Dùng hỗn hợp đặc biệt để vá thân cây cho đẹp và che đi phần “xương sống”, cánh tay đòn bằng thép bên trong - Ảnh: N.N.L.
Cuối năm 2018, cây héo hon rụng lá, có nguy cơ chết bởi gần 15 năm bị sâu đục thân tàn phá...
Ông Nguyễn Văn Công - giám đốc Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch - cho biết lúc còn khỏe, mỗi khi đến làm việc, Bác đi qua thường vuốt ve thân cây.
"Nhà 67 cũng chính là nơi mất. Do đó, ở đây như một chứng nhân lịch sử, trở thành di tích quý hiếm" - ông Công tâm sự.
Cây bệnh lâu năm, tưởng chừng sắp chết, rất may được cứu sống bởi ông Trần Ngọc Nam.
Đưa thợ ra Hà Nội cứu cây quý
Trong một lần ra Hà Nội, ông Trần Ngọc Nam, 55 tuổi, tổng giám đốc Công ty TNHH sản xuất thương mại Đại Nam, chuyên về sản xuất phân vi sinh ở Bà Rịa - Vũng Tàu, tình cờ biết cây trường xanh ở Phủ Chủ tịch bị sâu đục thân gần chết. Ông liền tìm đến ông Nguyễn Văn Công xin được xem xét để cứu cây.
Lúc đó cây chỉ còn khoảng 10% sự sống. Gốc cây, thân cây đã bị mục 70-80%, màu xanh thường thấy của diệp lục trên lá không còn, lá mỏng, teo dần.
Ông Công ban đầu cũng không biết ông Nam là ai, nhưng thấy ông Nam chân thành, lại tự nguyện xin tìm cách cứu cây nên thuận gặp. Hơn nữa, lúc đó cây cũng chẳng còn mấy cơ may sống, nên thuận cho ông Nam giúp "cố gắng đừng để tình trạng của cây xấu hơn".
Theo ông Công, từ gần 15 năm trước, cây trường xanh đã bị mục thân. Ban quản lý di tích đã nhờ các nhà khoa học giúp duy trì cây cho đến nay. Đó là đổ bêtông vào trong phần thân cây bị mục, làm cột chống đỡ, buộc dây giằng néo. Nhưng cây cũng "sinh - lão - bệnh - tử", mắc bệnh nên ngày càng xấu đi.
Về phía ông Nam, sau khi xem cây, chụp hình tình trạng của cây đã đem về họp với nhân viên cùng phân tích, lên phương án cứu cây. 10 ngày sau, ông Nam cùng 10 người thợ ra Hà Nội, bắt tay cứu cây trường xanh.
"Tôi từng cứu hàng trăm hecta cà phê, tiêu cho bà con nông dân. Nhưng với cây trường xanh này, có lý do đặc biệt nên áp lực vô cùng. Đó là cây này không chỉ hiếm, khó thay thế, mà còn được trồng ở vị trí lịch sử nên trước khi nhận cứu cây, tôi chịu áp lực nhiều lắm" - ông Nam tâm sự.
Chuyện cây hiếm, ông Nguyễn Văn Công cũng xác nhận Ban quản lý di tích đã nhờ bộ, ngành, nhờ các nhà khoa học và cả kiểm lâm các tỉnh tìm cây này nhưng chưa thấy phản hồi.
Cứu cây bằng cả tấm lòng
Sau ba ngày, hai đêm đào đất, gọt thân cây, bắt sâu, làm bộ "xương sống", lắp cánh tay đòn cho cây, rạng sáng 26-10-2018 hệ thống cột chống, dây giằng néo giữ cây từ lâu đã được cắt bỏ, tháo dỡ trong sự hồi hộp của những người quan sát... Hệ thống giằng néo đó cũng giống như người chống nạng lâu nay, giờ bỏ nạng ra.
"Sau khi cắt xong, cây rung lên và tim tôi cũng rung lên vì hồi hộp. Cây đứng yên sau khi cắt hết bộ đỡ, dây chằng. Chúng tôi thở phào sung sướng... Lúc đó trong tôi trào dâng niềm vinh dự, vui đến khó tả. Cứu cây trường sanh từng gắn bó với Bác Hồ trong điều kiện khắc nghiệt nhất nhưng đó cũng là vinh dự nhất trong cuộc đời của tôi" - ông Nam xúc động nói.
Cả đêm sau đó ông Nam không thể chợp mắt vì vẫn còn nỗi lo. Sáng sớm ông lại lật đật dậy sớm đến để xem cây. Mọi chuyện đều tốt đẹp. Rồi ông cùng nhóm thợ tiếp tục công đoạn "vá" thân cây, gốc cây ở đoạn bị mục rỗng, trơ thân.
Ông dùng một loại keo đặc biệt trộn với bột đá, bột gỗ rồi đắp, "vá" thân cây, tạo dáng theo hình thù tự nhiên. Đặc biệt là phần thẩm mỹ này có tác dụng che đi phần tấm thép inox, cột inox dùng để đỡ thân cây bên trong.
Đến những ngày này, ông Công cho biết cây trường xanh đã phát triển xanh tốt, lá sum sê hơn. Nói về cách cứu cây của ông Nam, ông Công nói rằng sau này mới biết ông Nam không có bằng cấp gì, chỉ là một nhà khoa học chân đất, tay ngang nhưng giải pháp ông Nam cứu cây là hết sức khoa học.
Giờ đây nhìn cây trường xanh cao vút, xanh tốt trước Nhà 67, ít ai biết đó là cây từng bị mục rỗng, hư hại nhiều, sắp chết. Cây được cứu sống không chỉ bằng nỗ lực của ông Nam và nhóm thợ mà đó còn là sự tận tâm, dành tình cảm với Bác Hồ kính yêu.
Cây trường xanh là cây gì?
Trước đó cây đầy thương tích - Ảnh: N.N.L.
Năm 1967, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã cho xây dựng phía sau nhà sàn của Bác một ngôi nhà kiên cố, đề phòng khi máy bay Mỹ bắn phá thì trú tránh. Căn nhà này được gọi theo thời gian xây dựng "Nhà 67".
Ông Nguyễn Văn Công cho biết cây trường xanh ở đây có trước khi có "Nhà 67". Lúc thi công dù bị ảnh hưởng đến việc làm nhà, nhưng những kỹ sư thi công cho biết Bác bảo đừng chặt và cây từ đó gắn bó với Người.
Theo dòng chữ ghi trên cây trường xanh hiện nay, cây này có tên khoa học là Crateva unilocularis (Buch-Ham).
Theo trang tracuuduoclieu.vn, cây này thuộc họ màn màn (Capparaceae), lá cây vò vắt nước nhỏ có công dụng chữa viêm mũi, rễ cây có tác dụng chữa viêm gan, lỵ, ỉa chảy, sốt rét, phong thấp.
Còn theo trang ydhvn.com, đây là cây dược liệu có tên "Bún một buồng".
Cắt oxy bắt sâu, tạo "xương sống" cho cây
Ông Trần Ngọc Nam (bìa phải) chỉ đạo thợ bắt “xương sống”, “cánh tay đòn” để đỡ thân cây - Ảnh: N.N.L.
Phương pháp cứu cây trường xanh của ông Nam là trước hết vệ sinh sạch sẽ cây, đào bới, cắt bỏ đi những phần gốc, thân đã bị mục. Tiếp đó, bắt hết sâu đục thân trong cây. Sau đó tạo cho thân cây một "đòn xương sống" bằng ống thép inox, dài gần 1m, cắm xuống đất ở chính vùng gốc cây bị mục.
Phần dưới của ống thép này có những thanh thép chìa, níu vào gốc cây để bám đất. Phần trên của ống được hàn, gắn với những tấm thép inox cũng được gắn dính vào thân cây bằng keo đặc biệt và vít. Những thanh thép này tạo thành một bộ "xương sống", cánh tay đòn đỡ cho thân cây đứng vững.
Về cách bắt sâu đục thân trong cây, ông Nam cho biết nếu cắt nguồn oxy từ dưới gốc cây thì sâu đục thân phải tự bò ra.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận