Cuối năm tội phạm thẻ bùng phát với rất nhiều chiêu thức để lừa người dùng. Ảnh minh họa thanh toán thẻ tại POS. Ảnh: THUẬN THẮNG.
Chị Vân (H. Củ Chi) cho biết sáng 19-11, có số điện thoại lạ gọi, thông báo chị đang nợ số tiền lớn tại một ngân hàng ở Hà Nội, công an Hà Nội sẽ gửi lệnh bắt chị trong vòng 2 tiếng đồng hồ.
Do bị gọi liên tục, chị hoảng sợ nên đã nộp vào tài khoản của họ số tiền 200 triệu đồng thông qua Vietinbank chi nhánh Củ Chi và phải đến hôm sau mới biết mình bị lừa đành đi báo công an.
Mới đây, một phụ nữ khác cảnh báo trên Facebook rằng tự nhiên nhận được hai cuộc điện thoại thông báo đang nợ thẻ Visa 100 triệu đồng. Chỉ sau khi trấn tĩnh mới biết đó là chiêu lừa đảo, vì thế chị chia sẻ lên Facebook để cảnh báo.
Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, chị N.T.T.D. (TP.HCM) cho biết mình mở tài khoản của ngân hàng số và sử dụng gần một năm.
Do chuyển tiền không tốn phí, gửi tiết kiệm bằng chính tài khoản trên mobile nên chị mở 4 tài khoản tiết kiệm trực tuyến với tổng số tiền là 48 triệu đồng.
Ngày 30-9, một trong bốn tài khoản tiết kiệm của chị tự động tất toán với số tiền 12 triệu đồng cộng với 1,5 triệu đồng chị còn trong tài khoản.
Sau đó chị D. bị rút mất số tiền trên trong tài khoản dù thẻ ATM chị vẫn giữ trong người và không tiết lộ mật khẩu cho bất kỳ ai.
Sau hai lần khiếu nại, ngân hàng trả lời với chị D là "ngân hàng không chịu trách nhiệm vì khoản tiền bị mất không xác minh được là lỗi của ngân hàng nên khoản tiền sẽ không được bồi hoàn và chị D. có thể yêu cầu công an giải quyết và bên ngân hàng sẽ hỗ trợ".
Không đồng ý, chị D. bèn khiếu nại lên báo chí, và được ngân hàng bồi hoàn 50% số tiền bị mất với lý do không xác định được mất tiền do lỗi do ai nên đành "cưa đôi" và vụ việc chuyển qua cơ quan điều tra.
Những ngày gần đây các ngân hàng liên tục phát đi khuyến cáo khách hàng tránh rơi vào "bẫy" của kẻ gian.
Vietcombank khuyến nghị khách hàng khi sử dụng các dịch vụ trực tuyến tuyệt đối không thực hiện gián tiếp thông qua các đường link nhận được từ email, tin nhắn hoặc trên trang web nào đó tạo ra mà phải truy cập trực tiếp vào trang chủ của Vietcombank.
Techcombank cũng lưu ý khách hàng có trường hợp kẻ gian giả danh nhân viên ngân hàng gọi điện, nhắn tin cho khách hàng từ số điện thoại lạ hoặc nhắn tin qua Facebook, Zalo, Viber… để chào mời các dịch vụ hấp dẫn như vay nhanh chóng với chi phí thấp để lừa khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật như mã token, OTP, thông tin thẻ, số thẻ, tài khoản…
Cũng có trường hợp tội phạm thông báo có người chuyển tiền tới tài khoản của khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự chủ quan để lừa khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật hay giả danh cán bộ điều tra, cán bộ công an đề nghị cung cấp thông tin để hỗ trợ điều tra, đề nghị chuyển tiền, nộp phí, thanh toán nợ.
Sau khi gọi điện, nhắn tin, kẻ gian sẽ thông qua các ứng dụng trên mạng, qua website giả mạo và gửi các đường link chứa mã độc tới khách hàng để tiếp tục lấy các thông tin. Khách hàng chỉ nhận ra bị lừa khi tiền trong tài khoản mất đi.
Ngân hàng không bao giờ yêu cầu khách hàng cung cấp các thông tin bảo mật cá nhân hay tài khoản, do đó khách hàng không cung cấp thông tin cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng hay người tự xưng cán bộ điều tra.
Ngoài ra, tên đăng nhập, mật khẩu đang nhập, mã OTP là các tài sản của khách hàng để thực hiện các giao dịch trên tài khoản thanh toán.
Do đó, cần giữ bí mật tuyêt đối. Khách hàng không chụp hình các mặt của thẻ hay các thông tin về mã thẻ để gửi qua email, đưa lên các trang mạng xã hội.
Kẻ gian khi có các thông tin này sẽ lợi dụng sơ hở để tìm cách chiếm đoạt tiền trong tài khoản", Techcombank khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận