Rahaf Mohammed al-Qunun được chào đón ở sân bay Toronto của Canada ngày 12-1 - Ảnh: Reuters
Qunun giờ đã đặt chân đến Canada - cách những người bị cô tố rằng sẽ giết cô nếu không làm theo ý họ, hơn 10.000km. Hành trình trốn chạy của Qunun có lẽ đã kết thúc trong sự im lặng nếu truyền thông không vào cuộc ngăn cản chính quyền Thái Lan trục xuất cô về nước.
Vụ việc đã tạo ra cuộc tranh luận hiếm hoi khi một số người trẻ Saudi Arabia, bao gồm cả nam giới, đã khẩn khoản yêu cầu chính quyền Riyadh phá bỏ hệ thống giám hộ hà khắc.
Quan niệm cho rằng mong muốn từ khi sinh ra của người phụ nữ là trở thành bà nội trợ đang làm tê liệt sự phát triển của xã hội chúng ta.
Ahmad Nasser al-Shathri, một công dân nam Saudi Arabia, viết trên Twitter
Lời kêu cứu từ Twitter
"Tôi là cô gái đã trốn từ Kuwait đến Thái Lan. Cuộc sống của tôi đang gặp nguy hiểm thực sự nếu tôi bị buộc phải quay lại Saudi Arabia" - Qunun viết trên mạng xã hội Twitter bằng tiếng Ả Rập 48 tiếng trước khi bị trục xuất. Qunun trốn khỏi gia đình khi cả nhà đi nghỉ ở Kuwait rồi bay đến Thái Lan và mong được xin tị nạn ở Úc.
"Khi tôi rời khỏi máy bay, một nhân viên sân bay đã thu hộ chiếu của tôi với lý do sẽ giúp tôi làm thị thực. Người này sau đó quay trở lại cùng an ninh sân bay và thông báo cha mẹ của tôi không cho phép điều đó và tôi sẽ phải quay trở lại Saudi Arabia trên chuyến bay của Kuwait Airways" - Qunun kể.
Cô gái trẻ bị giam lỏng ở một khách sạn dành riêng cho những người chờ nối chuyến bay ở Bangkok. Bằng tất cả sự may mắn, lời kêu cứu bằng tiếng mẹ đẻ của cô đã nhận được phản hồi từ thế giới bên ngoài, bắt đầu từ các tổ chức nhân quyền.
"Chính quyền Thái Lan phải ngừng việc trục xuất, cho phép Qunun tiếp tục được bay đến Úc hoặc tị nạn ở Thái Lan" - Michael Page, phó giám đốc khu vực Trung Đông của Tổ chức theo dõi nhân quyền có trụ sở tại Mỹ, nhấn mạnh trong tuyên bố ngày 7-1.
Qunun đã kể nhiều thứ với tờ New York Times, cả việc cô bị nhốt suốt nửa năm trong chính căn nhà của mình chỉ vì đã tự ý cắt kiểu tóc mình thích mà không theo ý của những người đàn ông trong gia đình. "Trở về Saudi Arabia cũng đồng nghĩa chấp nhận án tử đang chờ ở đó" - Qunun khẳng định. Các hãng thông tấn quốc tế như Reuters, AFP vào cuộc ngay sau đó dẫn đến sự can thiệp của Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn (UNHCR).
Cuối cùng, chính quyền Bangkok chấp nhận ngừng trục xuất Qunun nhưng cho biết sẽ không tiếp nhận cô với tư cách người tị nạn. Các chuyên gia đều đồng ý sự vào cuộc nhanh chóng của truyền thông đã cứu cô gái trẻ, theo AFP.
Nhưng nước Úc, quốc gia mà cô mong đến, lưỡng lự trong việc tiếp nhận cô, Canada - quốc gia mà Qunun chưa bao giờ nghĩ tới - đã chìa tay ra giúp đỡ. "Chúng tôi rất sẵn lòng tiếp nhận Qunun theo yêu cầu của UNHCR" - Thủ tướng Canada Justin Trudeau tuyên bố ngày 11-1. Trong vòng 24 tiếng sau đó, Qunun đã đặt chân xuống Toronto trong sự thở phào nhẹ nhõm của nhiều người.
Giọt nước tràn ly
Cuộc trốn chạy của Qunun như giội gáo nước lạnh vào chính quyền Riyadh đang nằm dưới sự điều hành thực tế của thái tử Mohammed bin Salman. Kể từ khi lên nắm quyền, vị thái tử 34 tuổi đã tiến hành một loạt cải cách đem lại nhiều tự do hơn cho phụ nữ.
Chúng bao gồm bãi bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe duy nhất trên thế giới, cho phép phụ nữ tham gia các trận bóng đá cùng với nam giới và đảm nhận những công việc từng nằm ngoài giới hạn hẹp những gì họ có thể làm.
Trong những tháng gần đây, truyền thông Saudi bị thống trị bởi các tin tức về nữ bếp trưởng đầu tiên, nữ MC đầu tiên và thậm chí là nữ tay đua đầu tiên. Lần đầu tiên, phụ nữ được nhìn thấy bên cạnh đàn ông trong các buổi hòa nhạc và các cuộc gặp mặt ở những nơi công cộng mà không cần kiêng dè đến cảnh sát tôn giáo.
Nhưng trong khi làm thay đổi cuộc sống của nhiều phụ nữ, động lực của cuộc cải cách sẽ vẫn bị xem là nỗ lực làm đẹp mặt cho một số thành phần trong xã hội Saudi Arabia cho đến khi nào vương quốc bãi bỏ một hệ thống trao cho đàn ông quyền lực độc đoán đối với người thân khác giới của họ, các nhà phê bình nhận xét.
"Các cải cách xã hội ở Saudi Arabia rất thực tế và chúng sẽ cải thiện cuộc sống hằng ngày của người phụ nữ. Nhưng hệ thống giám hộ vẫn đàn áp và cản trở quyền đi lại của họ" - giáo sư Bessma Momani tại Đại học Waterloo (Canada) nói với AFP.
Hệ thống giám hộ gây tranh cãi ở Saudi Arabia
Hệ thống giám hộ của Saudi Arabia đã bị chỉ trích là phân biệt giới tính. Theo đó, phụ nữ Saudi Arabia sẽ chỉ được tự do trong khoảng không gian được tạo ra bởi "những người bảo vệ". Họ là những người đàn ông xung quanh người phụ nữ đó, từ chồng, cha đến anh trai. Họ có quyền quyết định phụ nữ có thể đi học hay không, kết hôn hay độc thân và thậm chí cả việc gia hạn hộ chiếu.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận