Chiều 29-7, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 người khác kết thúc phần tranh luận.
Hội đồng xét xử nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào 14h ngày 5-8.
"Không bao giờ tưởng tượng có những hành vi gian lận, lừa đảo kinh khủng như vậy"
Đứng trước bục khai báo nói lời sau cùng, bị cáo Trần Đắc Sinh, cựu chủ tịch hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), cho biết từ khi được Đảng, Nhà nước phân công làm việc trong thị trường chứng khoán cho đến ngày nghỉ hưu, mục tiêu của ông chỉ mong làm sao cho thị trường chứng khoán phát triển.
"Tuy nhiên vào những ngày cuối sắp nghỉ hưu, tôi bị một con vi rút lừa đảo chui qua tất cả các cửa để cuối cùng tôi bị phạm tội như ngày hôm nay", ông Sinh ví von.
Ông Sinh gửi lời xin lỗi Đảng, Nhà nước đã tin tưởng, phân công nhưng ông đã không hoàn thành nhiệm vụ.
Ông Sinh cũng xin lỗi Bộ Tài chính, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch khoán TP.HCM và tất cả các nhà đầu tư đã tin tưởng ông.
"Bản thân tôi với một kinh nghiệm rất lớn nhưng đã phạm những sai lầm, để cho việc lừa đảo diễn ra làm giảm, mất lòng tin của nhà đầu tư với thị trường chứng khoán.
Hôm nay đứng tại đây, tôi rất buồn, ân hận", ông Sinh phân trần.
Cựu chủ tịch HOSE cho rằng "vụ án này để lại quá nhiều bài học".
Từ khi ông đương chức, làm việc suốt thời gian dài, "không bao giờ tưởng tượng được có những hành vi gian lận, lừa đảo kinh khủng như vậy".
Qua phiên tòa này, ông Sinh cho rằng cần có những cơ sở pháp lý để chấn chỉnh thị trường vốn, thị trường chứng khoán "làm sao cho hoạt động minh bạch, hiệu quả và thu hút được nguồn vốn cho đầu tư", ông Sinh nói và mong tòa xem xét lượng hình nhẹ nhàng cho các bị cáo là cấp dưới của mình.
"Cũng chỉ vì con vi rút lừa đảo đã đi qua các kênh, các nút thắt mà anh em chúng tôi cũng không đủ trình độ để ngăn chặn. Nhưng chúng tôi cũng phải chấp nhận những bản án mà hội đồng xét xử phán quyết", ông Sinh nói.
Cuối phần trình bày, ông Trần Đắc Sinh xin kiến nghị một số vấn đề để hoàn thiện những cơ chế chính sách cho thị trường chứng khoán, "để những người sau không bị vi phạm pháp luật".
Ông Sinh cho rằng đối với doanh nghiệp phải xem xét lại việc quản lý vốn điều lệ, các công ty kiểm toán phải có hành lang pháp lý chặt chẽ hơn, siết chặt để không bị sai phạm.
Ngoài ra, các cơ quan thanh tra giám sát như Ủy ban Chứng khoán cũng cần có luật pháp rõ hơn về vấn đề quản lý thị trường chứng khoán…
Cựu tổng giám đốc HOSE: "Chưa bao giờ nghĩ sẽ giúp đỡ cho hành vi lừa đảo các nhà đầu tư"
Là người tiếp theo nói lời sau cùng, bị cáo Lê Hải Trà, cựu tổng giám đốc Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), nói từ khi được cơ quan điều tra mời làm việc đã nhận thức đầy đủ hành vi của bản thân.
Tuy nhiên, ông Trà cũng giãi bày rằng bản thân ông cũng như những bị cáo khác đã tham gia thị trường chứng khoán từ ngày đầu, "chưa bao giờ nghĩ một ngày nào đó sẽ tham gia giúp đỡ cho hành vi lừa đảo các nhà đầu tư".
Tiếp tục trình bày, ông Trà kể về nỗ lực phấn đấu của bản thân, phấn đấu đi học ở Mỹ, rồi quay về làm việc tại HOSE và trở thành lãnh đạo.
Ông Trà bày tỏ sự tiếc nuối khi HOSE từng bước lớn mạnh nhưng ông không thể tiếp tục tham gia vào quá trình phát triển này.
"Càng thấy sự lớn mạnh của HOSE, tôi càng thấy xót xa và hối tiếc về những gì xảy ra trong vụ án này", ông Trà nói.
Cuối cùng, ông Trà mong hội đồng xét xử xem xét hoàn cảnh gia đình, ông ngoại là cán bộ tiền cách mạng, 19 năm là tù nhân Côn Đảo, bố là liệt sĩ, mẹ già mất cũng là thời điểm ông bị bắt nên không thực hiện được di nguyện cuối cùng của mẹ.
Cho rằng mức án viện kiểm sát đề nghị quá khắt khe với bản thân, bị cáo Trầm Tuần Vũ, cựu phó tổng giám đốc HOSE, nói rằng bị cáo có sai phạm nhưng không hề vụ lợi, không có động cơ cá nhân, xin khoan hồng để sớm được trở về chăm sóc gia đình.
Các bị cáo khác đều thừa nhận hành vi sai phạm, mong hội đồng xét xử khoan hồng để sớm được trở về với gia đình, xã hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận