17/06/2015 12:03 GMT+7

Cường quốc giáo dục Phần Lan - Kỳ 3: Khởi nghiệp sau thất bại của Nokia

QUỲNH TRUNG
QUỲNH TRUNG

TTO - Sau sự sụp đổ của đế chế điện thoại di động Nokia, Chính phủ Phần Lan quyết định cải cách giáo dục đại học và học nghề, trong đó tập trung hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp trong sinh viên, chủ yếu là ở lĩnh vực công nghệ.

Bà Anita Lehikoinen, bộ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và văn hóa Phần Lan - Ảnh: Quỳnh Trung

Khi nói đến các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ của Phần Lan, thế giới thường nhắc đến hai công ty game khổng lồ: Supercell và Rovio với ứng dụng trò chơi phổ biến Angry Birds. Ngoài ra, người Phần Lan còn tập trung nghiên cứu phát triển các ứng dụng điện thoại phục vụ mục đích giáo dục, trong đó có các ứng dụng phổ biến như Smart-Kid, Funzi.

Đầu tư vào khởi nghiệp

Theo Trung tâm di động quốc tế (CIMO) có trụ sở ở Helsinki, trong số nhiều nguyên nhân mang lại thành công cho Nokia giai đoạn cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21, có hai nguyên nhân cần được nhấn mạnh. Thứ nhất, chính phủ đã đầu tư lớn cho giáo dục vào năm 1960, kết quả là Phần Lan sản sinh ra rất nhiều tài năng công nghệ. Thứ hai, Nokia hiểu được xu hướng của thời đại lúc đó: cách mà xã hội toàn cầu hóa hoạt động và cách xây dựng các hệ thống hậu cần để đáp ứng nhu cầu gia tăng trên thị trường di động.

Tuy nhiên, Nokia sụp đổ trước bước tiến vũ bão của thị trường smartphone, cụ thể là hai gã khổng lồ di động Apple và Samsung. CIMO cho biết trong số những nguyên nhân chính khiến Nokia thất bại là không theo kịp sự thay đổi.

Sau thất bại của Nokia, người Phần Lan quyết định cải cách giáo dục, chú trọng đầu tư giúp người trẻ khởi nghiệp. “Chúng tôi có nhiều tài năng trẻ từ Nokia. Sau khi Nokia sụp đổ, nhiều người trong số họ mất việc. Nhưng bây giờ chúng tôi có một văn hóa “các công ty khởi nghiệp mới” - bà Anita Lehikoinen, bộ trưởng thường trực Bộ Giáo dục và văn hóa Phần Lan, chia sẻ với Tuổi Trẻ.

“Chúng tôi đã thực hiện nhiều cải cách lớn liên quan đến hệ thống giáo dục đại học, trong đó có cuộc cải cách đại học năm 2010 nhằm hỗ trợ và khuyến khích khởi nghiệp trong giới trẻ. Đó là một sự thay đổi lớn” - bà Anita Lehikoinen nói thêm.

Bà Anita tự tin Phần Lan có thể tiếp nối câu chuyện thành công của Nokia bởi vì Phần Lan có rất nhiều kinh nghiệm chuyên môn trong lĩnh vực truyền thông và công nghệ thông tin (ICT) và các dịch vụ kỹ thuật số.

Ngoài ra, các công ty khởi nghiệp nhận được sự hậu thuẫn rất lớn từ chính phủ. Ví dụ TEKES, một công ty phi lợi nhuận của chính phủ chuyên cung cấp quỹ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ và sáng tạo dưới hai hình thức là trợ cấp và cho vay khoản tiền tối đa là 50.000 euro. TEKES dành nguồn ngân quỹ 130 triệu euro mỗi năm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp.

Cố gắng thu hút sinh viên quốc tế

Theo CIMO, có khoảng 20.000 sinh viên quốc tế đang theo học các trường đại học ở Phần Lan. Trong đó, đứng đầu là Nga, kế đến là Việt Nam, Trung Quốc, Nepal và Nigeria.

Tất cả sinh viên quốc tế không phải trả học phí nhưng phải tự túc sinh hoạt phí. Trung bình mỗi sinh viên quốc tế phải chi ít nhất 7.000 euro mỗi năm cho chi phí sinh hoạt ở Phần Lan. Đại diện CIMO nói với nhóm nhà báo quốc tế chúng tôi rằng sinh hoạt phí đắt đỏ cũng là một trong những nguyên nhân khiến sinh viên quốc tế “ngại” đến Phần Lan du học. Bên cạnh đó, các sinh viên không dư dả tiền bạc cũng khó kiếm công việc làm thêm ngoài giờ vì đa số nhà hàng, quán ăn ở Phần Lan thường chuộng thuê những người nói tiếng Phần Lan. Ngoài ra, học bổng toàn phần ở Phần Lan cũng hạn chế và chủ yếu dành cho nghiên cứu tiến sĩ.

Bà Anita Lehikoinen cho biết miễn học phí cho sinh viên nước ngoài là chính sách thường được tranh luận rất nhiều trong xã hội Phần Lan bởi vì có nhiều người không muốn trả thuế để “nuôi” người nước ngoài ăn học. Tuy nhiên, theo một số nhà giáo dục Phần Lan mà chúng tôi tiếp xúc, do dân số Phần Lan rất ít (khoảng 5,5 triệu người) cùng với sự phát triển nhanh chóng của các tập đoàn viễn thông và truyền số liệu Phần Lan, nhu cầu lao động nước ngoài chuyên môn cao rất lớn. Ngoài ra, số lượng sinh viên quốc tế cũng là cơ sở đánh giá uy tín của một trường đại học. Do đó Chính phủ Phần Lan đang cố gắng thu hút sinh viên quốc tế đến nước này.

Còn theo bà Anita, Phần Lan muốn giới thiệu hệ thống giáo dục tiên tiến của mình cho sinh viên quốc tế. “Chúng tôi muốn thúc đẩy quốc tế hóa hệ thống trường học của chúng tôi và mong muốn quảng bá hệ thống giáo dục của đất nước cho sinh viên nước ngoài. Ngoài ra, chúng tôi còn muốn cập nhật tất cả kỹ năng và kiến thức của quốc tế” - bà Anita chia sẻ.

Bà Anita thừa nhận rào cản lớn nhất trong việc thu hút sinh viên quốc tế đến học và sau đó làm việc ở Phần Lan chính là ngôn ngữ. “Dù nhiều trường đại học Phần Lan có chương trình dạy học bằng tiếng Anh nhưng nếu bạn không học tiếng Phần Lan, bạn rất khó kiếm việc tốt khi ra trường bởi vì các doanh nghiệp địa phương ưu tiên tuyển người biết tiếng Phần Lan” - bà Anita nói.

Để giải quyết vấn đề này, bà Anita cho biết các trường đại học và dạy nghề ở Phần Lan đang chú trọng nhiều hơn về việc dạy tiếng Phần Lan cho sinh viên quốc tế. Bà tiết lộ thêm rằng 50% sinh viên quốc tế tốt nghiệp tìm được việc làm ở Phần Lan.

Sinh viên đọc sách tại thư viện ĐH Helsinki - Ảnh: Quỳnh Trung
Sinh viên đọc sách tại thư viện ĐH Helsinki - Ảnh: Quỳnh Trung
QUỲNH TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp