Tại Tel Aviv, ông Blinken bắt tay Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ dành cho đồng minh Israel: "Chúng tôi ở đây, và chúng tôi sẽ không đi đâu cả".
Ngăn kịch bản xấu ở Trung Đông
Chuyến đi của ngoại trưởng Mỹ diễn ra khi Israel đang triển khai đợt tấn công mạnh nhất trong lịch sử 75 năm xung đột giữa nước này và người Palestine. Hành động của Israel nhằm đáp trả việc các tay súng của Phong trào kháng chiến Hồi giáo Hamas bất ngờ tấn công lãnh thổ Israel hôm 7-10.
Tel Aviv đang tập trung vây hãm Dải Gaza nơi Hamas kiểm soát và tổng số người chết ở khu vực này đã lên đến 1.354, theo cập nhật của AFP tính tới ngày 12-10.
Hamas ra tay dưới danh nghĩa bảo vệ người Hồi giáo Palestine, đồng nghĩa ít nhiều tổ chức này vẫn được các nước đạo Hồi Ả Rập ủng hộ.
Kịch bản xấu nhất là chiến tranh lan rộng ở một khu vực Trung Đông phức tạp với những mâu thuẫn giữa người đạo Hồi với người Do Thái Israel, hoặc giữa người đạo Hồi dòng Sunni và dòng Shiite (Shia).
Đây cũng chính là kịch bản mà người Mỹ muốn ngăn chặn. Ngoài trấn an Israel, ông Blinken cũng muốn tìm cách phóng thích an toàn cho các con tin đang trong tay Hamas.
Phía Mỹ ước tính có từ 500-600 người Mỹ đang ở Gaza, nơi có hơn 2,3 triệu dân đang chịu cảnh thiếu điện, nước, nhiên liệu… khi Israel tuyên bố phong tỏa hoàn toàn.
Ngày 12-10, Israel tuyên bố sẽ không có ngoại lệ nào về nhân đạo trong việc vây hãm Dải Gaza cho tới khi toàn bộ các con tin được Hamas phóng thích.
Trong chuyến công du này, ông Blinken đặt mục tiêu thảo luận với Israel và Ai Cập để đảm bảo có một tuyến đường di tản an toàn cho người dân trước khi Israel có thể đột kích bằng đường bộ vào Gaza.
Mục tiêu thứ ba của ngoại trưởng Mỹ là gửi một thông điệp răn đe tới Iran, theo Reuters. Hiện Iran bị cáo buộc là bên hỗ trợ Hamas nhưng Tehran tuyên bố không liên quan trong vụ tấn công mới đây.
Nga, Trung thận trọng
Nhiệm vụ tổng quan của ông Blinken là tập trung bảo vệ lợi ích và tầm ảnh hưởng của Mỹ tại Trung Đông khi cuộc chiến Israel - Hamas đang tác động tới bức tranh địa chính trị nơi đây.
Như một cách "nhắc nhở" khu vực, Tổng thống Nga Vladimir Putin vừa qua khẳng định xung đột mới nhất là ví dụ cho thấy chính sách của Mỹ ở Trung Đông đã "thất bại".
Nga đã xây dựng quan hệ rộng tại Trung Đông khi phối hợp với Saudi Arabia, duy trì hợp tác với Iran, đồng thời cũng nuôi dưỡng quan hệ hợp tác, ngoại giao lâu đời với Israel.
Theo Foreign Policy, Nga buộc phải tiếp cận thận trọng. Tổng thống Putin và Thủ tướng Netanyahu đã củng cố quan hệ suốt nhiều năm qua.
Điện Kremlin ủng hộ những lo ngại của Tel Aviv đối với đường hầm của các tay súng Hồi giáo Hezbollah đi từ Libăng tới biên giới Israel. Matxcơva và Tel Aviv còn thành lập một lực lượng đặc trách chung để thảo luận việc rút toàn bộ lính nước ngoài khỏi Syria.
Tương tự, Trung Quốc cũng phải toan tính cẩn thận trong bối cảnh nước này đã nỗ lực làm trung gian hòa giải giữa Israel và Palestine. Bắc Kinh đã khiến Israel và một số nước phương Tây "thất vọng" khi không lên án mạnh mẽ cuộc tấn công của Hamas.
Theo Politico, Trung Quốc đang đặt tầm nhìn xa hơn khi đưa ra cách tiếp cận này, với mục tiêu lớn là tăng cường ảnh hưởng ở Trung Đông, tận dụng sự ủng hộ từ thế giới Hồi giáo.
Đã có nhiều chuyển biến tích cực trong quan hệ giữa Israel và các nước Ả Rập. Nhưng nhìn chung, Saudi Arabia và vài nước Ả Rập khác vẫn đề cập tới trách nhiệm của Israel đối với cuộc tấn công của Hamas. Điều này cho thấy tâm lý ủng hộ của người dân các nước đó với người Palestine.
Các nước như Nam Phi thực tế cũng phân biệt giữa vụ tấn công của Hamas với những gì Israel đã làm với người Palestine. Quốc gia giàu có tại châu Phi khẳng định xung đột Israel - Hamas là kết quả của "việc tiếp tục chiếm đóng bất hợp pháp (do Israel thực hiện) trên đất của người Palestine, mở rộng các khu tái định cư, xúc phạm đền Al Aqsa và các địa điểm linh thiêng của Kitô giáo, cũng như sự áp bức đang diễn ra đối với người Palestine".
Ví dụ về Nam Phi cũng cho thấy hiện nay Trung Quốc hoặc Nga đều có thể xem sự kiện Israel là một bài kiểm tra cho khả năng tạo ảnh hưởng của họ ở Trung Đông, là lựa chọn thay thế cho Mỹ.
Tương tự, chứng minh vai trò lãnh đạo của Mỹ cũng là điều ông Blinken muốn nhắn nhủ trong chuyến đi này.
Người Việt vẫn an toàn ở Israel
Chia sẻ với Tuổi Trẻ vào tối 11-10 (giờ Việt Nam), Đại sứ Việt Nam tại Israel Lý Đức Trung cho biết dù công dân của hơn 20 nước đã trở thành nạn nhân trong xung đột Hamas - Israel nhưng rất may là bà con người Việt vẫn an toàn.
Thậm chí họ còn tham gia hỗ trợ chỗ ăn, ở cho những người phải sơ tán về thủ đô Tel Aviv lánh nạn. Điều đó thể hiện tinh thần tương thân tương ái và bản lĩnh của người Việt trong hoạn nạn.
Theo ông Trung, có 20 kiều bào đang ở các điểm nóng, đặc biệt có năm du học sinh đang ở Sderot - cách biên giới với Dải Gaza chỉ 10km. Song các em này đã được nơi tiếp nhận và lực lượng an ninh Israel quan tâm cao độ.
Họ sẽ được đưa đến nơi an toàn hơn khi tình hình cho phép. Trên cơ sở đánh giá mức độ rủi ro, nhu cầu của bà con, đại sứ quán đã có những phương án phù hợp cho từng tình huống cụ thể nhằm đảm bảo an toàn cho người Việt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận