Công nhân đầu tiên ở Khu công nghiệp Đình Trám (Bắc Giang) được tiêm vắc xin - Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Trước khi phát động tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19 ở hai điểm nóng Bắc Giang và Bắc Ninh, ông Tuyên nói: "Lô vắc xin về ngày 16-5 đã phân bổ cho các địa phương, các đơn vị. Cách đây 2 ngày có thêm 1 lô vắc xin 288.000 liều về đến Việt Nam.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, 288.000 liều này đã được phân bổ ngay cho Bắc Ninh và Bắc Giang, cộng với số cũ đã phân bổ, mỗi tỉnh được 150.000 liều. Chúng tôi phát động đợt tiêm đầu tiên cho công nhân của tỉnh Bắc Ninh, sau đó là Bắc Giang, rồi rút kinh nghiệm và nhân rộng ra các địa phương khác".
* Việt Nam đã đặt mua vắc xin, nhưng điều người dân quan tâm nhất là bao giờ mới tiêm đại trà?
- Theo kế hoạch của Bộ Y tế và các kết quả đàm phán, cam kết cho đến nay, riêng COVAX Facility sẽ cung cấp cho Việt Nam 38,9 triệu liều vắc xin, đủ tiêm cho 20% dân số. Bộ Y tế cũng đang đặt mua thêm 10 triệu liều nữa từ COVAX theo cơ chế chia sẻ chi phí. Bên cạnh đó, Bộ Y tế mua của AstraZeneca 30 triệu liều thông qua Công ty VNVC, mua của Pfizer 30 triệu liều nữa.
Như vậy, cho đến nay Việt Nam chắc chắn có 110 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19. Ngoài ra còn có các nguồn hỗ trợ, tài trợ bằng vắc xin khác nên Việt Nam có thể đủ 150 triệu liều mà Chính phủ giao để tiêm cho người dân. Tuy nhiên, vắc xin về vào thời điểm nào, số lượng bao nhiêu hoàn toàn phụ thuộc vào nhà cung cấp.
Bộ Y tế rất cố gắng đàm phán nhưng nhà cung cấp nào cũng cho biết số lượng và thời gian cung cấp có thể không đúng như cam kết hoặc sẽ bị chậm trễ. Do đó mình vẫn phụ thuộc vào lịch của nhà sản xuất.
* Vậy Bộ Y tế có biện pháp gì để gỡ khó, nhanh chóng đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng vắc xin ngừa COVID-19?
- Theo đúng chỉ đạo của Thủ tướng, ngoài lực lượng tuyến đầu chống dịch, phải ưu tiên tiêm cho công nhân ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp có nguy cơ cao. Và ưu tiên đầu tiên, đặc biệt cho Bắc Ninh và Bắc Giang.
Ngoài các lô vắc xin đã về và phân bổ, cho đến nay Việt Nam có khoảng 1,2% dân số đã được tiêm chủng (bằng hai lô về trong tháng 2 và 4 vừa qua). Khi sử dụng hết 2 lô vắc xin đã về trong tháng 5, con số này sẽ nâng lên 3% dân số. Trong tháng 6 và tháng 7, như thư cam kết thông báo mới nhất của COVAX, AstraZeneca và Pfizer, dự kiến sẽ về được ít nhất 5 triệu liều vắc xin nữa.
Bộ Y tế cố gắng năm nay cung ứng đủ 150 triệu liều vắc xin và tổng lực tiến hành tiêm ngay trong năm. Nếu suôn sẻ thì hết tháng 7 lượng vắc xin về sẽ đủ tiêm cho xấp xỉ 10% dân số có chỉ định tiêm chủng.
* Ông thấy cơ hội của vắc xin nội như thế nào?
- Thủ tướng đang chỉ đạo rất tích cực. Trong số các đơn vị sản xuất, tiến độ nhanh nhất là vắc xin của Công ty Nanogen, hiện đã sẵn sàng thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. Thứ hai là vắc xin của IVAC, chuẩn bị thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.
Với vắc xin của Nanogen, sau thử nghiệm giai đoạn 3, theo đánh giá của Hội đồng chuyên môn và Hội đồng y đức, nếu đạt được yêu cầu cũng sẽ xin phép Thủ tướng cấp phép khẩn cấp giống như các vắc xin ngừa COVID-19 ở nước ngoài.
Sớm nhất cuối năm nay vắc xin Việt Nam có thể ra thị trường.
Khu công nghiệp chống dịch: làm ngay những gì?
Chiều qua 27-5, những công nhân đầu tiên tại Bắc Ninh và Bắc Giang đã được tiêm ngừa COVID-19. Tại Bắc Giang, Bộ Y tế cho biết có 400 công nhân tại Khu công nghiệp Đình Trám được tiêm ngừa. Đợt tiêm ngừa sẽ tiến hành liên tục cho đến khi hết đợt vắc xin này (khoảng 150.000 liều/địa phương cho Bắc Ninh và Bắc Giang) và sẽ được phân bổ tiếp cho các đợt sau.
Tại cuộc tập huấn về phòng chống dịch cho khu công nghiệp, được Bộ Y tế tổ chức vào sáng cùng ngày, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương có những biện pháp mới chống dịch trong tình hình mới để vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất.
Cụ thể, các khu công nghiệp, nhà máy đều phải có tổ COVID-19 cộng đồng, cập nhật mức độ an toàn COVID-19 đến từng phân xưởng, đồng thời quản lý chặt chẽ người lao động đến/đi qua từ các vùng có dịch hoặc tiếp xúc với người có nguy cơ.
Bộ Y tế cũng yêu cầu doanh nghiệp xét nghiệm nhanh cho tất cả người cung ứng dịch vụ cho doanh nghiệp, cung ứng vật tư hàng hóa, thực hiện nghiêm quy chế phòng dịch, đeo khẩu trang hoàn toàn tại nơi làm việc.
Đây là lần thứ 2 trong năm dịch COVID-19 xảy ra tại các cơ sở sản xuất (dịp đầu năm 2021 xảy ra tại các cụm công nghiệp ở Hải Dương, lần này xảy ra tại các khu công nghiệp ở Bắc Ninh và Bắc Giang), ảnh hưởng rất nhiều đến sản xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận