Người Việt xa quê luôn mong có ngày được dạo trên đường hoa Nguyễn Huệ. Trong ảnh: đường hoa Nguyễn Huệ, TP.HCM dịp Tết Tân Sửu 2021 - Ảnh: T.T.D.
Riêng về quy định cách ly tập trung người nhập cảnh đã tiêm đủ vắc xin trong 7 ngày, Bộ Y tế đang nghiên cứu sửa đổi theo hướng thuận tiện hơn cho khách nhập cảnh.
Ông Trần Đắc Phu
Số ca nhiễm những ngày qua tăng liên tục và hiện ở mức trên 8.000 ca mới/ngày nhưng phải nhìn nhận số mắc mới này trên cơ sở tỉ lệ tiêm chủng vắc xin đã tăng cao, hiện đạt trên 85% người từ 18 tuổi đã tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin, số đã tiêm đủ 2 mũi đạt khoảng 45% người từ 18 tuổi. Trên 1,2 triệu trẻ 12 - 17 tuổi cũng đã được tiêm 1 mũi vắc xin.
Qua khảo sát cũng cho thấy người đã tiêm vắc xin mắc COVID-19 ít chuyển nặng, ngoại trừ nhóm có bệnh nền, người già. Số ca bệnh tăng chủ yếu ở các tỉnh thành tỉ lệ tiêm chủng còn thấp như ĐBSCL, Tây Nguyên.
"Do đó tôi đánh giá dịch ở Việt Nam vẫn trong tầm kiểm soát, có thể nói là ổn hơn nhiều so với giai đoạn cao điểm của dịch" - ông Phu nói.
Nhận định tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM từ đây đến tết, PGS.TS Đỗ Văn Dũng - trưởng khoa y tế công cộng, nguyên phó hiệu trưởng Trường ĐH Y dược TP.HCM - cho rằng dịch tại TP sẽ tiếp tục dao động mỗi ngày trên dưới 1.000 - dưới 2.000 ca khi đảm bảo các điều kiện: người dân phải thực hiện nghiêm túc biện pháp 5K; TP tiếp tục tiêm vắc xin cho những người nhập cư; quản lý, kiểm soát tốt F0, đặc biệt F0 đang cách ly, điều trị tại nhà.
Về vấn đề đi lại trong dịp Tết dương lịch và Nguyên đán 2022 sắp tới, ông Dũng cho rằng đây là điều cần thiết không chỉ với trong nước mà cả quốc tế, khi chúng ta đã xác định sống chung với virus và tỉ lệ tiêm chủng vắc xin được phủ rộng, đồng đều ở các tỉnh thành.
Riêng việc mở cửa đường bay quốc tế phù hợp với nhu cầu mở cửa kinh tế, phát triển lại ngành du lịch; tạo điều kiện doanh nhân và chuyên gia đi lại làm ăn, người dân được về nước thăm viếng thân nhân.
Vậy người từ nước ngoài về Việt Nam cần đảm bảo những điều kiện nào để an toàn phòng chống dịch trong nước?
Ông Dũng cho rằng nhiều quốc gia có tỉ lệ người dân tiêm chủng vắc xin cao đã mở cửa với người nước ngoài đã tiêm chủng đủ và phải khai báo lộ trình đi lại rõ ràng như Anh, Mỹ. Ngoài ra, Anh yêu cầu xét nghiệm trong 2 ngày sau khi đến nước họ.
Đối với Mỹ yêu cầu xét nghiệm âm tính trước khi bay đến đây. Các quốc gia này đều không yêu cầu du khách cách ly nếu xét nghiệm âm tính.
Tại Việt Nam, vì cẩn trọng hơn các quốc gia phương Tây nên có thể đặt ra yêu cầu tự cách ly trong khu du lịch, khách sạn hay tại nhà người thân trong vòng 7 ngày. Song song đó là phải xét nghiệm trước khi đến Việt Nam và trong 2 ngày đầu sau khi đến Việt Nam.
TP.HCM: F0 nhập viện cao hơn số ca xuất viện
Sở Y tế TP.HCM kiến nghị sớm mở lại các khu cách ly quận, huyện và bệnh viện dã chiến. Trong ảnh: một khu cách ly tập trung tại quận Gò Vấp hồi tháng 9 - Ảnh: X.M.
Ngày 13-11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên dự họp Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP giao ban trực tuyến với các quận, huyện và TP Thủ Đức về tình hình dịch bệnh diễn ra trên địa bàn.
Báo cáo tại cuộc họp, giám đốc Sở Công thương Bùi Tá Hoàng Vũ có kiến nghị UBND TP xem xét, cho phép các đơn vị kinh doanh dịch vụ ăn uống có sử dụng thức uống có cồn trên địa bàn TP được hoạt động trở lại trong điều kiện có kiểm soát, đáp ứng bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, ông Nên cho biết dựa trên đánh giá có thể thấy số F0 trên địa bàn TP đang tăng và thực tế còn nhiều hơn số liệu đã thống kê.
Trong đó tỉ lệ bệnh nhân trở nặng và tử vong tăng nhẹ. Đặc biệt, số ca nhập viện cao hơn số ca xuất viện. "Nếu tình trạng này cứ kéo mãi thì không ổn.
Do đó từng địa bàn cần tính toán lại con số này để có phấn đấu, điều chỉnh bằng hành động", ông Nên nói và yêu cầu Sở Y tế cần tiếp tục nghiên cứu, phân tích đánh giá. Riêng các địa phương khi phát hiện F0 phải điều tra nguồn lây để có biện pháp kéo giảm.
Ông cũng cho rằng so với giai đoạn thực hiện chỉ thị 10, TP đã có tỉ lệ phủ vắc xin cao hơn, có thuốc điều trị, có kinh nghiệm phòng chống dịch cùng các điều kiện đáp ứng tốt hơn. Tuy nhiên, chính quyền TP không vì thế mà chủ quan và lan rộng sự chủ quan đó ra ngoài cộng đồng.
Ông Nên cũng yêu cầu tất cả các quy định, nghị quyết, chỉ thị, chủ trương, chính sách từ cấp trên phải được cụ thể thành các văn bản, trong đó nêu rõ quy định, tiêu chí, trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền lợi của từng cá nhân, đơn vị. Nhờ vậy, mỗi người đều biết ai phải làm gì, làm tới đâu và làm như thế nào.
THẢO LÊ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận