Trước khi buổi lễ diễn ra, ông Peter Mathews và vợ đã đến thăm hỏi gia đình thân nhân và thắp hương cho liệt sĩ Cao Văn Tuất.
Tại buổi lễ, ông Peter Mathews cho biết rất vinh dự tham dự buổi lễ trao trả kỷ vật cho liệt sĩ Cao Văn Tuất. Cách nay 56 năm, ông từng ở Việt Nam và đây là lần thứ 2 ông đến đây.
"Tôi nghĩ hầu hết mọi người có mặt hôm nay đều biết được câu chuyện vì sao tôi có cuốn nhật ký của liệt sĩ Cao Văn Tuất và hôm nay là sự kiện để tôi trao trả kỷ vật cho gia đình liệt sĩ" - ông Peter Mathews chia sẻ.
Theo ông Peter Mathews, việc trao trả cuốn nhật ký cho thân nhân liệt sĩ Cao Văn Tuất là sứ mệnh và trách nhiệm của bản thân, nên ông muốn tự tay trao trả.
Vào thời điểm nhặt được cuốn nhật ký, ông Peter Mathews đã rất ấn tượng bởi những hình ảnh của các bài thơ, tranh vẽ. Thông qua những dữ kiện trong cuốn nhật ký ông thấy sự lạc quan của liệt sĩ Cao Văn Tuất trong thời kỳ chiến tranh đen tối.
Trở về từ cuộc chiến tranh tại Việt Nam, ông Peter Mathews đã mất một thời gian dài để hồi phục và mở lòng với những ký ức trong cuộc chiến.
"Tôi nghĩ cuốn nhật ký có ảnh hưởng rất sâu sắc. Một số người có hoài nghi về cuốn nhật ký nhưng khi tôi cho họ xem nội dung cuốn nhật ký thì đã xóa tan sự hoài nghi và không còn thể hiện sự thù hằn mà thay vào đó là mối quan hệ bạn bè, hữu nghị" - ông Peter Mathews nói.
Xúc động khi nhận lại cuốn nhật ký từ ông Peter Mathews, ông Hà Huy Mỳ (cháu ruột của liệt sĩ Cao Văn Tuất) cho biết liệt sĩ Cao Văn Tuất sinh ra trong một gia đình nghèo có truyền thống cách mạng tại thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, Hà Tĩnh.
Năm 1963, thanh niên Cao Văn Tuất lên đường nhập ngũ và chiến đấu ở mặt trận phía Nam. Đến năm 1972, gia đình nhận được giấy báo liệt sĩ của Cao Văn Tuất và không để lại kỷ vật gì.
"Thực lòng khi nhận được thông tin liên quan đến cuốn nhật ký thì bản thân tôi và gia đình rất vui, hết sức xúc động và mong chờ từng ngày để sớm tiếp nhận cuốn nhật ký, bởi đây là kỷ vật thiêng liêng còn lại của cậu tôi. Hôm nay nhận lại được cuốn nhật ký thực sự tôi và gia đình rất xúc động. Gia đình sẽ lưu giữ cẩn thận cuốn nhật ký để giáo dục con cháu sau này hiểu thêm về lý tưởng sống và sự hy sinh của cậu" - ông Mỳ nói.
Liệt sĩ Cao Văn Tuất đi bộ đội thời còn khá trẻ, không có di ảnh để lại, mọi dữ liệu nay chỉ còn giấy chứng nhận đeo huân chương và cuốn sổ gia đình liệt sĩ mang tên Cao Văn Tuất.
"Cuốn nhật ký cựu binh người Mỹ giữ mang tên Cao Xuân Tuất, khác tên đệm của cậu tôi (Cao Văn Tuất). Lúc đầu tôi xem được một số trang nhật ký nhưng không nhận ra chữ của cậu mình.
Những ngày sau đó, thêm những dữ liệu chủ nhân cuốn nhật ký có địa chỉ ở thôn Cao Thắng, xã Kỳ Xuân, huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh, có cha là Cao Xuân Kế, mẹ là Lê Thị Vỹ, chị là Cao Thị Diếu thì tôi mới tin rằng đó là cuốn nhật ký của cậu tôi" - ông Hà Huy Mỳ (cháu của liệt sĩ Cao Văn Tuất) trải lòng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận