Sáng 23-7, phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản liên quan cựu chủ tịch Tập đoàn FLC Trịnh Văn Quyết và 49 người khác tiếp tục phần xét hỏi.
Sau hơn 1 ngày được cách ly để lấy lời khai độc lập với 47 người còn lại, gần trưa nay, hội đồng xét xử đã đề nghị cảnh sát dẫn giải bị cáo Trịnh Văn Quyết cùng em gái Trịnh Thị Minh Huế vào phòng xử án để xét hỏi.
Ông Trịnh Văn Quyết nói về mong muốn thành lập công ty xây dựng
Được gọi lên thẩm vấn, ông Quyết đứng thẳng người, đặt hai tay lên bục khai báo, trả lời các câu hỏi của chủ tọa.
Trước nhiều câu hỏi về cáo buộc liên quan đến hai tội danh thao túng thị trường chứng khoán và lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cựu chủ tịch FLC thừa nhận hành vi phạm tội và liên tục nói rằng "tôn trọng cáo trạng, các hành vi của bị cáo trong cáo trạng mô tả là đúng".
"Bị cáo có chỉ đạo Trịnh Thị Minh Huế và một số bị cáo khác trong việc nâng khống vốn Công ty Faros từ 1,5 tỉ lên 4.300 tỉ đồng.
Sau đó niêm yết cổ phiếu của doanh nghiệp này lên sàn chứng khoán và hưởng lợi hơn 3.000 tỉ đồng?", chủ tọa tuy vấn.
Bị cáo Quyết tiếp tục thừa nhận "cáo trạng mô tả là đúng, tôn trọng cáo trạng" vì bản thân đến nay không nhớ rõ chi tiết.
Đối với hành vi thao túng, bị cáo Quyết nhắc lại "thừa nhận hành vi mô tả trong cáo trạng".
Trước việc trên, chủ tọa chất vấn mục đích của việc lừa đảo là gì? Lúc này bị cáo Quyết khẳng định "chưa bao giờ có mục đích chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư".
Cũng theo lời bị cáo Quyết, bản thân có mong muốn thành lập hoặc mua lại một công ty về xây dựng.
Trước tiên là để chủ động cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Tập đoàn FLC, nếu có thể thì làm cả dự án bên ngoài.
"Đến thời điểm bị bắt, ý tưởng thành lập công ty xây dựng của tôi đã thực hiện được", ông Quyết nói.
Cuối phần trình bày, cựu chủ tịch FLC cho hay "bị cáo tôn trọng phán quyết của hội đồng xét xử".
Em gái Trịnh Văn Quyết khai "thực hiện hành vi theo chỉ đạo của anh trai"
Tại tòa, khai về hành vi tăng vốn điều lệ Công ty Faros, bị cáo Trịnh Thị Minh Huế cho biết được Trịnh Văn Quyết giao cho việc chuẩn bị hồ sơ và đưa hồ sơ cho người thân, người quen ký, nhờ họ đứng tên cổ đông, nộp tiền, rút tiền.
"Anh Quyết đưa danh sách nhiều người trong đó có đánh dấu sẵn, ghi số lượng cổ phần. Bị cáo chỉ đánh máy lại danh sách và có thêm tiêu đề Danh sách cổ đông Công ty Faros rồi đưa lại cho anh Quyết", bà Huế khai.
Ở hành vi thao túng thị trường chứng khoán, bà Huế cũng cho biết thực hiện theo chỉ đạo của anh trai.
"Anh Quyết bảo mượn chứng minh nhân dân thì bị cáo làm rồi báo cáo lại. Khi nào anh Quyết bảo và đưa số điện thoại công ty chứng khoán thì bị cáo liên hệ mở tài khoản chứng khoán", bị cáo Huế nói.
Cũng theo lời bị cáo Huế, khi cần mua bán chứng khoán, đầu ngày ông Quyết sẽ nhắn tin, gọi điện báo dùng tài khoản nào, mua mã nào, giá bao nhiêu, bà đặt lệnh như vậy.
Hằng ngày ông Quyết đều nhắn tin nhiều lần. Cứ khi nào nhận được tin nhắn thì bà Huế sẽ thực hiện đặt lệnh ngay. Các tài khoản này thường có sẵn tiền để mua bán.
Trường hợp không đủ tiền để đặt lệnh thì theo lời ông Quyết, bà Huế sẽ liên hệ với bị cáo Trịnh Thị Thúy Nga (em gái ông Quyết) ở Công ty chứng khoán BOS.
Khi tài khoản được cấp đủ tiền, bà Huế sẽ đặt lệnh.
Theo cáo trạng, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo em gái là Trịnh Thị Minh Huế cùng nhiều nhân viên FLC mượn danh nghĩa của nhân viên, người thân, họ hàng để lập hồ sơ, thủ tục thành lập công ty.
Sau đó, những người này mở tài khoản chứng khoán, tài khoản ngân hàng nhằm thao túng thị trường chứng khoán với 5 mã cổ phiếu AMD, HAI, GAB, FLC, ART.
Hành vi thao túng các mã cổ phiếu tạo ra cung cầu giả và thổi giá đối với 5 mã cổ phiếu thuộc nhóm FLC.
Qua đó, Trịnh Văn Quyết và đồng phạm gây thiệt hại 723 tỉ đồng cho các nhà đầu tư.
Ở tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, cơ quan tố tụng xác định ông Quyết nâng khống vốn điều lệ của Công ty cổ phần xây dựng FLC Faros để niêm yết mã cổ phiếu ROS trên sàn giao dịch chứng khoán, nhằm thu tiền của các nhà đầu tư.
Công ty Faros được thành lập vào năm 2011 với vốn điều lệ 1,5 tỉ đồng. Đến giai đoạn 2014-2016, ông Trịnh Văn Quyết làm thủ tục tăng khống vốn điều lệ cho doanh nghiệp này, từ con số ban đầu lên tận 4.300 tỉ đồng, tương đương 430 triệu cổ phần.
Khi FLC Faros niêm yết 430 triệu cổ phiếu mã ROS trên sàn chứng khoán, Trịnh Văn Quyết chỉ đạo bán, chiếm đoạt hơn 3.600 tỉ đồng của các nhà đầu tư.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận