Ông Trần Trung Thực bên dãy xe đạp chuẩn bị tặng cho học sinh nghèo - Ảnh: HOÀNG HÀ
Ông Trần Trung Thực (72 tuổi, ngụ thôn Sơn Thủy, xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh) nhập ngũ vào năm 1970. Một năm sau đó ông lên đường vào chiến đấu ở chiến trường Đông Nam Bộ. Năm 1972, khi đang tham chiến tại thị xã Bình Long, tỉnh Phước Long (cũ) ông bị thương. Đến năm 1976 ông phục viên về quê, ngoài những vết thương do trúng đạn, ông còn bị nhiễm chất độc hóa học loại 2.
Ông Thực kết hôn với bà Nguyễn Thị Chiến và sinh được 5 người con. Trở về nhà cuộc sống khó khăn, ngoài làm ruộng ông còn hành nghề sửa xe đạp kiếm thêm thu nhập. "Tôi phục viên về chỉ được chế độ chất độc hóa học, lương hằng tháng không nhiều, con cái đông, vợ chồng tôi phải cố gắng làm việc mới đủ trang trải cuộc sống. Đến khoảng năm 2000 cuộc sống mới được thoải mái hơn một chút".
Năm 2016, sau khi tham dự một khóa tập huấn về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, ông nghĩ bản thân là bộ đội Cụ Hồ nên cần phải làm một việc gì đó có ích cho xã hội.
"Tôi hằng ngày ngồi sửa xe, thấy các em học sinh đi bộ từ nhà tới trường mấy cây số rất tội nghiệp. Từ đó tôi nảy ra ý tưởng tìm mua xe phế liệu về sửa chữa lại tặng cho các em", ông Thực bộc bạch.
Tính đến nay sau 5 năm, đã có 152 chiếc xe đạp được tặng cho học trò nghèo. "Mỗi chiếc xe hư hỏng một kiểu khác nhau, tôi mua phụ tùng về và sửa chữa, mất thêm khoảng 350.000 - 400.000 đồng", ông Thực nói. Sắp tới ông Thực tiếp tục trao 10 chiếc xe đạp cho những phụ nữ hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
"Tôi làm việc này vì niềm vui, giúp đỡ người khó khăn hơn mình được gì đều tốt cả, dù đó là việc lớn lao hay bé nhỏ. Còn khỏe là tôi còn làm, tôi chưa từng nghĩ lúc nào mình sẽ dừng lại, trừ khi tôi không đủ sức khỏe nữa", ông Thực tâm sự.
Nói về việc làm của chồng, bà Nguyễn Thị Chiến cho biết dù cuộc sống gia đình bà chưa thật sự khá giả nhưng bà ủng hộ chồng làm việc thiện. "Vài năm trước tôi vẫn lên núi cắt cây rèng rèng về làm chổi đưa ra chợ bán. Thu nhập mỗi ngày chỉ mấy chục ngàn đồng trong khi chồng tôi bỏ ra mấy trăm ngàn sửa xe đạp tặng người nghèo nhưng tôi vẫn vui vẻ. Mình làm thiện thì tích đức cho con cháu thôi", bà Chiến nói.
Ông Phạm Tiến Thích, chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Can Lộc, cho biết mấy năm nay ông Thực phối hợp với Hội cựu chiến binh huyện tổ chức nhiều đợt trao tặng xe cho học sinh và người nghèo. Hành động của ông Thực hết sức ý nghĩa, thể hiện tinh thần lá lành đùm lá rách, một nghĩa cử hết sức cao đẹp của người bộ đội Cụ Hồ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận