Bộ phim độc lập Cuties
Làn sóng phẫn nộ của giới chính khách, người nổi tiếng và khán giả (chủ yếu ở Mỹ) bùng phát dữ dội khi tấm poster của Cuties được Netflix tung ra, trong đó có hình ảnh 4 nữ diễn viên vị thành niên thực hiện các tư thế khiêu vũ khêu gợi trong những bộ trang phục hở hang.
Tấm poster này đã dẫn đến cáo buộc bộ phim mang tính kích dục và cổ xúy cho nạn ấu dâm trên phim ảnh.
Giới phê bình khen ngợi, khán giả tẩy chay
Dù phải đối mặt với làn sóng tẩy chay và lời kêu gọi hủy sử dụng Netflix đang ngày càng lan rộng, kênh phim trực tuyến này dù có đưa ra lời xin lỗi vì chiến dịch quảng bá gây hiểu lầm nhưng vẫn kiên quyết không rút bộ phim khỏi hệ thống, vì họ cho rằng tác phẩm đang bị những người bảo thủ và quá khích hiểu sai hoàn toàn về thông điệp tích cực mà bộ phim mang lại.
Cuties cũng trở thành bộ phim gây chia rẽ lớn giữa khán giả và giới phê bình. Trên imdb, bộ phim chỉ nhận được số điểm trung bình là 2,5/10 từ gần 20.000 lượt bình chọn của khán giả. Rất nhiều khán giả chấm 1 sao/10 và cho rằng bộ phim "đáng ghê tởm".
Trên Rottentomatoes, trong khi số điểm "tươi" của giới báo chí, phê bình rất cao: 89% - với 56 bài bình luận đa số tích cực và đạt điểm trung bình 7,09/10, thì số điểm của khán giả chỉ là 13%.
Hầu hết các bài viết chính thống trên báo chí đều cho rằng bộ phim đưa ra một cái nhìn đáng suy ngẫm về lứa tuổi mới lớn hiện nay, đặc biệt là thế giới nội tâm khó đoán định của các bé gái vị thành niên trước áp lực của xã hội.
Cây bút Monica Castillo trên trang RogerEbert.com chấm bộ phim 4/4 sao và cho rằng đây là một bộ phim đầy thách thức trong việc tiếp nhận, vì đạo diễn đã đẩy ý tưởng "miêu tả không bằng chứng thực" đạt đến giới hạn của nó.
Bởi rõ ràng, nếu không có những hình ảnh (đôi khi phản cảm) gây tác động về mặt thẩm mỹ và đạo đức, bộ phim sẽ rơi vào minh họa và khó đi đến cái đích mà đạo diễn muốn truyền tải.
Cây bút Clarisse Fabre của tờ Le Monde (Pháp) khen ngợi bộ phim và lưu ý rằng khán giả tránh quy chụp bộ phim qua những hình ảnh nhạy cảm, ví dụ như những điệu nhảy mang tính khiêu dâm của các cô gái chưa trưởng thành, vì chúng hoàn toàn phục vụ cho mục đích truyền tải của chuyện phim.
Tẩy chay bộ phim là tấn công vào quyền tự do sáng tạo?
Khi làn sóng tẩy chay Cuties đang dâng cao và có nguy cơ trở thành một vụ chụp mũ chính trị, hiệp hội các tác giả, nhà sản xuất và đạo diễn Pháp L’ARP (La Société civile des Auteurs-Réalisateurs-Producteurs) vừa đưa ra một tuyên bố bảo vệ bộ phim và cho rằng "việc tẩy chay dữ dội bộ phim Cuties - được dẫn dắt bởi các nhà bảo thủ là một cuộc tấn công nghiêm trọng vào quyền tự do sáng tạo của những nhà làm phim".
Trong bản tuyên bố đưa ra ngày 15-9, L’ARP mạnh mẽ đáp trả làn sóng chỉ trích, nhận định bộ phim "là biểu tượng của quyền tự do ngôn luận không thể thiếu mà điện ảnh, với tất cả sự đa dạng của nó, cần được mổ xẻ các chủ đề nhạy cảm trong bối cảnh hiện tại".
"Chúng tôi sẽ luôn sát cánh với những ai ủng hộ và phổ biến những tác phẩm thể hiện sự tự do này" - L’ARP tuyên bố.
David Grumbach - giám đốc điều hành của Bac Films, hãng phát hành bộ phim của Pháp - nhấn mạnh: "Chúng ta phải mạnh mẽ và đoàn kết để bảo vệ quyền tự do của các nhà làm phim. Nó không chỉ bảo vệ cho giới làm phim ở Pháp mà còn cho cả Hollywood".
Ông so sánh: "Hãy nghĩ lại trường hợp của Jodie Foster, cô ấy cũng chỉ mới 12 tuổi khi đóng vai gái điếm trong kiệt tác điện ảnh Taxi Driver hay bộ phim từng được đề cử Oscar Little Miss Sunshine (Hoa hậu nhí ánh dương) và vô số bộ phim khác nữa sẽ bị tẩy chay nếu chúng ta chấp nhận thua cuộc trước những người bảo thủ.
Chúng ta sẽ không thể làm các bộ phim về đề tài phá thai, bạo lực… mà không thể hiện những chủ đề nhạy cảm này trên phim, bởi khi bạn cần tố cáo điều gì đó, bạn phải thể hiện được chúng thông qua ngôn ngữ của điện ảnh".
Một bộ phim nhạy cảm về tuổi mới lớn
Cuties (nhan đề gốc tiếng Pháp: Mignonnes, tiếng Việt: Vũ công nhí đáng yêu) là một bộ phim bi/hài về tuổi mới lớn. Theo các nhà làm phim, tác phẩm chỉ trích tình trạng lớn trước tuổi của các bé gái và sự tác động tiêu cực của mạng xã hội đến đời sống của chúng.
Bộ phim thắng giải đạo diễn tại Liên hoan phim Sundance của nữ đạo diễn Pháp gốc Senegal Maïmouna Doucouré phần nào lấy cảm hứng từ trải nghiệm cá nhân của cô.
Phim xoay quanh Amy - cô bé 11 tuổi người Pháp gốc Senegal - ở một khu lao động nghèo ngoại ô Paris. Sự trưởng thành của cô bé bị mắc kẹt giữa việc nuôi dạy nặng về hủ tục của một gia đình theo đạo Hồi và việc mất kiểm soát của văn hóa Internet.
Nhàm chán và bức bách vì phải chịu áp lực của những lễ giáo hà khắc, Amy đã tìm cách chống lại hủ tục bằng việc nổi loạn tham gia vào một nhóm nhảy đường phố để giành giải thưởng. Và càng dấn sâu vào hành trình này, cô bé càng có những hành động bốc đồng khi bị cuốn vào cơn lốc ảo của mạng xã hội…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận