Một góc chợ nổi Cái Bè - Ảnh: TRƯƠNG HOÀNG PHƯƠNG
Để cứu chợ nổi Cái Bè, có doanh nghiệp bỏ bạc tỉ sắm mấy chục chiếc thuyền chèo tay và ghe bầu cho bà con mượn, không cho thuê, cũng không cho hẳn. Thuyền chèo chở khách, ghe bầu bán buôn. Coi như một dạng vay ưu đãi, không tính lãi lẫn khấu hao, để người dân bám chợ.
Có chợ là có thêm điểm đến, giữ chân khách ghé Tiền Giang lâu hơn. Thuyền văn hóa là sân khấu nổi phục vụ du khách đi chợ nổi. Có đờn ca tài tử, hát bội, giao lưu và các loại hình khác như sân khấu giữa không gian khoáng đạt chốn thương thuyền, chẳng gò bó như sân vườn, cũng là nét độc đáo.
Dù được tăng cường tối đa, chợ nổi Cái Bè vẫn chưa được 1/3 thời hoàng kim. Rất cần thêm nhiều doanh nghiệp tiếp sức, nhất là các doanh nghiệp tại chỗ. Quan trọng hơn cả là những chính sách tạo điều kiện cho người dân bám nghề, cùng bảo tồn chợ nổi.
Trăm năm chợ nổi không thể tiếp nối nếu cứ mãi đổ thừa "tại" và "bị", phải tìm mọi cách cứu các chợ nổi trước khi chúng bị "chìm". Các chợ nổi Tây Nam Bộ đang "chìm dần", người làm du lịch xót xa mà "lực bất tòng tâm".
Chợ nổi Ngã Bảy Phụng Hiệp (Hậu Giang), thương hiệu quốc gia hơn trăm năm tuổi, độc đáo nhất châu Á, đang phải di dời. Hơn chục năm nay tốn bạc tỉ tìm cách trả về chốn cũ vẫn chưa được.
Không phải di dời như Phụng Hiệp, các chợ nổi Tây Nam Bộ cũng đang chết dần khi giao thương đường thủy nhường chỗ cho đường bộ. Nhưng các quy định nhiêu khê về bằng lái, chứng chỉ, đăng kiểm... cũng là nguyên nhân khiến dân thương hồ nản chí bỏ sông, rời rạch.
An toàn là tối thượng, nhưng phải làm sao để thuận cho quản lý và lợi cho người dân mới giữ được du lịch chợ nổi. Môi trường ven sông và vấn nạn rác thải rất nghiêm trọng chưa hề được thu gom xử lý đúng cũng là cản ngại.
Chợ nổi khi "chìm" rồi sẽ không tài nào cứu được. Giữ chợ nổi bằng cách nào? Tây Nam Bộ nếu vắng chợ nổi cũng như mấy thôn nữ tuổi đôi mươi, áo bà ba, nón lá mà để tóc tém, húi cua như con trai.
Nghe đâu có khu du lịch ở Cần Thơ đang tính bỏ mấy chục tỉ làm chợ nổi riêng mình. Sao không dùng tiền đó, chỉ cần một phần, để bảo tồn chợ nổi Cái Răng? Chợ nổi Tây Nam Bộ là tài sản quốc gia, của cộng đồng. Cộng đồng du lịch cả nước và doanh nghiệp ở đó đều được lợi, vì nó chính là kết quả chung của tiếp thị điểm đến.
Và cách làm ở Cái Bè đang là điểm sáng, để hi vọng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận