24/12/2022 15:02 GMT+7

Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị 30 năm tù

THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG
THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu chủ tịch Công ty AIC - đang bỏ trốn nhưng cơ quan truy tố cho rằng chứng cứ, tài liệu thu thập, lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa chứng minh hành vi móc ngoặc gian lận thầu nên cần mức án nghiêm khắc.

Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị 30 năm tù - Ảnh 1.

Toàn cảnh phiên tòa - Ảnh: GIANG LONG

Ngày 24-12, sau bốn ngày xét hỏi, phiên tòa xét xử 36 bị cáo trong đại án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC kết thúc phần xét hỏi chuyển sang tranh tụng. Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa đã nêu quan điểm luận tội và đề nghị mức án.

Điểm đáng chú ý của phiên tòa này là cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng bảy người khác bỏ trốn trước khi bị khởi tố vẫn bị truy tố và đưa ra xét xử. Viện kiểm sát cũng đề nghị mức án đối với bà Nhàn và những người đang trốn truy nã.

Theo viện kiểm sát, trong 36 bị cáo bị đưa ra xét xử có Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người khác đang bỏ trốn gây khó khăn trong quá trình giải quyết toàn diện của vụ án. 

Cơ quan điều tra đã ra quyết định truy nã, kêu gọi các bị cáo ra đầu thú nhưng không có kết quả. Theo cơ quan công tố, việc tòa án đưa các bị cáo đang bỏ trốn ra xét xử là kịp thời và cần thiết, đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật “trốn cũng không thể thoát được”. 

Viện kiểm sát đề nghị tuyên phạt bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn 14-15 năm tù tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng, 16-17 năm tù về tội đưa hối lộ, tổng hợp hình phạt bị đề nghị 30 năm tù. 

Cùng hai tội danh trên, Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc AIC) bị đề nghị lần lượt 13-14 năm tù và 12-13 năm tù, tổng hợp 25-27 năm tù. 

Cả hai bị cáo Nhàn và Hà hiện đang bỏ trốn, bị phát lệnh truy nã. 

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga - cựu phó tổng giám đốc Công ty AIC - bị đề nghị 8-9 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.

Ngoài hai bị cáo Nhàn và Hà, sáu bị cáo đang bỏ trốn còn lại bị đề nghị thấp nhất 4 năm tù đến cao nhất 8 năm tù. Các bị cáo còn lại là lãnh đạo, nhân viên của Công ty AIC bị đề nghị các mức án thấp nhất từ 30 tháng tù treo đến mức án cao nhất 7 năm tù.

Các bị cáo còn lại là lãnh đạo các công ty làm "quân xanh", các công ty giúp sức cho AIC bị đề nghị mức án tấp nhất từ 30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo đến mức án cao nhất 7 năm tù.

Vụ án là minh chứng điển hình lợi ích nhóm

Theo cơ quan truy tố, những năm qua công tác phòng chống tham nhũng có những bước tiến mạnh mẽ, không có vùng cấm, góp phần đẩy lùi tội phạm tham nhũng, kinh tế, chức vụ. Từ đó, nhiều vụ án quy mô lớn, có tính chất phức tạp bị phát hiện, nhiều tội phạm giữ chức vụ cao bị đưa ra xử lý.

"Vụ án này là một minh họa điển hình cho lợi ích nhóm, thể hiện sự móc ngoặc, thông đồng giữa doanh nghiệp và người có thẩm quyền để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hưởng lợi hàng trăm tỉ đồng, gây thiệt hại cho Nhà nước", bản luận tội nêu.

Theo viện kiểm sát, hành vi phạm tội của bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã được chứng minh bằng các tài liệu chứng cứ thu thập được và lời khai của các bị cáo khác tại phiên tòa.

Lời khai của các bị cáo là nhân viên của Công ty AIC cho thấy Nguyễn Thị Thanh Nhàn đã thiết lập "quy trình 70 bước thực hiện dự án thiết bị không có xây dựng", trong đó có nội dung thực hiện thông thầu và gian lận trong đấu thầu, trái quy định của Luật đấu thầu.

Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị 30 năm tù - Ảnh 3.

Cựu chủ tịch tỉnh Đồng Nai Đinh Quốc Thái - Ảnh: TTXVN

Quy trình gồm các bước nhằm đối phó với các quy định đấu thầu hoặc bắt tay, đi cửa sau thông thầu. Cụ thể tại bước thứ 14, với quy định về thẩm tra danh mục thiết bị và dự toán, "quy trình 70 bước" đưa ra hướng giải quyết gửi thẳng cho chủ đầu tư danh mục và dự toán.

Tại bước thứ 19, với quy định phải thẩm định giá, bà Nhàn ngang nhiên "làm việc với đơn vị thẩm định giá ra kết quả như mong muốn". Thậm chí, các bước khác của bộ quy trình còn đưa ra đủ trò làm xiếc, lập "quân xanh quân đỏ" đưa vào đấu thầu, phù phép các hồ sơ, báo cáo tài chính...

Tại bước 26 còn nêu: "Làm 'quân xanh' cho dự án, chuẩn bị hồ sơ năng lực, xin bảo lãnh dự thầu, làm báo giá cho 'quân xanh'".

Viện kiểm sát cáo buộc Nguyễn Thị Thanh Nhàn xây dựng và yêu cầu cấp dưới thực hiện quy trình nêu trên để liên hệ, thông đồng với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn, thẩm định giá và các công ty "quân xanh" nhằm đảm bảo cho AIC dự thầu và trúng thầu.

Hối lộ hơn 43 tỉ, nâng khống giá thiết bị lên hai lần

Theo bản luận tội, muốn Công ty AIC được trúng 16 gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế tại dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Nguyễn Thị Thanh Nhàn thiết lập quan hệ với cựu bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Trần Đình Thành để được giới thiệu đi gặp các quan chức trong tỉnh.

Bà Nhàn trực tiếp sáu lần đưa tiền cho ông Thành, tổng cộng 14,5 tỉ đồng.

Để bôi trơn dự án, bà Nhàn cùng cấp dưới còn 14 lần đưa chủ tịch Đồng Nai Đinh Quốc Thái tổng số tiền 14,5 tỉ đồng; đưa ông Phan Huy Anh Vũ (cựu giám đốc Sở Y tế) sáu lần, tổng cộng 14,8 tỉ đồng.

Giá thiết bị trong các gói thầu do Công ty AIC cung cấp cho dự án bị nâng khống 1,3 - 2 lần, qua đó bị cáo Nhàn thu lợi bất chính số tiền lớn, gây thiệt hại tài sản nhà nước số tiền hơn 152 tỉ.

Cựu chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị đề nghị 30 năm tù - Ảnh 4.

Viện kiểm sát giữ quyền công tố tại tòa - Ảnh: GIANG LONG

Viện kiểm sát cáo buộc hành vi đưa 43 tỉ đồng cho những người có chức vụ của tỉnh Đồng Nai phạm vào tội đưa hối lộ.

Bị cáo Trần Mạnh Hà - phó tổng giám đốc AIC - cũng đang bỏ trốn giống bà Nhàn. Viện kiểm sát cáo buộc ông Hà có vai trò đồng phạm giúp sức đắc lực cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn trong gian lận thầu và hối lộ lãnh đạo tỉnh Đồng Nai.

Bị cáo Hà nhiều lần cùng Nguyễn Thị Thanh Nhàn gặp gỡ, tiếp xúc với bí thư tỉnh đặt vấn đề chỉ đạo thực hiện tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng thầu trái pháp luật.

Trong số tiền hơn 43 tỉ AIC hối lộ cựu lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, bị cáo Hà bị cáo buộc đưa tiền cựu chủ tịch 2,5 tỉ, đưa cựu giám đốc bệnh viện 17,3 tỉ.

Ông Hà còn chỉ đạo nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn tạo điều kiện để Công ty AIC trúng 16 gói thầu, cùng bà Nhàn gây thiệt hại hơn 152 tỉ.

Bị cáo Hoàng Thị Thúy Nga - cựu phó tổng giám đốc AIC - bị cơ quan công tố đánh giá không thừa nhận hành vi phạm tội trong quá trình điều tra. Tại tòa bị cáo thừa nhận có tội nhưng không thừa nhận hành vi phạm tội nào. Tuy nhiên căn cứ tài liệu vụ án, lời khai các bị cáo khác đủ để xác định sai phạm của bị cáo. 

“Có đủ căn cứ xác định bị cáo Nga nhiều lần cùng Nguyễn Thị Thanh Nhàn tiếp xúc quan chức Đồng Nai đặt vấn đề tạo điều kiện cho AIC tham gia trúng thầu trái pháp luật. Bị cáo còn chỉ đạo nhân viên dưới quyền thông đồng, cấu kết với chủ đầu tư, các đơn vị tư vấn tạo điều kiện cho Công ty AIC trúng 16 gói thầu của dự án gây thiệt hại hơn 148 tỉ”, viện kiểm sát đánh giá về hành vi thông thầu của Hoàng Thị Thúy Nga.

Về dân sự, viện kiểm sát đề nghị ba bị cáo Nguyễn Thị Thanh Nhàn, Hoàng Thị Thúy Nga và Trần Mạnh Hà của AIC phải liên đới bồi thường cho tỉnh Đồng Nai hơn 152 tỉ đồng nhưng được khấu trừ hơn 3,2 tỉ các bị cáo trong vụ án đã tự nguyện bồi thường.

Trong đó, bà Nhàn phải chịu trách nhiệm bồi thường 2/3, số còn lại Nga và Hà phải liên đới bồi thường.

Cựu giám đốc bệnh viện Đồng Nai: Cựu giám đốc bệnh viện Đồng Nai: 'Có lúc không muốn mua hàng AIC, bí thư tỉnh gọi nhắc nhở'

Tại tòa, cựu bí thư Đồng Nai Trần Đình Thành xác nhận lời khai về việc tạo điều kiện cho Nguyễn Thị Thanh Nhàn - cựu chủ tịch Công ty AIC - tham gia và trúng thầu.

THÂN HOÀNG - DANH TRỌNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp