10/10/2024 14:20 GMT+7

Cựu danh thủ Hồng Sơn: Cháy bỏng tình yêu bóng đá

"Mẹ tôi kể rằng dường như tôi biết đá bóng từ trong bụng mẹ...". Có lẽ điều này đã làm nên một Hồng Sơn hội tụ những nét tài hoa trên sân cỏ từ thập niên 1990 đến 2000 của bóng đá Việt Nam.

Hồng Sơn - cháy bỏng tình yêu bóng đá - Ảnh 1.

Hồng Sơn (thứ 3 từ trái sang) trong buổi ra mắt hồi ký - Ảnh: THANH ĐỊNH

Dù vậy, Hồng Sơn vẫn chưa một lần được đứng trên bục cao nhất của bóng đá Đông Nam Á dù ba lần có mặt ở trận chung kết.

Mình đồng, da sắt

20 tuổi khoác áo đội 1 của Thể Công và đoạt danh hiệu Vua phá lưới tại Giải các đội mạnh toàn quốc năm 1990. Đó là một điều lạ, bởi khi ấy Hồng Sơn được bố trí đá trung phong dù thể hình khá hạn chế. Cố nhà báo Tường Vy ngày ấy, khi xem Sơn đá bóng, đã bảo: "Thằng bé này rồi sẽ khổ với các cái máy chém của bóng đá Việt Nam". Thực tế đã chứng minh điều đó trong quyển hồi ký Hồng Sơn "công chúa" - quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính ra mắt vào chiều 9-10 tại TP.HCM.

"Thời ấy bóng đá Việt Nam chưa có phòng ngự khu vực. Thế nên để bắt chặt nhạc trưởng của đối thủ, HLV thường lựa chọn chiến thuật một kèm một, đi đâu là bám đến đấy, gọi là "đeo ba lô". Để tôi phải tịt ngòi, các cầu thủ đối phương phải dùng nhiều đòn như chặt chém, húc đầu, giậm gót vào mũi bàn chân...". Và thế là danh sách những chấn thương Sơn phải chịu cứ dài ra. Nào là đứt dây chằng gối trái, vỡ sụn chêm gối phải, gãy xương mác chân trái, mũi bị đấm vỡ toàn bộ vách ngăn...

Không chỉ trong nước, Hồng Sơn cũng là đích đến của các hậu vệ Indonesia. Và hung thần - trung vệ Tecuari đã đi vào ký ức của Hồng Sơn khi khiến anh trở về nước với chiếc HCĐ Tiger Cup 1996 (sau đó là AFF Cup và nay là ASEAN Cup) và đôi nạng gỗ. Vậy mà Sơn vẫn nói về những chấn thương của mình bằng sự hài hước: "Điểm lại bốn lần phẫu thuật của mình thì sau khi phục hồi, lần nào tôi cũng là Quả bóng vàng hoặc kỳ tích trong sự nghiệp". 

Mở ra khái niệm y học thể thao

Đây là một điều bất ngờ được tiết lộ từ nhà báo Vũ Công Lập - người có mặt trong buổi giao lưu ra mắt hồi ký của Hồng Sơn. Ông Vũ Công Lập kể: "Nhìn ảnh Sơn chống nạng trở về sau Tiger Cup 1996 trên bìa báo Tuổi Trẻ Chủ Nhật, tôi xúc động vô cùng và quyết tâm giúp đưa Sơn sang Đức chữa trị".

Nghe thì quá dễ dàng nhưng gian nan vô cùng. Từ Hà Nội, Sơn phải liên tục bay ra bay vào Sài Gòn để các chuyên gia đầu ngành chấn thương chỉnh hình hội chẩn phương án điều trị. Khổ nổi trong 4 người thì 2 người bỏ phiếu điều trị trong nước, 2 người đồng ý đi nước ngoài để chữa. Hòa 2-2, Sơn bị chuyền như trái bóng.May mắn vào phút cuối, cố HLV Weigang của tuyển Việt Nam lúc ấy quyết định đưa Sơn sang Đức để phẫu thuật.

Với sự giúp đỡ của ông Weigang, Hồng Sơn đã được giáo sư Moss - chuyên gia đầu ngành về chấn thương gối - hỗ trợ việc phẫu thuật. Chưa hết, bệnh viện của giáo sư Moss còn tài trợ một nửa kinh phí. "Ân tình này tôi không bao giờ quên", Sơn nói. Còn với nhà báo Vũ Công Lập, ông đánh giá hành trình điều trị chấn thương của Hồng Sơn đã mở ra khái niệm y học thể thao ở Việt Nam.

Vinh quang trong cay đắng

Ba lần vào chung kết, ba lần về nhì là nỗi đau với Hồng Sơn. Dù vậy, anh thẳng thắn nhìn nhận hai lần thất bại trước Thái Lan ở chung kết SEA Games 1995 và 1999 là do đối thủ quá mạnh. Thất bại đó không có gì bàn cãi. 

Nhưng thất bại 0-1 ở trận chung kết Tiger Cup 1998 trên sân nhà trước Singapore, theo Sơn, là "vết thương lòng". Anh kể: "Sân Hàng Đẫy hôm đó hỗn độn âm thanh, ngập ngụa rác và cờ quạt bị người hâm mộ bỏ lại. Trong mớ âm thanh hỗn độn mà tôi nghe được có những tiếng trách cứ, những lời than vãn ai oán và cả những "mũi dao" cay nghiệt được các CĐV ném về phía chúng tôi.

Tuyển Việt Nam rệu rã bước lên bục nhận huy chương. Tôi nâng danh hiệu Cầu thủ xuất sắc nhất Tiger Cup 1998 và Cầu thủ xuất sắc nhất châu Á tháng 8 mà mong rằng đừng ai nhắc đến nó nữa. Hai mắt tôi cay xè... Tôi sẵn sàng đánh đổi hai danh hiệu mơ ước này cho một lần chạm đỉnh vinh quang cùng đội tuyển Việt Nam".

Hồng Sơn - cháy bỏng tình yêu bóng đá - Ảnh 2.

Danh thủ Hồng Sơn hào hứng chia sẻ về "đứa con tinh thần" của mình - Ảnh: THANH ĐỊNH

Vượt qua tự ti

Ít ai biết rằng Hồng Sơn đã từng vượt qua những cái tên lẫy lừng của bóng đá thế giới như David Beckham, Dwight Yorke, Roberto Carlos... ở Pepsi World Cup Challenge vào năm 2001.

 Sơn kể lúc ấy anh cảm thấy mình thật nhỏ bé trong thế giới của những siêu sao: "Trong phần đầu chuyền bóng, tôi hơi lo lắng. Nhưng ở các phần thi tiếp theo, điểm số của tôi cứ tăng dần. Trên khán đài, người hâm mộ chú ý đến tôi nhiều hơn. Họ vỗ tay rồi dứng cả dậy hô "Hong Son, Viet Nam"". 

Trong cuộc thi này, Hồng Sơn cán đích ở vị trí thứ 2 với 80 điểm, còn Beckham đứng thứ 5. Anh đã vượt qua sự tự ti để trả lời chính câu hỏi mình đặt ra khi tham dự cuộc thi: "Sơn ơi, mày đang làm gì ở đây? Chỗ này liệu có dành cho mày không?".

Một điều cũng rất thú vị là ngày ra mắt hồi ký (9-10) cũng chính là sinh nhật của Hồng Sơn. Và rất nhiều người có mặt ở buổi ra mắt vẫn mong muốn Sơn vẫn mãi sống cùng niềm đam mê bóng đá và truyền ngọn lửa ấy cho các thế hệ tương lai của bóng đá Việt Nam.

Hồng Sơn - cháy bỏng tình yêu bóng đá - Ảnh 2.Hồi ký Hồng Sơn 'công chúa': Nỗi đau từ tin đồn dính đến Năm Cam

Chiều 9-10, cựu tiền vệ Nguyễn Hồng Sơn đã giới thiệu cuốn hồi ký về cuộc đời, sự nghiệp của mình mang tên Hồng Sơn “công chúa” - Quái kiệt sân cỏ trong màu áo lính.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp