10/04/2016 09:08 GMT+7

Cứu dự án nghìn tỉ “trùm mền”: nghèo xài như con nhà giàu?

C.V.KÌNH - L.THANH - NH.BÌNH
C.V.KÌNH - L.THANH - NH.BÌNH

TTO - Nếu tiếp tục rót tiền để tiếp sức các dự án nghìn tỉ đồng đang “trùm mền” do hoạt động không hiệu quả, Nhà nước sẽ phải tìm cách thu thêm ngân sách, nhưng chuyện thất thoát và kém hiệu quả trong 
đầu tư chắc chắn khó tránh khỏi.

Cỏ dại mọc um tùm tại dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhiều thiết bị tại dự án này đang có dấu hiệu bị gỉ sét sau nhiều năm “đắp chiếu” - Ảnh: N.Khánh
Cỏ dại mọc um tùm tại dự án mở rộng Nhà máy Gang thép Thái Nguyên giai đoạn 2, nhiều thiết bị tại dự án này đang có dấu hiệu bị gỉ sét sau nhiều năm “đắp chiếu” - Ảnh: N.Khánh

Đó là quan điểm của hầu hết chuyên gia khi trao đổi với Tuổi Trẻ về chuyện ứng xử với các dự án nghìn tỉ “trùm mền” hiện nay.

Ông Nguyễn Đình Cung (viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương):

Ông Nguyễn Đình Cung - Ảnh: L.Thanh
Ông Nguyễn Đình Cung - Ảnh: L.Thanh

 

Đừng bỏ vốn vào các dự án đã chết

Ngoài chuyện đòi được tiếp sức bằng tiền, không ít dự án đầu tư vốn nhà nước còn đòi được ưu đãi về thuế, lãi suất...

Tuy nhiên theo tôi, nếu Nhà nước vẫn rót thêm vốn vào những dự án như kiểu của Nhà máy  là đối xử không công bằng với các doanh nghiệp tư nhân, chưa kể đây là cách ứng xử phi cạnh tranh, phi thị trường.

Thay vì rót thêm vốn, cần tìm những con người khác, cách thức khác để hồi sinh những dự án của doanh nghiệp nhà nước (DNNN) đã thua lỗ, cũng cần tính đến phương án bán những doanh nghiệp, dự án thua lỗ đi để chủ mới tái cơ cấu, giúp dự án, doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn.

Đừng lo nếu dự án, nhà máy của DNNN bị đóng cửa thì mấy nghìn lao động sẽ thất nghiệp. Bởi khi được bán cho nhà đầu tư mới thì nhà xưởng và máy móc thiết bị vẫn còn đó, chỉ có sự thay đổi là người điều hành doanh nghiệp.

Thế nhưng nếu muốn bán được các dự án đã chết lâm sàng, thua lỗ triền miên, giá bán phải theo thị trường chứ không thể khư khư đòi thu hồi đủ vốn đầu tư ban đầu. Nếu thật sự muốn bán, hãy để thị trường tự định giá phù hợp.

* TS Trần Đình Thiên (viện trưởng Viện Kinh tế VN):

TS Trần Đình Thiên - Ảnh: Trung Hà
TS Trần Đình Thiên - Ảnh: Trung Hà

 

Không nên “đâm lao phải theo lao”

Trong bối cảnh thép giá rẻ của Trung Quốc đang tràn ngập và dư thừa hàng triệu tấn thép/năm, điều quan trọng đầu tiên là phải xem xét hiệu quả dự án Nhà máy Gang thép Thái Nguyên sẽ thế nào, chứ chưa nói đến chuyện giá bao nhiêu, tổng vốn tăng thế nào...

Theo tôi, ngành thép đang có vấn đề rất lớn và đây là cơ hội để xem lại toàn bộ dự án của Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên (TISCO). Nếu xét thấy sẽ không đạt hiệu quả, nên chấp nhận đau một lần mà bỏ đi, không nên rót thêm vốn.

Đừng tư duy theo kiểu “đâm lao phải theo lao”- đã lỡ đầu tư nhiều ngàn tỉ đồng rồi nên phải bỏ thêm vốn, bởi chưa dự án nào kéo dài giai đoạn đầu tư mà đạt hiệu quả tốt.

Khi đã khó khăn kéo dài, tăng vốn nhiều lần thì phải hết sức cẩn trọng những báo cáo đánh giá “vẫn hiệu quả”. Nếu dừng lại, có thể chúng ta sẽ chỉ thanh lý được một ít, 4.500 tỉ đồng đã đầu tư có thể mất phần nhiều nhưng nếu rót thêm vốn, Nhà nước có thể còn mất nhiều hơn nữa, chưa kể ngân sách đang khó khăn.

Đã đến lúc chúng ta phải tư duy dài hạn với tính toán lợi ích lớn hơn, trên bình diện quốc gia thay vì tư duy ngắn hạn là cứu một dự án nào đó sẽ khó lòng có nguồn lực để làm những đột phá, tạo sức cạnh tranh cho quốc gia.

Ông Nguyễn Hoàng Hải (phó chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính):

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Ảnh: C.V.K.
Ông Nguyễn Hoàng Hải - Ảnh: C.V.K.

 

Không thể bao bọc mãi cho DNNN

Cũng đầu tư vào dự án sản xuất thép trong cùng thời điểm với quy mô thậm chí lớn hơn, nhưng đến năm 2010 Tập đoàn Hòa Phát đã đưa vào hoạt động giai đoạn 1 và đến nay đã hoàn thành giai đoạn 3 với tổng sản lượng gần 2 triệu tấn/năm, trong khi dự án gang thép Thái Nguyên của TISCO vẫn nằm trơ khung.

Chỉ cần so sánh hai dự án này, chúng ta có thể thấy nên chọn mô hình nào, đầu tư nhà nước hay đầu tư tư nhân, đồng thời đẩy mạnh cổ phần hóa các DNNN để chuyển dần đầu tư nhà nước sang tư nhân là bước đi phù hợp.

Trong thực tế ngay cả khi làm với nhà thầu Trung Quốc, nhà đầu tư tư nhân cũng đàm phán quyết liệt nên ít khi bị hớ, vốn đầu tư thấp và dự án phát huy hiệu quả. Nếu dự án nào có vấn đề về hoa hồng, hợp đồng không chặt chẽ, phía Trung Quốc sau đó sẽ đẩy giá hợp đồng lên rất cao vì khi đó họ biết nhiều người há miệng mắc quai.

Trở lại dự án mở rộng nhà máy của TISCO, theo tôi, Nhà nước không nên tiếp tục rót vốn vào nữa vì rất dễ mất vốn. Bởi lẽ chi phí đầu tư ban đầu là 3.800 tỉ đồng nhưng đã nhiều lần điều chỉnh và nay lên 9.031 tỉ đồng, trong khi máy móc lại phơi mưa nắng 7-8 năm, vậy cạnh tranh làm sao khi ra sản phẩm?

Không nên bảo bọc các DNNN mãi được. Thay vào đó nên đấu giá toàn bộ phần nhà nước đã đầu tư, thu hút các nhà đầu tư quan tâm, kể cả doanh nghiệp FDI để họ tái cơ cấu. Tất nhiên Nhà nước phải chấp nhận mất một phần vốn bởi tư nhân chỉ mua theo giá trị thực.

Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ có cơ hội được hồi sinh, công nhân sẽ lại có việc làm và Nhà nước vẫn có lợi từ các nguồn thu.

* Ông Nguyễn Mại (nguyên thứ trưởng Bộ KH-ĐT):

Ông Nguyễn Mại Ảnh: Trung Hà
Ông Nguyễn Mại Ảnh: Trung Hà

 

Nhà nước không nên đầu tư vào nơi tư nhân làm tốt

Không chỉ một số dự án vừa được dư luận phản ảnh, nhiều dự án đầu tư nhà máy đường hoặc các dự án do Vinashin, Vinalines... đầu tư cũng đều thua lỗ, thất thoát hàng nghìn tỉ đồng. Đây là những bài học quá đắt giá, đau đớn.

Từ kinh nghiệm này, theo tôi, Nhà nước không nên tiếp tục đầu tư vào những lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác đã làm tốt. Thay vao đó, Nhà nước chỉ đầu tư vào dự án phục vụ an ninh quốc phòng, dự án ứng dụng công nghệ cao...

Với dự án của TISCO, theo tôi, cơ quan quản lý cần công khai việc đã quyết định đầu tư vào dự án này ra sao. Việc xử lý trách nhiệm và chế tài xử lý người đứng đầu, người có liên quan khi làm thất thoát vốn và tài sản nhà nước đã được nêu cụ thể trong Luật quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp. Tuy nhiên, chúng ta thực thi các chính sách như thế nào mà thôi.

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn (giảng viên Chương trình kinh tế Fulbright):

Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Ảnh: Duyên Phan
Ông Đỗ Thiên Anh Tuấn - Ảnh: Duyên Phan

 

Hãy để tiền cho những việc cần thiết hơn

Chúng ta từng nói là cần phải ràng buộc trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu, nhưng thực tế đã không làm như vậy chứ không phải là không thể tìm ra cá nhân chịu trách nhiệm.

Nếu chúng ta ràng buộc trách nhiệm người đứng đầu vào hiệu quả của dự án sau này, bất kể khi người đó đã về hưu hay chuyển công tác sang vị trí khác, cũng phải hồi tố nếu để thất bại, để họ không thể vô trách nhiệm với các quyết định của mình.

Với những dự án kém hiệu quả, trước hết cần đánh giá hiệu quả kinh tế một cách khách quan và độc lập để làm cơ sở quyết định có nên tiếp tục hay chấm dứt dự án. Tư nhân chỉ bỏ 2.000 tỉ nhưng TISCO bỏ ra đến hơn 8.000 tỉ với công suất tương đương thì làm sao hiệu quả nổi.

Rõ ràng quy mô đầu tư lớn như vậy sẽ không thể nào mang lại hiệu quả cả. Do đó, theo tôi, đừng đổ thêm tiền vào những dự án như vậy nữa. Ngân sách nhà nước hiện nay rất eo hẹp.

ta đang cần tiền cho nhiều việc cần kíp hơn, chẳng hạn như để ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn...

Ông Bùi Trinh (chuyên gia kinh tế):

Nghèo mà chi tiêu như con nhà giàu

Câu chuyện xin nghìn tỉ để cứu một dự án đã “trùm mền” cho thấy rõ tình trạng chi tiêu vô tội vạ, kỷ luật ngân sách có vấn đề. Những đề xuất cứu dự án kém hiệu quả với hàng nghìn tỉ đồng cũng cho thấy một bộ phận nhân sự nằm trong cơ quan nhà nước đang có tâm lý chi tiêu như con nhà giàu trong khi “gia đình” lại đang nghèo.

Tiền trong các dự án đầu tư nhà nước dù là đi vay hay trích từ ngân sách đều là tiền của người dân. Ngân sách quốc gia hiện nay không còn chỗ cho những dự án nghìn tỉ “đắp chiếu”.

Nếu tiếp tục kích cầu đầu tư, nhất là đầu tư vào các dự án kém hiệu quả, Chính phủ sẽ cứ lún sâu vào thâm hụt ngân sách, nợ chồng nợ. Năm 2014, VN xuất siêu hơn 3 tỉ USD nhưng tăng trưởng GDP chỉ đạt 5,7%, sang năm 2015 dù tăng trưởng GDP VN lên 6,7% nhưng chúng ta lại nhập siêu lên 3,2 tỉ USD.

Điều đó nói lên tăng trưởng của chúng ta đang dồn vào kích cầu tiêu dùng và đầu tư. Từ nhiều năm trước, chúng ta đã đề cập đến vai trò đầu tư của khối doanh nghiệp tư nhân nhưng với các chính sách hiện nay, khối doanh nghiệp này lại không có một chút động cơ nào để mạnh dạn đầu tư.

Doanh nghiệp ngày càng khó khăn do đang bị tăng thu để bù đắp các khoản chi tiêu vung tay quá trán của DNNN. Trong khi tỉ suất lợi nhuận của các doanh nghiệp chỉ vài phần trăm, các loại thuế, phí và lãi suất tiền vay tăng chóng mặt càng khiến các doanh nghiệp gặp khó.

Nếu không cải thiện hiệu quả chi tiêu, chúng ta sẽ tiếp tục trong vòng luẩn quẩn của mục tiêu tăng trưởng.

C.V.KÌNH - L.THANH - NH.BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp