20/05/2022 15:47 GMT+7

Cựu chủ tịch Tổng công ty VEAM bị đề nghị 15-16 năm tù

DANH TRỌNG
DANH TRỌNG

TTO - Viện kiểm sát đánh giá ông Trần Ngọc Hà có vai trò chính, thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần, trực tiếp gây ra thiệt hại hơn 130 tỉ đồng, tuy nhiên tại tòa chưa thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội nên cần áp dụng hình phạt nghiêm khắc.

Cựu chủ tịch Tổng công ty VEAM bị đề nghị 15-16 năm tù - Ảnh 1.

Bị cáo Trần Ngọc Hà (áo xanh) và các đồng phạm tại tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Ngày 20-5, sau 3 ngày xét xử, đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội giữ quyền công tố tại tòa đã công bố bản luận tội, đề nghị mức án với cựu chủ tịch Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) Trần Ngọc Hà và 16 bị cáo trong vụ án sai phạm xảy ra tại công ty này.

Theo đó, viện kiểm sát đề nghị tòa tuyên phạt bị cáo Trần Ngọc Hà 15-16 năm tù, Lâm Chí Quang (cựu tổng giám đốc VEAM) bị đề nghị 10-11 năm tù, Vũ Từ Công (cựu kế toán trưởng VEAM) bị đề nghị 8-9 năm tù, Đào Quốc Việt (cựu giám đốc Vetranco) bị đề nghị 13-14 năm tù cùng về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Cùng tội danh trên, các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến 18 năm tù .

Riêng bị cáo Nguyễn Văn Khôi (66 tuổi, cựu trưởng ban kiểm soát, thành viên hội đồng thành viên VEAM) bị đề nghị 20-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

Về trách nhiệm dân sự, tòa yêu cầu các bị cáo phải liên đới bồi thường số tiền thiệt hại trong vụ án, được xác định hơn 380 tỉ đồng.

Hội đồng xét xử (HĐXX) cho biết, trong quá trình diễn ra phiên tòa, ông Trần Ngọc Hà đã tác động gia đình, bồi thường thiệt hại số tiền 1 tỉ đồng, đây được xem xét là tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo.

Bản luận tội của viện kiểm sát nhận định, các bị cáo được giao chức trách quan trọng, quản lý tài sản lớn của Nhà nước, đều có trình độ và trách nhiệm cao, hoàn toàn ý thức được hành vi của mình, dù vậy vẫn thiếu trách nhiệm, để xảy ra sai phạm.

"Hành vi của các bị cáo gây thất thoát nghiêm trọng tài sản của Nhà nước, gây tác hại nặng nề với kinh tế và tiến trình phát triển chung của đất nước, ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động và các cổ đông", viện kiểm sát đánh giá.

Trong đó, bị cáo Trần Ngọc Hà có vai trò chính, thực hiện hành vi phạm tội nhiều lần. Viện kiểm sát cho rằng, bị cáo Hà trực tiếp gây ra thiệt hại hơn 130 tỉ đồng. Tuy nhiên tại tòa, bị cáo chưa thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội nên cần áp dụng mức hình phạt nghiêm khắc.

Cựu chủ tịch Tổng công ty VEAM bị đề nghị 15-16 năm tù - Ảnh 2.

Đại diện viện kiểm sát đọc bản luận tội và đề nghị mức án với các bị cáo - Ảnh: DANH TRỌNG

Trước đó, trả lời thẩm vấn, cựu tổng giám đốc VEAM Trần Ngọc Hà phủ nhận các cáo buộc và cho hay trong lúc đương nhiệm ông đã làm hết trách nhiệm và 'không có sai phạm gì'.

Viện kiểm sát xác định, VEAM có đại diện chủ sở hữu là Bộ Công thương (trong đó vốn nhà nước hơn 88%). Công ty cổ phần vận tải và thương mại VEAM - Vetranco là công ty con của VEAM.

Từ năm 2011-2013, Vũ Từ Công tham mưu, đề xuất, soạn thảo văn bản trình Lâm Chí Quang (tổng giám đốc VEAM), ký 5 chứng thư bảo lãnh thanh toán ngân hàng cho Vetranco vay tổng số 193 tỉ đồng.

Từ việc bảo lãnh của VEAM, Vetranco đã vay tiền tại các ngân hàng để kinh doanh với các Công ty cổ phần đầu tư Minh Quang, Công ty cổ phần thép Minh Quang, Công ty cổ phần đầu tư Tương Lai, Công ty TNHH đầu tư thương mại và xuất nhập khẩu Hải Đăng. Tuy nhiên, hiện các công ty này đã dừng hoạt động không còn tài sản gì, không có khả năng trả nợ cho Vetranco.

Do Vetranco không có nguồn tiền trả nợ ngân hàng nên VEAM đã bị các ngân hàng cưỡng thu hoặc phải trả nợ thay Vetranco tổng số tiền gần 76 tỉ đồng.

Ngoài ra khi sử dụng nguồn tiền vay ngân hàng do VEAM bảo lãnh, giám đốc Vetranco Đào Quốc Việt đã cho Trần Quang Tiến - chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần đầu tư Tập đoàn Đại Nam - vay để hưởng lãi.

Cựu chủ tịch Tổng công ty VEAM bị đề nghị 15-16 năm tù - Ảnh 3.

Toàn cảnh phiên tòa - Ảnh: DANH TRỌNG

Để che giấu việc cho vay tiền trái quy định, bị can Việt và Tiến thỏa thuận hợp thức bằng cách lập các hợp đồng mua bán hàng hóa khống. Trần Quang Tiến không hoàn trả được 15 khoản vay phát sinh từ tháng 5-2013 đến tháng 8-2013, gây thiệt hại cho Vetranco gần 183 tỉ đồng.

Cơ quan tố tụng xác định khi thực hiện dự án đầu tư sản xuất máy kéo bốn bánh hạng trung và ký kết, thực hiện 2 thỏa thuận VEAM-ZIBO đầu tư phát triển ôtô tay lái bên phải của lãnh đạo VEAM đã gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 66 tỉ đồng.

Đối với bị cáo Nguyễn Văn Khôi, với vai trò là thành viên hội đồng thành viên phụ trách lĩnh vực quản lý vốn và hoạt động tài chính kế toán, công tác kiểm soát VEAM, bị cáo Khôi bị xác định là đã thực hiện không hết trách nhiệm của mình, gây thiệt hại cho VEAM hơn 75 tỉ đồng.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao xác định vụ án còn liên quan một số cán bộ, cá nhân thuộc hội đồng thành viên VEAM, phòng kỹ thuật đầu tư, phòng kinh doanh, phòng tài chính, nguyên chủ tịch hội đồng quản trị Vetranco, nguyên ủy viên hội đồng quản trị Vetranco...

Sai phạm của những người này chưa đến mức phải xử lý hình sự, tuy nhiên viện kiểm sát sẽ kiến nghị với cơ quan quản lý VEAM, Bộ Công thương xem xét xử lý kỷ luật.

Cựu chủ tịch VEAM và đồng phạm gây thiệt hại bao nhiêu? Cựu chủ tịch VEAM và đồng phạm gây thiệt hại bao nhiêu?

TTO - Theo Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, một số người từng là lãnh đạo Tổng công ty Máy động lực và máy nông nghiệp Việt Nam (VEAM) đã có nhiều quyết định, chủ trương đầu tư trái quy định gây thiệt hại lớn về tài sản của Nhà nước.


DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp