Sách do Phương Nam và NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: N.K.P. |
Có lẽ đây cũng là “cảm hứng” chủ đạo của đa số độc giả khi đọc Sống thời bao cấp - tác phẩm vừa ra lò của nhà thơ Ngô Minh.
Trong lời “Tựa”, tác giả tâm sự: “Tôi viết cuốn tự truyện này để nhắc lại với bạn bè, người thân... cái thời thật đáng ghét - thật đáng thương, thật đáng quên - thật đáng nhớ, giữa ngổn ngang những bi hài cay cực là những tấm lòng “sống để yêu nhau”...”.
Tuy vậy, bìa cuốn sách lại ghi là “Ký”. Quả là cuốn sách gần như có hai phần: tự truyện một quãng đời của Ngô Minh và ghi chép những chuyện bi hài thời bao cấp mà tác giả đã chứng kiến hoặc nghe nhiều người kể lại.
30 năm qua, chuyện bi hài thời bao cấp đã được tái hiện qua nhiều loại hình (báo chí, tác phẩm văn học, phim ảnh, triển lãm) nên không còn “lạ lùng” nữa, nhưng với thế mạnh là một nhà báo xông xáo trưởng thành từ ngành “thương nghiệp xã hội chủ nghĩa”, lại quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ tên tuổi, nên cuốn sách của Ngô Minh là một tập hợp phong phú về những chuyện “lạ” đó.
Từ chuyện xếp hàng hứng nước, mua rau, đi vệ sinh, rồi cảnh chen chúc tàu xe đến “tè” ra cả quần...
Xếp hàng thời bao cấp - Ảnh: Nhà ngoại giao Anh John Ramsden |
“Vui” hơn là cảnh nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ngồi tỉ mẩn thu các tem gạo của hội viên từ Quảng Bình, Quảng Trị vô Huế dự Đại hội Văn nghệ Bình Trị Thiên, hay như chuyện nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường, hồi mới ở vùng giải phóng Quảng Trị ra, xếp hàng mua bánh mì chán chê, đến lượt, cô bán hàng hỏi “tem đâu?”, nhà văn ngớ ra, rồi loay hoay đưa cái... tem gửi thư, cô bán hàng cười như nắc nẻ, bảo “không có tem, mời bố tránh mau ra cho người khác mua” và “Hoàng Phủ tiu nghỉu lủi mất”...
Nói cho công bằng, là người trong “nghề”, tác giả cũng thông cảm với những khó nhọc ít ai hình dung được của nghề “thương nghiệp quốc doanh” thời đó.
Như có nhân viên bán hàng về, tem phiếu li ti chưa kịp xếp dán lại để “cân đối” hàng hóa thì con nghịch quạt tung tóe hết, vất vả mấy cũng phải tìm gom lại cho đủ.
Mặt khác, tác giả cũng tự thú có lúc “đã hăng hái tham gia sự điên rồ duy ý thời bao cấp đó một cách u mê, tự nguyện” do đã theo lệnh một giám đốc viết cuốn sách ca tụng “cây thuốc lá” phát cho cả ngàn hộ ở Thừa Thiên - Huế để rồi sau hai năm thua lỗ, nhà máy phải đóng cửa!...
Chính vì thế mà dòng kết cuốn sách, Ngô Minh viết: “Tôi mong mỏi đất nước tôi không bao giờ trở lại chế độ quan liêu bao cấp ấy nữa”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận