18/07/2015 13:07 GMT+7

Cưỡng chế các doanh nghiệp nợ thuế

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
LÊ THANH - ÁNH HỒNG

TT - Cơ quan hải quan đã nói “hết nước hết cái” rồi, cũng động viên DN vì biết họ khổ thật sự, nhưng DN vẫn chưa nộp thuế. Cơ quan hải quan phải áp dụng các biện pháp...

Theo Cục Hải quan Nghệ An, Công ty cổ phần sữa TH đã nộp toàn bộ số tiền nợ thuế vào sáng 17-7 nên công ty này đã được giải tỏa cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quanẢnh: Doãn Hòa
Theo Cục Hải quan Nghệ An, Công ty cổ phần sữa TH đã nộp toàn bộ số tiền nợ thuế vào sáng 17-7 nên công ty này đã được giải tỏa cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan - Ảnh: Doãn Hòa

Chiều 17-7, lãnh đạo Cục Hải quan Nghệ An xác nhận với Tuổi Trẻ, Công ty CP sữa TH đã nộp toàn bộ số tiền nợ thuế là hơn 15,7 tỉ đồng.

Ngay sau đó, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), cơ quan này đã giải tỏa cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với DN này.

Trước đó ngày 15-7, Cục Hải quan Nghệ An đã công bố quyết định áp dụng cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của Công ty CP sữa TH trên toàn quốc.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Chu Quang Luân - cục trưởng Cục Hải quan Nghệ An - cho biết lý do cơ quan hải quan Nghệ An buộc phải áp dụng biện pháp cưỡng chế này đối với Công ty CP sữa TH là do đơn vị có nợ thuế hơn 15,7 tỉ đồng.

Khoản tiền này bị truy thu là do cơ quan hải quan ấn định vì DN đã áp mã thuế không đúng với hàng nhập khẩu. Số nợ thuế này đã quá 90 ngày, hết thời gian ân hạn.

“Đã nói hết nước hết cái”

“Cơ quan hải quan đã nói “hết nước hết cái” rồi, cũng khuyến khích, động viên DN vì biết họ khổ thật sự. Đây là DN làm thật, đầu tư mấy ngàn tỉ đồng vào nông nghiệp, nông thôn. Nhưng do họ khó khăn tạm thời nên chưa thể nộp ngay.

Cơ quan hải quan cũng phải áp dụng các biện pháp rất bài bản, có lý có tình, trăn trở lắm mới buộc phải đưa ra biện pháp cưỡng chế dừng làm thủ tục hải quan của DN. Bởi theo quy định, nếu phát sinh thuế thì DN phải nộp chứ không thể làm khác được. Nếu hôm qua nợ thuế, nay DN nộp thì cơ quan quản lý sẽ tháo ngay cho DN thôi” - ông Luân nói.

Chiều 17-7, trong thông cáo gửi cho các báo, Công ty CP sữa TH cho biết theo quyết định của Cục Hải quan Nghệ An, nếu sau năm ngày kể từ ngày ký mà công ty không hoàn thành nộp tiền thuế nhập khẩu sẽ bị cưỡng chế từ ngày 20-7.

Đây là hoạt động nhắc nhở theo quy định của hải quan. Ngay sau khi nhận được công văn trên, Công ty CP sữa TH đã hoàn thành việc nộp thuế vào sáng 17-7. Như vậy, Công ty CP sữa TH đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trong thời hạn quy định của văn bản và không bị cưỡng chế hải quan vì nợ thuế.

Nói thêm về việc ấn định thuế, Công ty CP sữa TH cho biết khoản thuế nói trên là thuế nhập khẩu mặt hàng giấy đóng hộp sữa dùng cho nhà máy rót vô trùng combibloc.

Từ ngày 1-1-2013 đến 31-12-2014, công ty đã mở tờ khai nhập khẩu mặt hàng trên tại Hải quan Nghệ An, mã số nhập khẩu của mặt hàng này là 48115920 với thuế suất thuế nhập khẩu là 0% (một số công ty sữa cũng áp mã này khi nhập khẩu mặt hàng giấy đóng hộp sữa trong cùng thời gian nêu trên).

Tuy nhiên, sau đó Tổng cục Hải quan đã kiểm tra lại và yêu cầu áp mã nhập khẩu của mặt hàng giấy này là 48195000 (không chỉ riêng Công ty CP sữa TH mà một số công ty sữa cùng ngành cũng phải áp lại mã này thay cho mã đã khai báo nhập khẩu trước đó) với thuế suất thuế nhập khẩu là 5%.

Cục Hải quan Nghệ An đã ra văn bản ấn định truy thu thuế nhập khẩu và VAT đối với công ty với tổng giá trị thuế truy thu hơn 15,7 tỉ đồng.

 

Nhiều trường hợp bị bêu tên do chây ỳ

Khoảng 10 ngày trở lại đây, Cục Thuế Hà Nội và Cục Thuế TP.HCM liên tục công khai danh sách một loạt DN nợ thuế lớn và các dự án nợ tiền sử dụng đất kéo dài. Theo Cục Thuế Hà Nội, trước khi công khai thông tin 200 đơn vị gồm DN và chủ dự án nợ tiền thuế, tiền sử dụng đất, cơ quan thuế đã áp dụng nhiều biện pháp cưỡng chế.

Thực tế, trong những đơn vị nợ thuế lớn, nhiều DN nợ tiền thuế kéo dài từ năm 2012-2013 đến nay. Có DN tiền nợ gốc là 7 tỉ đồng mà tiền phạt chậm nộp lên đến 5 tỉ đồng. Thậm chí nhiều trường hợp còn cố tình thoái thác, chây ỳ không chịu nộp thuế dù đã có nguồn tiền, đã bán được hàng.

Vì vậy, để công bằng với các đơn vị thực hiện đầy đủ nghĩa vụ, cơ quan thuế buộc phải có những biện pháp cứng rắn với những DN cố tình nợ thuế kéo dài.

Để thu hồi nợ thuế, cơ quan thuế Hà Nội phải phân loại chính xác tình hình nợ thuế, phân tích rõ nguyên nhân nợ thuế của từng đối tượng để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả như động viên, thuyết phục DN có kế hoạch phân chia nguồn tiền để đảm bảo vừa duy trì, phát triển sản xuất kinh doanh, vừa có tiền nộp nợ thuế.

Cũng theo Cục Thuế Hà Nội, trước khi áp dụng biện pháp cưỡng chế đối với DN nợ thuế quá 90 ngày, cơ quan thuế đã có thông báo tới từng trường hợp, sau đó đôn đốc để họ nộp. Phần lớn DN nợ thuế đều trao đổi với cơ quan thuế và cam kết được kéo dài thời gian nộp, theo quy định là 12 tháng.

Đây là các DN khó khăn mang tính thời điểm nên nhiều đơn vị sau khi cam kết thì hằng tháng vẫn trả nợ tiền thuế vài trăm triệu đến vài ba tỉ, tùy theo tổng số nợ thuế. Song nhiều trường hợp khó khăn thật sự, họ không thể có tiền trả nợ thuế vì cứ có tiền về tài khoản là ngân hàng lại xiết nợ tiền gốc, lãi vay.

Riêng với những trường hợp chây ỳ, nợ thuế kéo dài thì cơ quan thuế cũng phải tuân thủ theo đúng quy định là áp dụng các biện pháp cưỡng chế, trong đó có biện pháp thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng.

Bà Nguyễn Thị Hải Yến, trưởng phòng tuyên truyền hỗ trợ người nộp thuế Cục Thuế Hà Nội, cho biết sau khi công khai 38 dự án nợ tiền sử dụng đất và hơn 160 DN nợ tiền thuế lớn trên địa bàn, các chủ đầu tư và DN đã có công văn hoặc liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế để trao đổi, cam kết nộp thuế và tiền sử dụng đất.

Tính đến ngày 15-7, đã có 15/38 dự án nộp nợ tiền sử dụng đất với tổng số tiền hơn 219 tỉ đồng, còn số DN nộp tiền nợ thuế là hơn 22 tỉ đồng.

Sẽ bị cấm xuất cảnh

Theo Bộ Tài chính, tổng số nợ thuế trên cả nước ước tính đến nay lên tới khoảng 72.000 tỉ đồng. Chính vì vậy để bổ sung biện pháp chế tài mạnh hơn, bộ này vừa hoàn thiện dự thảo quyết định của Thủ tướng về việc cấm xuất cảnh đối với trường hợp nợ thuế.

Theo đó, công dân Việt Nam không được xuất cảnh, người nước ngoài bị tạm hoãn xuất cảnh nếu đang có nợ thuế. Cụ thể, đối với DN nợ từ 1 tỉ đồng trở lên, cá nhân nợ từ 50 triệu đồng trở lên trong đó có khoản nợ trên 90 ngày thì chủ DN và người nợ thuế sẽ không được xuất cảnh.

Trong đó, với người Việt Nam chỉ được xuất cảnh khi không còn nợ thuế. Còn đối với người nước ngoài, thời hạn tạm hoãn xuất cảnh tối đa là ba năm kể từ ngày ban hành văn bản tạm hoãn xuất cảnh và được gia hạn cho đến khi nộp đủ thuế.

Theo cơ quan thuế, biện pháp cấm xuất cảnh theo dự thảo mới sẽ hỗ trợ nhiều cho công tác thu hồi nợ, đặc biệt giúp thu hồi được các khoản nợ lâu năm. Tới đây, đối tượng áp dụng cũng sẽ rất rộng, áp dụng cho cả người đại diện pháp luật, chủ tịch HĐQT... nếu có nợ thuế theo mức quy định.

Cần sòng phẳng

Theo ông Nguyễn Thái Sơn - giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn, việc đẩy mạnh thu nợ thuế là cần thiết nhưng cơ quan thuế cũng cần sòng phẳng. Hiện nay DN một khi đã nộp tờ khai mà chậm nộp tiền thuế thì cơ quan thuế tính tiền phạt, nếu không nộp sẽ bị cưỡng chế thi hành.

Quyền của cơ quan thuế với người nộp thuế rất lớn nhưng khi DN đủ điều kiện được hoàn thuế thì cơ quan thuế tìm mọi cách để không hoàn, ngâm hồ sơ để kiểm tra, xác minh hồ sơ làm kéo dài thời gian.

“Theo tôi, để sòng phẳng, những trường hợp DN đủ điều kiện đã nộp hồ sơ hoàn thuế rồi mà cơ quan thuế không hoàn thì cũng phải tính để trả tiền chậm hoàn cho DN với mức tương ứng.

Hiện nay do không có cơ chế nên cơ quan thuế thoải mái ngâm có khi 1-2 năm sau DN mới nhận được tiền hoàn thuế. Nếu người nộp thuế muốn đòi bồi thường thì phải khởi kiện.

Mà theo chế độ bồi thường nhà nước thì người nộp thuế phải chứng minh mình chịu thiệt thòi do việc chậm hoàn thuế gây nên và phải được thủ trưởng cơ quan thuế chấp nhận thì cơ quan thuế mới trích tiền ra trả. Như vậy là quá vô lý, đúng ra cũng phải tự động tính lãi như khi DN chậm nộp” - ông Sơn nói.

Nhiều DN bỏ trốn

Theo số liệu tạm tính nợ thuế của TP.HCM đến ngày 30-6 là 22.939 tỉ đồng. Ông Lê Xuân Dương, cục phó Cục Thuế TP.HCM, cho biết thời gian qua nợ thuế lớn rơi vào nhóm DN bất động sản, kinh doanh ngành xây dựng và các ngành nghề liên quan như ximăng, sắt thép... do khó khăn từ năm 2011 đến nay.

Hiện không chỉ có khoản nợ cũ mà nợ mới gối đầu lên nợ cũ, trong hơn 22.939 tỉ đồng nợ thuế tạm tính đến thời điểm 30-6, nợ có khả năng thu là hơn 10.000 tỉ đồng. Còn lại là nhiều khoản khác, trong đó nợ khó thu rơi vào các DN bỏ trốn, mất tích, phá sản...

LÊ THANH - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp