Cựu binh Nguyễn Văn Tuyền chỉ về hướng rẫy cà phê của mình tại tỉnh Đắk Lắk - Ảnh: Ceritalah
Cà phê đã nuôi cả gia đình tôi, tôi phải cảm ơn nó. Đám con tôi trưởng thành cả rồi, giờ chỉ còn có tôi và vợ - thành thử tôi không thiếu tiền.
Cựu binh NGUYỄN VĂN TUYỀN hồ hởi nói với nhóm Ceritalah
Karim Raslan (người Malaysia) và nhóm Ceritalah ASEAN (Những câu chuyện ASEAN) đã đến thăm vùng trồng cà phê ở Đắk Lắk, dành thời gian trò chuyện với ông Nguyễn Văn Tuyền, một cựu binh 64 tuổi, và bà Thắng vợ ông.
Trong bài viết dưới đây, Karim cho rằng lý do khiến nhiều người Việt Nam làm kinh tế giỏi như ông Tuyền là xuất phát từ quá khứ đau thương.
"Một xã hội từng mang nặng vết thương lòng của nhiều thập kỷ chiến tranh đã thôi thúc nỗi khát khao làm việc, hòa bình và thịnh vượng của người dân" - ông viết.
Hành trình gian khổ
Giải ngũ năm 1979, Tuyền ban đầu trở về quê hương An Lão (Hải Phòng). Tuy nhiên, nhận thấy phải làm gì đó để nuôi gia đình đông người (ông và vợ có tám người con), ông đã liều mình vào Nam, dừng chân ở thị xã Buôn Ma Thuột để tìm kiếm cơ hội đổi đời.
"Tôi đã chọn mảnh đất này để lập nghiệp" - ông nói.
Vừa đi làm công vừa tìm cách dành dụm tiền và đến năm 1993 Tuyền đã mua được một miếng đất 7ha với giá 50 triệu đồng (4.700 USD vào lúc bấy giờ), trồng những hoa màu ngắn ngày như bắp và cà tím.
Năm 1994 ông chuyển sang cà phê. Không có vốn, ông đã tự tay làm mọi thứ.
Như lời ông kể với nhóm Ceritalah: "Tôi đã phải tự tay trồng từng cây cà phê. Ngoài ra tôi còn nuôi bò để lấy phân bón. Cực khổ nhất là vào những tháng nóng bức và khô hạn. Những rẫy cà phê phải được tưới liên tục - đó là phần việc và chi phí chủ yếu.
Trong quá khứ, không hề có hệ thống bơm tưới tự động: tôi thức suốt đêm để tưới, từ 7h tối đến 5h - 6h sáng".
Sau 3 năm, vụ thu hoạch đầu tiên đã đến, đánh dấu bước đầu thành công trong nghề trồng cà phê của ông.
Ông Tuyền kiếm khoảng 31,5 - 36 triệu đồng (1.340 - 1.550 USD) trên mỗi hecta. Trong những tháng nóng nhất, ông chi 300.000 đồng (13 USD) cho tưới tiêu (vẫn là chi phí chính) và khoảng 200.000 đồng (9 USD) cho mỗi nhân công mỗi ngày trong mùa hái hạt (ông thường thuê 2-3 người).
Tuy nhiên, thời thế không phải luôn luôn dễ dàng. Giá cà phê có lúc không ổn định. Ông vẫn nhớ đã từng phải uốn lưỡi nài nỉ người mua, mà thường là chỉ đủ thu vốn, lỗ phần nhân công. Vì thế, có nhiều phen ông chỉ muốn chặt bỏ cà phê cho rồi.
Điều ngăn ông lại là những đứa con. Ông muốn bằng mọi giá có thể cho chúng đến trường. Ông bắt đầu làm những công việc vặt vãnh khác. "Tôi thật sự đã cố gắng hết sức, cày ngày cày đêm và xoay xở rất nhiều việc".
Tuyền sau cùng đã đốn bỏ một ít cà phê để nhường đất cho những cây hoa lợi khác như bí ngô, đậu và bắp, để vợ ông đem ra chợ bán. Ông còn bắt đầu câu cá ở hồ sau nhà: cá câu lên cũng được đem bán.
"Tôi là người đầy quyết tâm - Tuyền tự nói về mình - Tôi luôn tìm kiếm các giải pháp. Trong chiến tranh Việt Nam, tôi làm tài xế xe tải, vận chuyển vũ khí và tiếp tế cho chiến trường miền Nam".
Đến hôm nay, ông vẫn lấy làm tự hào về những chiến thuật mà những tài xế như ông đã vận dụng để tránh khỏi sự phát giác (và cả bom) của Mỹ trong khi vận chuyển đồ tiếp tế từ Hà Nội tới Hải Phòng.
3,5 tỉ USD
Việt Nam là nhà sản xuất cà phê lớn thứ hai thế giới - tổng giá trị xuất khẩu ước đạt 3,5 tỉ USD năm 2018. Họ chỉ xếp sau người Brazil, với 5,2 tỉ USD giá trị xuất khẩu mặt hàng này trong cùng năm.
Những nông dân độc lập
Thực vậy, nông dân Việt Nam phải là những người rất độc lập. Họ chủ yếu là những nông hộ nhỏ và không nhận được nhiều hỗ trợ từ Chính phủ.
Ông thấy thay vì cung cấp cho họ thuốc trừ sâu và phân bón, sẽ tốt hơn nếu Nhà nước đơn giản hãy đưa tiền mặt hoặc là huấn luyện cho họ.
Rẫy cà phê, kết hợp với làm việc chăm chỉ và thật nhiều tài xoay xở khéo léo, đã cho phép cặp vợ chồng nuôi và giáo dục những đứa con, tất cả đều đã trưởng thành và có cuộc sống riêng.
Nỗi buồn duy nhất của ông là không ai trong số chúng muốn kế tục công việc của gia đình.
Thực vậy, các con ông có những nguyện vọng rất khác nhau.
Truyền thống hiếu học của người Việt đồng nghĩa với nghề nông không có nhiều hấp dẫn với họ. Một vài người con của ông trở thành giáo viên, số khác vào quân đội hoặc làm kinh doanh.
Theo cách riêng của mình, quyết tâm sống độc lập của các con ông Tuyền phản ánh ý chí sắt đá của cha họ trong việc giữ cho nông trại gia đình tiếp tục đứng vững. Do vậy, theo một nghĩa nào đó, tinh thần ngoan cường này đã được kế tục qua nhiều thế hệ, mặc dù dưới một hình thức khác.
Tinh thần kiên cường và động lực phấn đấu không thể dập tắt đang hiện diện trong những trang trại và thành thị trên khắp đất nước này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận