Món quà lì xì đầu năm mới của một học sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến (phường 13, quận Tân Bình, TP.HCM) - Ảnh: Nét đẹp NKP
Sau sự kiện một nam sinh Trường THPT (quận Tân Bình, TP.HCM) vì áp lực học tập trong trường nội trú, Tuổi trẻ Online trao đổi với một số cựu học sinh của trường về những khó khăn quãng thời gian trung học của họ.
Như Quỳnh (sinh viên Trường ĐH Luật TP.HCM): Ở trường Nguyễn Khuyến, mình được nhiều hơn mất
Mình vào trường Nguyễn Khuyến không phải tự nguyện. Học nội trú không thoải mái như học gần nhà, không thể tùy thích đi chơi nơi này, nơi kia sau giờ học. Mình cũng không được gặp ba mẹ mỗi ngày. Nhưng mình học được nhiều điều vô giá, tình cảm và sự biết ơn.
Trường dạy mình làm người trước khi dạy kiến thức. Trường dạy mình kỷ luật trước khi dạy phương pháp học. Mình nghĩ những trải nghiệm của mình tại đây rất quý giá.
Mục tiêu của mình là vào đại học, và mình chấp nhận cái giá để đạt được mục tiêu đó.
Như Quỳnh
Học ở đây rất áp lực, nhưng nhìn nhận áp lực đó như thế nào lại là tùy mỗi người. Các thầy cô mình đã học qua đều cố gắng dùng phương pháp tốt nhất để truyền kiến thức và phương pháp học cho học sinh.
Có lẽ mình may mắn vì chưa từng bị thầy cô nào thúc ép, hay dùng lời lẽ nặng nề khi mình đạt kết quả không tốt. Nhưng mình vẫn bị la rầy, trách phạt, hay bị ăn cây vào tay mỗi khi làm bài sai một cách cẩu thả.
Nhưng sau những lần đó, mình ghi nhớ sai lầm và không lặp lại ở bất cứ bài kiểm tra nào nữa.
Điều mình cảm thấy may mắn có được ở đây nữa chính là tình bạn. Học hành áp lực, nhưng bạn học nào cũng ở bên nhau, sáng chiều gặp mặt, động viên, giúp đỡ lẫn nhau. Bạn bè an ủi mỗi khi khó khăn, mệt mỏi. Đây là niềm an ủi, động lực lớn nhất để mình vượt qua khó khăn trong học tập.
Tình bạn ở Nguyễn Khuyến là thứ mình nhớ nhất khi ra trường. Đến tận bây giờ, chúng mình vẫn gắn bó lẫn nhau, gặp gỡ thường xuyên như khi còn mỗi ngày sáng tối thấy nhau.
Như Quỳnh
Mình còn học được ở môi trường nội trú là việc đúng giờ, tính tự giác. Ai cũng phải tự giác học bài, ôn tập. Thời gian biểu cũng dành thời gian tự học cho học sinh hơn là cố gắng nhồi nhét nhiều tiết giảng dạy. Cho đến bây giờ, thói quen đúng giờ vẫn theo mình dù mình đã học đại học.
Ai cũng có áp lực học hành, chỉ mong các bạn đừng quá để ý đến nó. Nếu muốn không bị mệt mỏi, bạn trước tiên đừng tự tạo áp lực cho mình. Sự kỳ vọng của cha mẹ, thầy cô nên xem là động lực để phấn đấu.
Ngoài học hành, nên dành thời gian để giải trí, tâm sự với bạn bè, thầy cô, cha mẹ. Nếu không thể tâm sự với cha mẹ, ít nhất bạn nên tìm bạn bè nói chuyện. Đừng ôm khổ sở và áp lực một mình, sẽ không ai biết để giúp các bạn vượt qua.
Trúc Hà (cựu học sinh Trường Nguyễn Khuyến, du học sinh tại Vancouver, Canada): Học sinh ai cũng gặp áp lực, trường công hay trường tư cũng thế
Mình nghĩ áp lực học tập của trường khá cao nếu mục tiêu ban đầu bạn đặt ra cao. Áp lực cũng phụ thuộc vào năng lực của mỗi người.
Ai vào Trường Nguyễn Khuyến (TP.HCM) cũng phải cố gắng rất nhiều mới đạt kết quả như ý. Thời gian trong trường eo hẹp, đa phần dành cho tự học. Tụi mình còn bị áp lực về bài kiểm tra, điểm số… Nhưng trường công hay trường tư cũng vậy thôi.
Mình học tại cơ sở Thủ Đức. Thầy tổng quản nhiệm ở đây nghiêm khắc, tạo cho học sinh tính tự lập rất cao. Quần áo, giày dép, xếp chăn gối cũng phải thật nề nếp, làm gì cũng phải đúng giờ. Mình nghĩ điều này rất hay. Khi ra trường rồi, do thói quen ngay cả đi chơi mình cũng đến rất sớm.
Khối 10 ở trường có rất nhiều học sinh từ các tỉnh thành. Vì thế, việc đứng đầu lớp hay học lớp đứng đầu khối là chuyện không hề đơn giản. Bạn sẽ quá áp lực từ mục tiêu cao do bản thân và gia đình tự đặt ra. Tuy nhiên, với mục tiêu thi và đậu đại học, các học sinh học tại đây đều có thể đạt được.
Bản thân các em đừng quá cố ép mình vươn tới những mục tiêu xa vời. Các em nên cố gắng nỗ lực những thế mạnh của bản thân hay chia sẻ với bạn bè, nhà trường, người thân để mọi người hỗ trợ.
Xin đừng đấu tranh một mình. Điều này sẽ càng tăng thêm áp lực.
Đọc bài báo nam sinh tự tử tại trường, mình cảm thấy rất sốc và tiếc cho em ấy. Để vào được trường, mình chắc chắn học lực các em không hề yếu.
Phải chăng tinh thần các em bây giờ không ổn định lắm? Nhà trường, phụ huynh nên chia sẻ, quan tâm về mặt tâm lý các em nhiều hơn. Các em hiện nay có xu hướng theo số đông rất cao, cũng như suy nghĩ thiếu chín chắn.
Hồi đó, giáo viên nội trú của mình cũng quan tâm đến tâm lý học sinh. Nhưng tụi mình hay tâm sự với bạn bè nhiều hơn. Ở nội trú xa nhà nên có nhiều khó khăn, áp lực, khi có người đồng cảm, bạn sẽ dễ chia sẻ hơn.
Tụi mình có nhiều nỗi khổ. Đầu tiên là nhớ nhà. Sau là lạ chỗ ở, toàn bạn mới. Mình có nhiều bạn lắm.
Trúc Hà
Có lúc mệt quá mình ngủ gục trong lớp. Nhưng mình thấy ngủ trong lớp vẫn an toàn. Mình có bạn học THPT ở ngoài. Bạn ấy kể đi học ở trường xong phải tất tả đi học thêm đến tối mịt mới về. Ở ngoài đường, lỡ ngủ thì còn khổ hơn.
Giờ giấc ở nội trú rất khắc nghiệt. 5h sáng tụi mình đã phải tập thể dục rồi. Nhưng sau một thời gian mình cũng có thể bắt nhịp, kiểu như đông người, rồi việc đó lặp lại nhiều nên từ từ cũng quen. Bạn bè đều xa nhà nên hay giúp đỡ nhau. Thấy mình chưa dậy họ kêu giúp, nhắc nhau qua lại.
Thanh xuân của mình ở Nguyễn Khuyến là cả lớp kéo nhau ra sân ăn mì vào mỗi chiều thứ 4. Đó là điều đến tận bây giờ mình vẫn nhớ mãi, yêu thương và trân trọng.
Yến Thy (ĐH Nông lâm, TP.HCM): Nguyễn Khuyến Prison (nhà tù) nhưng khi ra trường thành Nguyễn Khuyến Paradise (thiên đường)
Yến Thy không phủ nhận chuyện trường cũ bị gọi là Nguyễn Khuyến Prison (nhà tù), nhưng đây cũng là nơi cho cô nhiều kỷ niệm đẹp
Đã ra trường được bốn năm, nhưng mình vẫn nhớ mãi mỗi khi nhắc lại Nguyễn Khuyến.
Hồi đó, mình nghĩ cứ lên đại học sẽ được tự do. Mà thiệt, mình tự do đến nỗi chẳng ai nhắc nhở hay la rầy gì cả, cho dù là chuyện nhỏ nhặt nhất như học bài, làm bài đầy đủ. Nhưng nhờ tự giác khi còn học lớp 12, mình phải cố gắng tự giác hoàn tất mọi thứ.
Mình thi thoảng vẫn ước trở lại thời bé xíu để được đi học, được thầy nhắc nhở, và muốn học nội trú nữa.
Yến Thy
Điều đọng lại ở mình chính là tình bạn. Mình nhớ mấy đêm những ngày cận thi, cả đám ra cầu thang ôm cuốn tập, cái gối, cái mền và ly mì.
Khi ra khỏi trường mình hay gặp lại những người bạn chỉ chung khối chứ không hẳn chung lớp. Mọi người đều cười, tíu tít kể lại chuyện này chuyện kia từ hồi ăn chung một giờ, ngủ chung một giấc, từng hiểu và trải qua những cảm giác thức khuya, dậy sớm lăn lê ra góc cầu thang học bài, hát hò cũng như ăn mì gói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận