23/05/2018 11:51 GMT+7

Cứu bàn chân đái tháo đường

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TTO - Ở các bệnh viện lớn tuyến cuối như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y dược, Bệnh viện Nhân dân 115... tỉ lệ bệnh nhân đái tháo đường phải nhập viện vì lý do bị loét bàn chân dao động từ 20-40%.

Cứu bàn chân đái tháo đường - Ảnh 1.

TS.BS Trần Quang Nam khám chân cho bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường - Ảnh do BVCC

Riêng tại Bệnh viện Đại học Y dược, TS.BS Trần Quang Nam, trưởng khoa nội tiết bệnh viện này, cho biết các bác sĩ đã gặp rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường bị loét chân, bị nhiễm trùng phức tạp. Bệnh nhân có thể có những tổn thương kèm theo như những mạch máu bị tắc, hẹp, dẫn đến thiếu máu nuôi ở bàn chân và vết loét khó kiểm soát.

Dễ bị hoại tử

Mới đây, bệnh viện này cũng mới nhận điều trị cho ông N.T.L., 65 tuổi, quê ở Vĩnh Long. Ông L. bị đái tháo đường type 2 đã 18 năm. Lúc đầu người bệnh thấy mỏi chân, nặng chân, châm chích chân, đau bắp chân khi đi bộ. Chỉ hai tuần sau đó, ngón út bàn chân phải của ông bị diễn biến hoại tử nặng. 

Ông L. nhập viện tại một bệnh viện gần nhà và đã được chỉ định cắt bỏ ngón út. Tuy nhiên, sau khi đoạn chi, tình trạng hoại tử vẫn lan sang hai ngón chân kế bên. Do vậy, ông L. được chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đại học Y dược. Tại đây, bệnh nhân được chẩn đoán nhiễm trùng hoại tử mỏm cụt kèm theo tắc động mạch vùng cẳng chân do xơ vữa động mạch. 

Các bác sĩ đã thực hiện can thiệp tái thông động mạch bị tắc đưa máu tới nuôi bàn chân, sau đó cắt lọc mô và hai ngón chân hoại tử. Sau gần ba tháng được chăm sóc và theo dõi, vết thương của bệnh nhân đã lành hoàn toàn.

Theo TS.BS Trần Quang Nam, ông L. có biến chứng tắc mạch máu kèm theo vết loét, nhưng lúc đầu bệnh nhân chưa được chẩn đoán đầy đủ và thiếu sự phối hợp điều trị từ các chuyên khoa nên việc cắt lọc ngón chân vẫn không chấm dứt hoại tử.

Giảm tỉ lệ đoạn chi hơn 50%

Bệnh viện Đại học Y dược đã triển khai quy trình điều trị phối hợp liên chuyên khoa để điều trị cho những bàn chân đái tháo đường. Những nghiên cứu trên thế giới cho thấy quy trình này sẽ làm giảm tỉ lệ phải đoạn chi hơn 50%. 

Cụ thể, xử trí vấn đề hẹp tắc mạch máu luôn cần phải xem xét đầu tiên trước khi thực hiện các phẫu thuật cắt lọc vết loét. Bác sĩ chuyên khoa mạch máu sẽ chỉ định can thiệp tái thông mạch máu giúp vết thương lành nhanh hơn, tiếp theo bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình hoặc tạo hình có vai trò quan trọng để cắt lọc mô hoại tử, ghép da và chỉnh hình biến dạng bàn chân. Chuyên khoa nội tiết đái tháo đường giúp người bệnh điều trị ổn định đường huyết, dùng kháng sinh, chăm sóc vết loét trong suốt quá trình điều trị.

Ngoài ra, điều dưỡng sẽ tích cực thay băng chăm sóc vết thương hằng ngày, hướng dẫn người bệnh tập vận động để tránh loét tái phát, loét tì đè sau cắt lọc. 

Sự phối hợp toàn diện, chặt chẽ và liên tục của các chuyên khoa trong phương pháp điều trị loét chân do đái tháo đường, cùng những tiến bộ y học cho ra đời nhiều loại kháng sinh thế hệ mới để kiểm soát nhiễm trùng đã giúp tỉ lệ cứu sống chi cao hơn nhiều so với trước đây. Tỉ lệ thành công sẽ tùy thuộc nhiều yếu tố như tình trạng vết loét lúc bệnh nhân đến điều trị, sự phối hợp đồng bộ giữa các chuyên khoa có tốt hay không...

Chọn giày, dép phù hợp

TS.BS Trần Quang Nam cho biết tất cả người bệnh đái tháo đường đều có khả năng bị loét chân. Tuy nhiên, tỉ lệ loét chân cao hơn ở những người có thời gian mắc bệnh kéo dài trên 10 năm, người bệnh kiểm soát đường huyết kém hoặc người bệnh có những biến chứng thần kinh ngoại biên, biến chứng mạch máu ngoại biên và biến dạng bàn chân.

Các bác sĩ cho biết người bình thường có vết thương sẽ lành trong vòng 7 ngày, nhưng người bị đái tháo đường vết thương lành chậm do bệnh đái tháo đường, phần nữa là do máu xuống vết thương không đủ gây ra tình trạng nhiễm trùng, hoại tử. Do vậy khi khám cho bệnh nhân, việc đầu tiên bác sĩ sẽ xem bệnh nhân có thiếu máu hay không để tái thông mạch máu. 

Các bác sĩ khuyến cáo để tránh các biến chứng, người bệnh nên kiểm soát tốt chỉ số đường huyết, có chế độ theo dõi, thăm khám sức khỏe định kỳ và không nên bỏ qua bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trên cơ thể. 

Ngoài ra, người bệnh mắc bệnh tiểu đường nên chọn giày, dép phù hợp, không ngâm chân vào nước ấm, bệnh nhân nên kiểm tra bàn chân hằng ngày để nếu phát hiện vết thương thì nên đi khám sớm.

Quan tâm khi tổn thương bàn chân

Những tổn thương bàn chân là một loại biến chứng đái tháo đường cũng rất nguy hiểm nhưng lại ít được người bệnh quan tâm. Nếu vết loét có tình trạng lan rộng nhanh, nhiễm trùng nặng làm mất chức năng bàn chân, gây nguy cơ hoại tử, khi đó các bác sĩ buộc phải đoạn chi để đảm bảo tính mạng cho người bệnh.

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp