16/10/2016 11:19 GMT+7

​Cười để vượt qua khó khăn

TRUNG TÂN
TRUNG TÂN

TTO - Các sinh viên nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” ở hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, mỗi người mỗi hoàn cảnh, khó khăn nhưng đi cùng đó là sự nỗ lực không mệt mỏi.

Mẹ bị liệt nửa người nên mọi sinh hoạt của mẹ đều phải dựa vào Thảo - Ảnh: TR.TÂN
Mẹ bị liệt nửa người nên mọi sinh hoạt của mẹ đều phải dựa vào Thảo - Ảnh: TR.TÂN

Mình đang xin đi làm thêm ở một quán cà phê, mong gom góp mua được chiếc xe máy cà tàng cũng được để vào trung tâm thành phố xin việc. Ngoài này gần trường nhưng công việc hiếm mà lương lại thấp

NGUYỄN THỊ THANH VINH

Câu chuyện của hai bạn tân sinh viên nhận học bổng đợt này nghe thật buồn nhưng cách nói chuyện và gương mặt lại ánh lên niềm lạc quan.

Được đi học muộn và nợ học phí

Bạn Nguyễn Thị Thu Thảo (18 tuổi, trú số 5 đường Xóm Sông 2, thôn 2, xã Diên Phú, Diên Khánh, Khánh Hòa), đậu ngành kinh doanh thương mại ĐH Nha Trang, buồn bã cho biết mình không thể đi học do anh trai đi làm ở Sài Gòn chưa có tiền chuyển về cho Thảo nộp học phí nhập học.

Thảo đến trường xin bảo lưu kết quả. Biết chuyện, Trường ĐH Nha Trang đã “đặc cách” cho Thảo đi học muộn và nợ học phí.

Cha mất khi Thảo mới 4 tuổi, gánh nặng gia đình dồn lên vai mẹ Thảo, bà Phùng Thị Thu Dung. Một nách ba con, bà Dung đi làm thuê đủ việc để có tiền xoay xở. Thế nhưng, bảy năm về trước, một trận bạo bệnh đã quật ngã người mẹ này.

Bà Dung mắc bệnh u não, bị liệt nửa người, không tự sinh hoạt được. Nhà nghèo, chị hai, anh ba của Thảo lần lượt nghỉ học đi làm ăn xa, rồi lập gia đình.

“Anh chị đều làm công nhân vất vả, còn ở nhà thuê nên không giúp được gì. Anh ba hằng tháng gửi tiền về lo cho mẹ, còn phần mình phải đi làm thêm tự nuôi sống, có tiền đi học” - Thảo kể.

Mỗi sáng thức giấc, Thảo lo cơm, nước nóng cho mẹ lau mặt, chuẩn bị quần áo, bô vào tận giường rồi đi mượn xe máy cũ của cậu chạy đến trường cách nhà gần 20km.

Trưa về lại lo cơm nước, giặt quần áo, sửa soạn nhà cửa, 6g chiều lại đạp xe ra Ngã Ba Thành (Diên Khánh) cách nhà 7km phụ bán cà phê.

Hơn 10g30 quán nghỉ, lại lóc cóc đạp xe về. “Tháng được 1,2 triệu đồng, cũng đủ chi phí ăn tiêu. Chỉ tội mẹ, mình đi học, không ai chăm sóc. Nhưng mình phải học để có một công việc ổn định, để thay đổi cuộc sống của mình và mẹ sau này” - Thảo quyết tâm.

Làm ở công ty vệ sĩ là một trong các công việc làm thêm của Thanh Vinh - Ảnh: V.T.
Làm ở công ty vệ sĩ là một trong các công việc làm thêm của Thanh Vinh - Ảnh: V.T.

Học cách nở nụ cười

Mỗi lần ký ức buồn ùa về trong câu chuyện, tân sinh viên Trường cao đẳng nghề Du lịch Nha Trang Nguyễn Thị Thanh Vinh (19 tuổi, trú thôn Gò Sắn, xã Ninh Hưng, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) ngưng chút xíu, chực khóc nhưng lại cười.

Vinh kể quê bạn nghèo, nhà bạn nằm xa tít, cửa xoay mặt ra ruộng lúa yên bình. Nỗi đau khổ tột cùng của Vinh là lúc bạn vào lớp 9, trong một lần mẹ đi Nha Trang đã bị một thiếu niên tông xe trúng, mẹ Vinh mất sau đó ít hôm.

Vinh nhớ lại khi mẹ mất, một mình ở trong căn nhà trơ trọi ngoài ruộng, buổi tối cứ đóng cửa nhưng vẫn thót tim với những tiếng động lạ giữa đêm. Năm 2015, Vinh đậu vào ngành quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành ĐH Nha Trang, đã khăn gói lên Nha Trang theo học được ba tháng thì phải bỏ.

“Không có tiền ăn nên mình phải đi làm thêm hai ca ở hai quán cà phê khác nhau, được 2,4 triệu đồng/tháng. Đi làm nhiều nên việc học cũng kém hiệu quả, mình quyết định nghỉ để dồn sức kiếm tiền, năm sau tiếp tục học nghề mình yêu thích” - Vinh kể.

Vinh nói bản tính của mình rất ương bướng, khi còn ở nhà khó ai bắt nạt được. Mẹ mất sớm, con gái phải ở một mình nơi vắng vẻ nên tính cách hơi ngang, rất dễ “xù lông nhím”.

“Nhưng khi lên thành phố, đi học, đi làm, có khách la mắng mình vẫn cười vì... khách hàng là thượng đế” - Vinh cho biết.

Nụ cười ấy được rèn luyện sau hơn nửa năm Vinh làm việc cho khu du lịch Vinpearl Nha Trang. Chính sự vui vẻ mà có lần nụ cười của Vinh trở thành biểu tượng “smile” của khu du lịch này. Theo Vinh, cuộc sống dù nhiều chuyện buồn, nhưng cười là cách mà bạn chọn để vượt qua khó khăn.

Nguyễn Thị Thanh Vinh kể cách đây ít lâu, thầy giáo của bạn có đọc báo, thấy có chương trình học bổng “Tiếp sức đến trường” nên thông báo cho cả lớp và bạn đã nộp đơn đăng ký.

“Thời gian học còn rất dài, mình sẽ nỗ lực để không phải bỏ học một lần nữa. Mình sẽ theo ngành này vì rất thích công việc đặt tour, giới thiệu cho người khác biết đến những điểm du lịch đẹp, những công trình văn hóa, lịch sử. Mình cũng thích làm hướng dẫn viên du lịch, được đi đây đi đó” - Vinh nói về dự định của mình.

Trao 81 học bổng “Tiếp sức đến trường”

Hôm nay 16-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn và Sở GD-ĐT hai tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và Quỹ khuyến học khuyến tài tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” dành cho 81 tân sinh viên vượt khó hai tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận.

Mỗi suất học bổng trị giá 7 triệu đồng, tổng kinh phí dành cho học bổng 567 triệu đồng do Công ty TNHH nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa, Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Khánh Hòa, Công ty Chế biến lâm thủy sản Khánh Hòa, Công ty cổ phần Vinpearl, Tổng công ty Khánh Việt và bạn đọc báo Tuổi Trẻ đóng góp, tài trợ.

T.B.

TRUNG TÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp