca phá thai được báo cáo chính thức. Đó là con số được thống kê chính thức, thực tế có rất nhiều trường hợp phá thai chui tại các cơ sở tư nhân, ngoài công lập…
Nghĩa trang đồi Cốc (xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, Hà Nội) cách trung tâm thành phố Hà Nội chừng 20km là nơi an nghỉ của hàng vạn hài nhi xấu số. Suốt 12 năm qua, đây là "mái nhà" chôn cất những sinh linh bé bỏng. Hơn 120.000 thai nhi được chôn cất, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên hàng năm.
Mỗi tuần, có rất đông nhóm bạn trẻ đến nghĩa trang này sửa sang phần mộ, thắp lên đó những nén hương, đặt vào đó những bông cúc trắng. Mỗi tối, có những cô cậu sinh viên bất chấp hiểm nguy đến gõ cửa các phòng khám, lục tung các thùng rác để tìm kiếm các sinh linh bé bỏng.
Hơn 10 năm nay, chàng trai N.V.V. (23 tuổi) cùng các bạn trẻ trong nhóm âm thầm đến với nghĩa trang đồi Cốc, cùng người dân ở đây chăm sóc các phần mộ thai nhi. Ban đầu chỉ 3 - 4 thành viên, đến nay thu hút hàng trăm sinh viên đến đây vào mỗi cuối tuần.
V. nhớ lại ngày đầu tiên đến các phòng khám, bãi rác tìm kiếm các thai nhi bị vứt bỏ và theo chân bà nội về nghĩa trang chôn cất các em.
"Mới đầu thấy người lớn làm thì người trẻ chúng tôi làm theo dù công việc gặp nhiều nguy hiểm, có bạn bị kim tiêm đâm vào tay chảy máu phải đi bệnh viện kiểm tra ngay. Nhưng chúng tôi thấy thương các em không được làm người vẫn không có nơi an nghỉ, bị vứt vào sọt rác", V. tâm niệm.
Có những lần ám ảnh, V. chứng kiến những sinh linh bé bỏng trút hơi thở cuối cùng trên đường về nghĩa trang.
"Chúng tôi không sợ, nhưng nghĩ đến các em thấy thương quá. Tôi chỉ mong các bạn trẻ hiện nay hãy có trách nhiệm với tình yêu, với mạng sống của những đứa trẻ, "thà mang tiếng còn hơn mang tội", hãy cho các em có cơ hội làm người", V. mong muốn.
"Đừng bỏ con, mẹ ơi/Hãy cho con được sinh ra đời/Con nào có tội tình chi/Mà sao không cho con bên mẹ
Đừng bỏ con mẹ ơi/Con như mầm xanh trên cành/Con như chồi non vô tội/Héo hắt chờ từng giọt nhựa sống".
Những lời ca thống thiết như một lời nhắn nhủ: Hãy cho những đứa trẻ có cơ hội làm người.
Nạo phá thai dễ dẫn đến tai biến
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Thắm, khoa phụ sản, Bệnh viện ĐH Y dược TP.HCM, cho biết đối với trẻ vị thành niên (dưới 18 tuổi), cơ quan sinh dục còn chưa hoàn thiện về chức năng, nên việc mang thai rất nguy hiểm. Trẻ vị thành niên mang thai dễ mắc phải các nguy cơ như sinh non, dọa sảy thai, khi sinh dễ băng huyết.
Ở lứa tuổi này, các bạn cũng chưa hoàn thiện về vấn đề tâm sinh lý, chưa đủ trưởng thành để có trách nhiệm chăm sóc con cái. Tuổi đời còn quá trẻ, việc chăm sóc trong thai kỳ không tốt là nguyên nhân để đứa trẻ khó phát triển tốt.
Bác sĩ Thắm cho biết nạo phá thai có thể dẫn đến những tai biến như dị ứng thuốc, thủng tử cung, nhiễm trùng tử cung, có thể gây vô sinh và hiếm muộn về sau, thậm chí dẫn đến tử vong. Nhiều bạn trẻ chọn phá bỏ thai ở những cơ sở "chui" không đảm bảo về an toàn thủ thuật thì nguy cơ càng cao. Ngoài ra còn tổn thương lâu dài về mặt tâm lý.
Theo bác sĩ Thắm, biện pháp tránh thai an toàn nhất là sử dụng bao cao su với khả năng ngăn ngừa đến 95%, các bạn nữ phải biết yêu cầu bạn nam sử dụng bao cao su để bảo vệ cho chính mình. Với trường hợp bất khả kháng thì có thể sử dụng thuốc ngừa thai khẩn cấp. Tuy nhiên, thuốc ngừa thai khẩn cấp cũng có những khuyến cáo riêng, chỉ có tác dụng khi sử dụng 2 lần/tháng với khả năng ngừa từ 70 - 75%.
Vấn đề quan trọng nhất cần đẩy mạnh phòng tránh, giáo dục giới tính, hướng dẫn về cách chăm sóc sức khỏe sinh sản cho các bạn trẻ biết tự bảo vệ bản thân.
Còn tiếp kỳ 2...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận