Những món quà là các cuốn sách gửi tặng sinh viên - Ảnh: LÊ DUNG
Trong bức tranh màu sáng về nỗ lực cải thiện văn hóa đọc, Thế giới sách kỳ này giới thiệu câu chuyện sinh động của cô Nguyễn Thị Lê Dung - giảng viên Trường ĐH Duy Tân, Đà Nẵng.
Tôi thường bắt đầu buổi dạy đầu tiên của mình cho mỗi môn học bằng màn giới thiệu bản thân của các em sinh viên. Các em có thể nói bất cứ thứ gì liên quan đến bản thân mình, nhưng bắt buộc phải chia sẻ một thông tin mà tôi muốn lắng nghe, đó là: "Cuốn sách gần đây nhất em đọc có tên là gì?".
- "Thưa cô, em không nhớ nữa..."
Năm này qua năm khác, lớp sinh viên này qua lớp sinh viên khác, tôi vẫn phải nhận những lời chia sẻ hết sức chân thành nhưng cũng thật xót xa...
- "Thưa cô, em không nhớ cuốn sách gần đây nhất mình đọc có tên là gì nữa ạ, vì hình như từ lâu lắm rồi em không đọc sách. Nếu có thì chỉ là những cuốn giáo trình phục vụ các môn học được mượn từ thư viện mà thôi".
- "Em không có thói quen đọc sách nên cũng không biết cuốn sách gần đây nhất em đọc là gì nữa, hình như là những cuốn truyện tranh từ hồi em học cấp 1, cấp 2"...
Có em lại tỏ ra khá hứng thú với câu hỏi của tôi và hồn nhiên kể ra hàng loạt cuốn sách mà em đọc ngấu nghiến trong tuần qua. Nhưng... đó đều là sách ngôn tình Trung Quốc.
Tôi ngóng mong trong mỗi lớp sẽ có dăm ba em có niềm đam mê đọc sách, hay chỉ là giữ thói quen đọc sách mỗi ngày. Thế nhưng tôi cứ chờ đợi, chờ đợi đến em cuối cùng đứng lên giới thiệu bản thân. Và điều tôi nhận được trong những lời chia sẻ ấy là sự ngập ngừng, là những pha gãi đầu lúng túng vì không thể nhớ tên cuốn sách gần đây nhất mà mình được đọc.
Mỗi năm như vậy, tôi dạy khoảng 1.000 sinh viên, nhưng số em có sở thích đọc sách chắc không vượt quá chữ số hàng đơn vị.
Sau mỗi giờ "giới thiệu bản thân" kết thúc, tôi thường "mượn" của các em 10-15 phút để "ôn nghèo kể khổ" về chuyện ngày xưa yêu dấu, nghèo lắm nhưng lại ham đọc sách, ai cho mượn cuốn nào là đọc như sợ chữ bị trôi mất. Rồi cũng trích dẫn câu nói "Sách mở rộng ra trước mắt ta những chân trời mới", cớ vì sao các em lại không đọc sách mỗi ngày?
Và tôi lặng lẽ thực hiện "chiến dịch" truyền cảm hứng đọc sách cho sinh viên của mình bằng cách giao bài tập và có thưởng. Phần thưởng dành cho những sinh viên chăm ngoan, học giỏi hay có ý tưởng sáng tạo... đều là những cuốn sách mà tôi yêu thích và nghĩ là phù hợp cho các em.
Mưa dầm thấm lâu, có vẻ như cách này có hiệu nghiệm. Em nào cũng cố gắng để giành được phần thưởng. Nhưng tôi cũng không quên nhắn nhủ: "Đọc xong nhớ cho cô cảm nhận về cuốn sách nhé!".
Và tôi hạnh phúc đến vỡ òa khi thường xuyên nhận được những tin nhắn, những email đầy yêu thương từ các em khi được nhận món quà, hay là khi đọc xong cuốn sách được tặng.
Còn đối với những sinh viên yêu sách, cô trò chúng tôi thường có giao kèo mỗi tháng đọc ít nhất một cuốn. Cuối tháng tổ chức một buổi tranh luận về cuốn sách mà mình đã đọc. Và tất nhiên, nhóm này luôn luôn được ưu tiên nhận sách hay, trong tâm thế người tặng và người được tặng đều rất hạnh phúc.
Tôi từng bật khóc khi nhận được tin nhắn từ một cô bé sinh viên 20 tuổi: "Em chào cô! Em tên là Nga, đợt 1 em có học môn Nói do lớp cô dạy. Em đã rất háo hức khi cầm trên tay cuốn sách mà cô tặng, lần đầu tiên em cảm thấy bản thân mình có giá trị đến vậy.
Cuốn sách rất hay và những câu chuyện đời thường giúp em nhận ra được nhiều bài học trong cuộc sống. Đặc biệt ngày hôm nay, em đọc được bài học về sự biết ơn, chợt lóe lên trong đầu suy nghĩ "tại sao không gửi cho cô được một lời cảm ơn?".
Thật ngu ngốc cho một đứa sinh viên 20 tuổi đầu rồi! Nhưng em nghĩ vẫn chưa muộn để nói phải không cô? Cuối cùng, em muốn cảm ơn cô về mọi thứ".
Hay lời tâm sự của một chàng sinh viên năm 3 khoa công nghệ thông tin không thích đọc sách tên là Quý: "Cảm ơn cô về quyển sách tặng em lúc chiều. Em cũng vừa mới đọc xong, khá ý nghĩa...".
Cũng có khi là một bức hình kèm theo dòng tin nhắn ngắn ngủi: "Cô ơi, sách cô đi muôn nơi".
Niềm đam mê đọc sách với bao thế hệ sinh viên của tôi bắt đầu như thế đấy!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận