18/05/2013 08:08 GMT+7

Cuối năm 2013, TP.HCM chỉ còn lại 11 điểm ngập

QUANG KHẢI thực hiện
QUANG KHẢI thực hiện

TT - Chỉ vài cơn mưa đầu mùa mà nhiều đường phố tại TP.HCM lại “biến thành sông”, nhưng ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng - phó giám đốc Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP - khẳng định mùa mưa năm nay TP sẽ giảm ngập.

7MVJyvuZ.jpgPhóng to
Xa lộ Hà Nội đoạn dưới chân cầu Rạch Chiếc ngập nặng sau cơn mưa chiều 16-5 - Ảnh: M.TRƯỜNG

Xa lộ Hà Nội ngập 0,5m sau mưa

Cơn mưa lớn kéo dài gần một giờ chiều 16-5 khiến xa lộ Hà Nội, đoạn dưới chân cầu Rạch Chiếc (Q.9, TP.HCM) ngập sâu khoảng 0,5m, làm nhiều xe máy qua đây bị chết máy.

Theo ghi nhận, hai bên chân cầu Rạch Chiếc (giáp ranh Q.9 và Q.2) bị trũng xuống so với nền mặt bằng chung của xa lộ Hà Nội nên mỗi khi mưa tại đây đều ngập nước.

Ngày 17-5, đại diện Công ty cổ phần Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII), chủ đầu tư dự án mở rộng xa lộ Hà Nội, cho biết hiện xa lộ Hà Nội đoạn gần cầu Rạch Chiếc vẫn đang phải sử dụng hệ thống thoát nước tạm thời nên nước rút chậm. Chỉ một trận mưa vừa mà nước vẫn không thoát kịp, dẫn đến ngập. “Theo thiết kế, hệ thống thoát nước tại khu vực này có đường kính 1,6m, nếu được triển khai đã giải quyết tình trạng ngập nước trong thời gian qua. Tuy nhiên, hiện Q.9 vẫn chưa bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư nên việc thi công đang bị trì hoãn” - vị này cho biết.

MẬU TRƯỜNG

Theo ông Dũng, chống ngập là một trong sáu chương trình đột phá của TP thực hiện trong giai đoạn đến năm 2015.

Đến nay, nhiều công trình được đưa vào sử dụng và bước đầu phát huy hiệu quả chống ngập, đặc biệt trong mùa mưa năm nay. Tính đến cuối năm 2011, toàn TP có 31 điểm ngập, nhưng trong năm 2012 đã có 13 điểm ngập được xóa hoặc giảm đáng kể. Trong năm nay, tiếp tục triển khai giải quyết bảy điểm ngập khác.

Dự kiến các công trình này hoàn tất hạng mục cống thoát nước trước mùa mưa để có thể phát huy chống ngập.

Theo kế hoạch, cuối năm nay TP chỉ còn lại 11 điểm ngập. Các điểm ngập này sẽ được xóa bằng các công trình thực hiện trong giai đoạn 2014-2015.

* Theo như ông nói, các điểm ngập đã giảm đáng kể, nhưng còn các điểm ngập mới phát sinh đến nay vẫn chưa được giải quyết và khả năng mùa mưa này tiếp tục ngập?

- Trong năm qua, do ảnh hưởng các công trình đang triển khai thi công như dự án nâng cấp đô thị TP (thi công dọc kênh Tân Hóa - Lò Gốm) đã làm phát sinh các điểm ngập như đường Hòa Bình, Bàu Cát, Đồng Đen, Lạc Long Quân...

Trung tâm chống ngập đang phối hợp với các cơ quan chức năng đi kiểm tra các công trình này. Chúng tôi phối hợp cùng nhà thầu tăng cường phương tiện, nhân lực bơm nước hỗ trợ khi có mưa lớn, hi vọng sẽ giảm ngập đến mức thấp nhất.

* Hầu hết các công trình đều chống ngập do mưa, trong khi triều cường ngày càng lên cao (cao nhất 1,62m) đe dọa đến nhiều khu vực trũng thấp tại TP hiện nay?

- Hiện ngoài công trình kiểm soát triều Bình Triệu, rạch Lăng đã đưa vào sử dụng, cống kiểm soát triều Bình Lợi cũng có thể vận hành vào tháng 6 để phát huy ngăn triều khu vực Q.Bình Thạnh.

Đặc biệt, công trình cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè đã cơ bản hoàn thiện và phát huy hiệu quả ngăn triều. Đây là công trình kiểm soát triều đầu tiên của quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP được vận hành (theo quyết định 1547 của Thủ tướng). Công trình này giúp ngăn triều cho bảy quận nội thành như Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp...

Tuy nhiên, hiện vẫn còn khoảng 10 điểm ngập do triều cường và TP đang chỉ đạo thực hiện các công trình tiếp theo để từng bước hạn chế ngập do triều cường như công trình xây kè tạm trên đường Bến Phú Định (Q.8). Còn giải pháp căn cơ để chống ngập do triều cường phải chờ các dự án lớn theo quyết định 1547 của Thủ tướng triển khai trong thời gian sắp tới.

* Có ý kiến cho rằng con số thống kê các điểm ngập của Trung tâm điều hành chống ngập nước thấp hơn con số thực tế?

- Tôi xin khẳng định thống kê của trung tâm là chính xác và chịu trách nhiệm trước thông tin trên. Chúng tôi có đội ngũ hàng trăm nhân viên kiểm tra phụ trách từng địa bàn, theo dõi từng trận mưa nên không thể nói số liệu thống kê không chính xác được.

Theo chương trình đột phá của TP, đến năm 2015 cơ bản giải quyết hết các điểm ngập còn lại mà tôi đã kể trên và cố gắng không để phát sinh những điểm ngập mới.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải là không đầu tư tiếp cho các công trình chống ngập giai đoạn sau năm 2015 bởi có nhiều công trình được thực hiện bằng các giải pháp cấp bách, cần đầu tư thêm để hoàn thiện, góp phần chống ngập một cách căn cơ hơn.

Nhiều công trình chống ngập có nguy cơ “treo” dài hạn

Quy hoạch thủy lợi chống ngập úng cho TP (được Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1547) từ năm 2008 với quy mô xây dựng hệ thống đê bao dài 146km bao quanh TP (từ Bến Súc, H.Củ Chi kéo dài đến sông Kinh Lộ, Long An). Dọc các cửa sông lớn sẽ xây dựng 10 cống kiểm soát triều. Dự án có tổng vốn đầu tư ban đầu là 11.000 tỉ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2012. Tuy nhiên, đến nay chỉ có hơn 30km cống từ tỉnh lộ 8 đến sông Vàm Thuật (bờ hữu) và cống kiểm soát triều Nhiêu Lộc - Thị Nghè cơ bản hoàn thành. Hầu hết các tuyến đê bao lớn cũng như cống kiểm soát triều đã được lập dự án, phê duyệt nhưng chưa có dự án nào được triển khai thi công. Hiện vốn đầu tư cho quy hoạch thủy lợi này đã tăng lên gấp nhiều lần nhưng chưa có con số thống nhất. Với nguồn vốn “quá khủng”, các đơn vị liên quan đang xin Ngân hàng Thế giới xem xét cho vay để triển khai dự án nhưng đến nay chưa có câu trả lời chính thức.

* 13 điểm ngập đã được giải quyết năm 2012 là các tuyến đường: Vũ Tùng, Bùi Hữu Nghĩa, Ung Văn Khiêm (Q.Bình Thạnh), Nguyễn Thị Thập (Q.7), Phan Anh (Q.Bình Tân), quốc lộ 1 (Q.12, từ Nguyễn Văn Quá đến Lê Thị Riêng), Quang Trung, Lê Đức Thọ (Q.Gò Vấp), Đỗ Xuân Hợp (Q.9), Lãnh Binh Thăng (Q.11), Thái Phiên, Hậu Giang, An Dương Vương (Q.6).

* 7 điểm ngập sẽ được giải quyết trước mùa mưa năm nay là các tuyến đường: Gò Dưa (Q.Thủ Đức), Trần Hưng Đạo, Phạm Đình Hổ (Q.5), Tân Hòa Đông (Q.Tân Phú), Tôn Thất Hiệp (Q.11), Dương Tử Giang, Hồng Bàng (Q.6).

* 11 điểm ngập còn lại: Huỳnh Tấn Phát (Q.7), An Dương Vương (Q.8), Trường Chinh (Q.Tân Bình), Kha Vạn Cân, tỉnh lộ 43, Đặng Thị Rành, Dương Văn Cam, Hồ Văn Tư (Q.Thủ Đức), Nguyễn Văn Quá (Q.12) và Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân).

* Các tuyến đường ngập do triều cường: Lương Định Của (Q.2), Bến Phú Định, Phạm Thế Hiển (Q.8), Huỳnh Tấn Phát (Q.7), Văn Thân, Lò Gốm (Q.6), Bình Quới (Q.Bình Thạnh), Kha Vạn Cân (Q.Thủ Đức), Hồ Học Lãm (Q.Bình Tân).

QUANG KHẢI thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp