27/12/2022 11:49 GMT+7

Cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhận 14,8 tỉ từ AIC chỉ là tiền ‘cảm ơn’, không phải hối lộ?

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

Luật sư cho rằng cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhận số tiền 14,8 tỉ từ Công ty AIC thời điểm sau bốn tháng công trình hoàn thành đưa vào sử dụng. Bị cáo cũng không bàn bạc với lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo AIC về việc làm sai để hưởng lợi.

Cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhận 14,8 tỉ từ AIC chỉ là tiền ‘cảm ơn’, không phải hối lộ? - Ảnh 1.

Cựu giám đốc sở Phan Huy Anh Vũ (đeo kính) tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

Ngày 27-12, phiên tòa xét xử vụ án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC tiếp tục phần tranh tụng. Các luật sư nêu quan điểm bào chữa trước khi đại diện viện kiểm sát đối đáp.

"Không bàn bạc làm sai để hưởng lợi"

Trong vụ án này, ông Phan Huy Anh Vũ - cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai - bị cáo buộc nhận số tiền hối lộ nhiều nhất 14,8 tỉ đồng để giúp tổng giám đốc AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn tham gia các gói thầu cung ứng thiết bị y tế tại Bệnh viện Đồng Nai.

Viện kiểm sát đề nghị ông Vũ 19-21 năm tù với hai tội nhận hối lộ và vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Hành vi của cựu giám đốc sở bị cáo buộc cùng với bà Nhàn gây thiệt hại 152 tỉ, trong đó có 148 tỉ là thiệt hại của 16 gói thầu và 3,5 tỉ là thiệt hại vì ký phụ lục hợp đồng điều chỉnh mức phạt tiến độ.

Cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhận 14,8 tỉ từ AIC chỉ là tiền ‘cảm ơn’, không phải hối lộ? - Ảnh 2.

Luật sư Giang Hồng Thanh bào chữa cho ông Vũ tại tòa - Ảnh: GIANG LONG

Bào chữa tại tòa, luật sư Giang Hồng Thanh cho rằng cáo buộc ông Vũ tội nhận hối lộ là "chưa đủ căn cứ". Bởi "cấu thành của tội nhận hối lộ là lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định nhận lợi ích vật chất hoặc phi vật chất để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích của người đưa hối lộ".

"Làm trái quy định trong vụ án này là trái quy định về đấu thầu. Hành vi này đã bị xử lý về tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Như vậy nếu loại bỏ hành vi trái quy định của tội nhận hối lộ thì không đủ yếu tố cấu thành do thiếu điều kiện về mặt chủ quan.

Việc đưa tiền chỉ có Trần Mạnh Hà và Phan Huy Anh Vũ. Hà đã bỏ trốn không có lời khai. Còn Vũ không có lời khai thể hiện Vũ thỏa thuận với AIC là Vũ làm trái quy định để được hoặc sẽ được nhận lợi ích từ AIC", luật sư Thanh phân tích.

Theo luật sư, tại phiên tòa ông Vũ và cựu bí thư Trần Đình Thành, phó tổng giám đốc AIC Hoàng Thị Thúy Nga đều khai không có trao đổi, thỏa thuận, bàn bạc, thống nhất về việc Vũ phải làm sai để được hưởng lợi ích từ AIC.

"Trên thực tế, bác sĩ Vũ chỉ được nhận tiền "cảm ơn" theo cách dùng từ của kết luận điều tra thời điểm 4 tháng sau khi công trình hoàn thành và đưa vào sử dụng", luật sư đưa ra luận cứ và đề nghị tòa tuyên cựu giám đốc sở "không phạm tội nhận hối lộ".

Luật sư đưa ra hàng loạt tình tiết giảm nhẹ như thành tích trong công tác của ông Vũ, tâm huyết xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đến nay vẫn là bệnh viện đứng đầu cả nước về cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị hiện đại tiên tiến. Ông được Chủ tịch nước tặng thưởng danh hiệu Thầy thuốc nhân dân vào tháng 11-2020.

"Có lần bác sĩ Vũ bị ngất xỉu tại công trình do kiệt sức, có sự chứng kiến của nhiều người, trong đó có Chủ tịch Đinh Quốc Thái", lời của luật sư.

Khi vụ án khởi tố cựu bí thư tỉnh mới biết mình sai?

Trước đó, bào chữa cho cựu bí thư Đồng Nai, luật sư Lê Nguyễn Quỳnh Thi cho rằng ông Thành giới thiệu AIC và tổng giám đốc Nguyễn Thị Thanh Nhàn với lãnh đạo trong tỉnh "chỉ với một động cơ mục đích duy nhất là tạo điều kiện cho doanh nghiệp về địa phương đầu tư". Theo vị nữ luật sư, "đây không phải là động cơ phạm tội".

Theo luật sư Thi, lời khai của hai cựu giám đốc sở tại tòa cho thấy ông Trần Đình Thành "hoàn toàn không có chỉ đạo nhanh chóng triển khai, bổ sung chi phí thiết bị y tế vào dự án".

Cựu giám đốc Sở Y tế Đồng Nai nhận 14,8 tỉ từ AIC chỉ là tiền ‘cảm ơn’, không phải hối lộ? - Ảnh 3.

Cựu bí thư Trần Đình Thành tại phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

"Sau này khi vụ án bị khởi tố, biết được AIC trúng thầu không phải bằng chính tiềm năng thực lực như ông đã nhận xét thời điểm đó thì ông Thành mới nhận thức được ông đã sai. Tuy nhiên đề nghị hội đồng xét xử đánh giá thấu đáo bản thân ông Thành không có chuyên môn trong lĩnh vực y tế, không có tham khảo hiểu biết về Luật đấu thầu, đến giai đoạn điều tra ông mới nhận thức được việc chủ đầu tư gặp mặt nhà đầu tư là vi phạm", luật sư nhận định.

Về cáo buộc cựu bí thư nhận hối lộ 14,5 tỉ đồng, luật sư đề nghị tòa đánh giá lại nguồn chứng cứ chứng minh ông Thành đã có sáu lần nhận tiền từ Nguyễn Thị Thanh Nhàn. "Để từ đó vận dụng cho bị cáo Thành chính sách hình sự đặc biệt", luật sư kiến nghị.

Trước đó, trong phần luận tội, viện kiểm sát đề nghị ông Trần Đình Thành mức án 10-11 năm tù về tội nhận hối lộ.

Viện kiểm sát quy kết tại một số bữa ăn ở nhà hàng, ông Thành giới thiệu với lãnh đạo sở ngành Nguyễn Thị Thanh Nhàn có "mối quan hệ rộng rãi" và tạo điều kiện thuận lợi cho Công ty AIC tham gia đấu thầu thiết bị y tế. Đây được coi là những cuộc gặp gỡ "mở đường" cho việc thông thầu về sau.

"Với cương vị bí thư tỉnh ủy, ông Thành đã nhận hối lộ để tác động hai cựu giám đốc sở tạo điều kiện cho AIC trúng 16 gói thầu gây thiệt hại 152 tỉ đồng", bản luận tội nêu.

‘Tâm thư’ từ Mỹ của cựu giám đốc bị truy nã trong vụ bà Nhàn AIC nói gì? ‘Tâm thư’ từ Mỹ của cựu giám đốc bị truy nã trong vụ bà Nhàn AIC nói gì?

Phiên tòa xét xử vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC bước sang ngày thứ sáu với những diễn biến bất ngờ khi có ba trong tám bị cáo đang bỏ trốn thông qua luật sư lần lượt xin “hợp tác xét xử”. Hai cựu giám đốc trong số này nói "sẽ chấp hành bản án”.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp