Giá nào cũng có, từ loa thương hiệu vài chục triệu đồng đến rẻ bèo vài trăm ngàn bạc.
Mẫu nào, giá nào cũng có
Giờ tan tầm ở chợ Nhật Tảo (quận 10, TP.HCM), một số người ghé vào hỏi mua các thiết bị hát karaoke. Ở một quán vắng khách, người chủ cắm loa thùng rồi hát xập xình. Trong các tiệm gần đó, người kiểm tra âm thanh của loa theo yêu cầu của khách, người loay hoay giới thiệu những mẫu mã đồ nghề hát karaoke mới lạ.
"Vô lựa đi em, thích mẫu nào, giá nào cũng có" - bà Thanh, chủ một tiệm điện tử trên đường Nhật Tảo, hồ hởi khi thấy vợ chồng anh Minh Khang (ngụ quận Tân Phú) ghé vào. Sau khi nói muốn mua loa hát karaoke, vợ chồng anh Khang được bà Thanh giới thiệu gần chục mẫu mã.
Chỉ tay vào cái loa cỡ vừa kèm hai chiếc micro cắm hai bên, bà Thanh cho biết bộ này giá 1,2 triệu đồng, âm thanh "mượt", xài bền. Đôi vợ chồng lưỡng lự rồi xem tiếp một thùng loa 3,9 triệu đồng.
Theo bà Thanh, cửa hàng bà chuyên cung cấp những loại loa thùng giá từ 1 triệu đồng, có loại hơn 10 triệu đồng. "Muốn hát karaoke thì những loại này là ngon lành rồi, vặn volume (âm lượng) cỡ 50% là hát ngon.
Còn muốn đầu tư hoành tráng hơn, em nên chọn cả bộ gồm loa, đầu karaoke có ổ cứng, amply... luôn", bà nói. Nghe vậy, vợ chồng Khang quyết định mua thùng loa 3,9 triệu đồng để cuối tuần anh em họ hàng tụ tập hát hò.
Dạo quanh các đường Nhật Tảo, Vĩnh Viễn, Nguyễn Kim, Lý Nam Đế... ở khu chợ Nhật Tảo này, đồ nghề hát karaoke cần gì có đó.
Từ lâu, khu vực này đã nổi tiếng với những cửa hàng san sát bán thiết bị âm thanh, đồ điện tử. Khách hỏi mua khi thì chiếc micro kèm loa "vừa rẻ vừa đẹp", khi thì bộ loa, cũng có một số tiệm nhận sửa chữa thiết bị karaoke bị hư.
Ở tiệm bà Linh trên đường Nguyễn Kim có cả những chiếc micro gắn kèm loa nhỏ cầm tay với giá bán từ 400.000 đồng/chiếc. Bà Linh cho biết loại này bán chạy vì gọn nhẹ và giá rẻ, chỉ cần kết nối bluetooth với điện thoại hoặc máy tính bảng là hát "khỏe re".
"Ở đây khách cũng hay mua loại loa nhỏ cầm tay, loa cặp, loa có tay xách với giá chỉ vài trăm ngàn đồng trở lên", bà Linh nói. Còn đối với loại loa "kẹo kéo" khá cồng kềnh và có thể kéo đi được, bà cho biết giá bán từ 1 triệu đồng/cái, có nhân viên chở về tận nhà.
Ở một góc chợ Nhật Tảo, ông Tiến (ngụ huyện Hóc Môn) đang cùng 5-6 người kiểm tra lại "dàn nhạc sống". Ông cho biết dàn âm thanh này như một chiếc tủ nhỏ có sẵn loa, amply, micro...
Ông nói rằng mình cùng con trai chở dàn thiết bị này xuống cho một người quen "độ" lại âm thanh rồi lát nữa sẽ chở về lại.
Theo con trai ông Tiến, dàn âm thanh này đang được ưa chuộng do có công suất lớn, khả năng chơi nhạc nghe "đã" và gọn nhẹ hơn một dàn nhạc sống cồng kềnh thông thường.
Nếu khách có nhu cầu, hai cha con ông sẽ hỗ trợ ráp bộ đồ nghề hoàn chỉnh chỉ trong một buổi, giá khoảng 15 triệu đồng.
Tương tự, tại một cửa hàng điện máy trên đường Trường Chinh (quận 12), dàn âm thanh như trên cũng có giá bán từ 14 triệu đồng. Nhân viên cửa hàng cho biết một dàn hoàn chỉnh thường gồm hai loa trầm, hai loa cao tần, cục đẩy công suất, micro...
Với kích cỡ bề ngang chừng 1m và cao khoảng 80cm, "dàn nhạc sống" này cũng dễ dàng di chuyển và "đối đầu" với loa khủng của hàng xóm.
Loa "kẹo kéo" vẫn được chuộng
Đồ nghề karaoke ngoài tiệm đã phong phú, đồ nghề trên các trang mạng còn khiến người ta hoa mắt. Nhiều trang mạng đăng bán các loại micro hát kèm loa có giá bèo chỉ hơn 200.000 đồng, đặc biệt có cả micro mini có dây với kích cỡ bằng bàn tay với giá khuyến mãi 29.000 đồng, được giới thiệu là "hét" tốt.
Loại này khách hàng phải tải ứng dụng kèm theo để sử dụng. Nhiều người chọn mua đồ nghề karaoke trên mạng do được giao tận nhà và thường có chương trình khuyến mãi.
Từng mua một chiếc micro kèm loa trên mạng với giá hơn 300.000 đồng, chị Ái Vân (ngụ huyện Hóc Môn) nhận xét loại này nếu dùng để hát lai rai mỗi lần vài bài cũng "đỡ ghiền". Chị nói: "Xài khi nào hư thì mình mua cái khác, chẳng tốn bao nhiêu".
Tuy nhiên, hiện nay loa "kẹo kéo" (loa kéo di động) vẫn được các tín đồ karaoke lựa chọn vì giá khá rẻ và có thể di chuyển thuận lợi, đặc biệt là có âm thanh lớn để sẵn sàng "đại chiến" với loa của hàng xóm
Với mức giá trung bình từ 1 - 10 triệu đồng, loại loa này thường được thiết kế có bộ phận loa trầm, loa trung và loa cao để người sử dụng dễ điều chỉnh. Sau khi sạc điện, những cái loa còn mới có thể "hét" được 4 tiếng trở lên.
Hiện nay, những buổi tiệc hay những dịp tụ tập bạn bè, nhiều người thường dùng loa "kẹo kéo" để hát trong nhà ngoài sân và trở thành sự... tra tấn đối với người nghe.
Và bán cả thiết bị phá sóng karaoke
Thực tế buồn cười là ngoài bán loa, người ta còn bán cả thiết bị... phá sóng loa cho những ai chịu hết nổi hàng xóm mê làm ca sĩ... tra tấn lỗ tai. Loại thiết bị phá sóng này đang khá đắt hàng vào cuối năm, dịp đi đâu cũng đinh tai nhức óc với tiệc tùng, hát hò.
Thử gõ cụm từ "phá sóng loa kẹo kéo" trên mạng, lập tức kết quả cho ra đủ loại thiết bị chặn hát karaoke, gây nhiễu tín hiệu, phá sóng WiFi dùng để kết nối loa kẹo kéo kèm từ "cực mạnh", "VIP". Trên các sàn thương mại điện tử giới thiệu đủ cách phá sóng như bằng máy chuyên dụng, USB, board mạch, ăng ten WiFi, app... với các mẫu mã và mức giá đa dạng, giúp người mua dễ dàng chọn lựa.
Có nơi còn hướng dẫn tận tình cách sử dụng, mua chỗ nào uy tín. "Kể cả "đối phương" có dùng WiFi băng tần 5GHz thì cũng không hát hò gì được vì không kết nối được bluetooth. Miễn mình giấu cái ăng ten phát sóng kỹ xíu là họ loay hoay đi tìm lỗi thiết bị chứ không biết chuyện gì xảy ra", một người bán hàng mách nước cho khách.
Tuy nhiên, ai đó muốn xài thiết bị phá sóng karaoke này để có được giấc ngủ yên thì nhớ giấu kín. Dù hầu hết chúng đều nhỏ gọn nhưng đừng sơ ý để tơ hơ ra mà dễ sinh chuyện phức tạp với mấy ông máu me hát hò trong lúc say xỉn vốn dễ động tay động chân.
Ý kiến bạn đọc bức xúc về nạn hát hò ầm ĩ mọi lúc, mọi nơi:
- Nên có luật cấm sử dụng loa thùng ở nơi công cộng, ngoài những nơi được trang bị cách âm và được Nhà nước cấp phép. Những đám ma tụng kinh làm lễ này nọ còn thông cảm, chứ kiểu đám ma kéo mấy cái loa thùng mở hết công suất rồi kiếm người chuyển giới la hét ầm ĩ nên cấm tiệt.
Bạn đọc Huy Tran
- Tối hôm qua gần nhà tôi họ hát từ 6h30 tối đến hơn 10h đêm... loa thùng... Con tôi 4 tuổi không thể ngủ bèn hỏi mẹ: Bên đó họ xem tivi đến số mấy nghỉ vậy? Còn tôi gọi công an hai lần, lần thứ ba không nghe máy. Tôi tổ 14, ấp 2, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn. Không phải hát tất niên mà là hát cả năm.
Bạn đọc Minh
- Chỗ tôi cứ mở loa lên hát là tôi gọi công an, không cần biết trước hay sau 22h. Gọi một số không xuống thì tôi dùng nhiều số gọi, đến khi nào xuống giải quyết mới thôi. Làm triệt để thì công an họ cũng không phải cực, một lần cho dứt, không thể sống mãi trong cảnh này.
Bạn đọc Phat
- Lúc nào cũng nói là do máu văn nghệ nên thích hát karaoke, chỉ là lời lẽ ngụy biện của những kẻ thích ăn nhậu, thích phá làng phá xóm. Chính quyền không cần phải phạt tiền làm gì, cứ bắt họ lại mang theo những thùng loa kẹo kéo và cho vào chung một phòng đóng kín tất cả các cửa lại rồi bật loa hết công suất kêu họ hát cho đã rồi về. Mỗi phường, xã cần xây một phòng rộng 20m2, bên ngoài xây tường, bên trong phòng làm một lớp tôn để cho âm thanh phản xạ bên trong. Cứ làm như thế thì tôi bảo đảm rằng họ sẽ không dám mở karaoke phá làng phá xóm nữa!
Bạn đọc Tran Nam
"Được rồi, để tao chơi cho nó tắt đài luôn". Chịu không nổi "ca sĩ" hàng xóm, có người đã phản ứng bằng cách... mua loa lớn hơn để dập lại.
Kỳ tới: Loa kẹo kéo, đổ máu vì mê hát, mê hét
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận