14/09/2023 10:28 GMT+7

Cuộc trở về của cuốn nhật ký chiến trường

Cựu binh Nguyễn Văn Thiện (Tiền Hải, Thái Bình) vui mừng khôn xiết khi nhận lại cuốn nhật ký chiến trường thất lạc gần 60 năm từ Bộ Quốc phòng Mỹ, nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Ông Nguyễn Văn Thiện và cuốn nhật ký chiến trường bị thất lạc gần 60 năm - Ảnh: T.ĐIỂU

Ông Nguyễn Văn Thiện và cuốn nhật ký chiến trường bị thất lạc gần 60 năm - Ảnh: T.ĐIỂU

Cầm cuốn nhật ký trong tay, ông Nguyễn Văn Thiện vẫn chưa tin nổi cuộc hạnh ngộ với kỷ vật thân yêu mà ông từng tin chắc là đã thất lạc. Gần 60 năm, bao nhiêu bom đạn, bể dâu. Cuốn nhật ký không có chút thông tin về tên tuổi, địa chỉ của người viết, nhưng điều kỳ diệu luôn có quanh ta, nhờ những tấm lòng.

Gần một năm trước, ông Thiện nhận được những cuộc điện thoại từ trong nước và từ Mỹ. Người ta hỏi ông về một cuốn nhật ký chiến trường đang được lưu trữ ở Mỹ, rằng ông có phải là chủ nhân của nó.

Rất nhanh chóng, ông nhận ra đó chính là cuốn nhật ký mình đánh mất trong trận càn quy mô, ác liệt mang tên Junction City (thường được phiên âm tiếng Việt là Gian-xơn Xi-ty) hồi đầu năm 1967.

Từ trang viết tiếc thương đồng đội

Trong ngôi nhà của con gái ở Hà Nội, ông Nguyễn Văn Thiện lật giở những trang nhật ký của một thời tuổi trẻ hiến mình cho lý tưởng của dân tộc. Những ký ức của một thời chiến trận ác liệt nhưng đầy nghĩa tình đồng đội lại ùa về trong ông.

Ông Thiện là con trai duy nhất của liệt sĩ chống Pháp, thuộc diện được miễn đi bộ đội. Nhưng năm 1965 chiến tranh leo thang, người thanh niên 17 tuổi ấy đã nhiều lần viết tâm thư bằng máu xin đi bộ đội cho tới lúc được chấp nhận.

Sau vài tháng huấn luyện, tiểu đoàn phòng không 56 thuộc Trung đoàn pháo binh 69 của ông Thiện gồm 443 người đều là người Thái Bình ngày đêm hành quân vào tiếp lửa cho miền Nam.

Nhìn những anh dũng, quả cảm trên chiến trường và cả những đau thương mất mát, anh lính trẻ nghĩ cần phải ghi chép lại những ngày tháng đẹp nhất của tuổi trẻ khi mình cùng đồng đội hiến dâng cho Tổ quốc.

Người lính trẻ bắt đầu ghi nhật ký ngay trên đường hành quân vào Nam. Ngày đi đêm nghỉ, rỗi là ông lại viết. Sau mỗi trận đánh, thấy mình còn sống là ông ghi vội vài dòng, ghi giữa những trận B52 tàn bạo. Có khi ông chỉ kịp viết vài chữ lại lao vào cuộc sinh tử.

Ông Nguyễn Văn Thiện kể khi tìm lại được cuốn nhật ký, một giáo sư người Mỹ đã bày tỏ với ông sự xúc động bởi giữa vô vàn gian khổ, hy sinh trong lòng cuộc chiến ác liệt, nhưng trong cuốn nhật ký ấy tịnh không một lời nào dao động, bi quan.

Nhưng ông Thiện đã mất cuốn nhật ký trong trận càn ác liệt Junction City. Lúc ấy ông cảm thấy như vừa mất đi những ký ức đẹp đẽ và sâu sắc nhất trong tuổi trẻ sôi nổi của mình. Ông chắc chắn rằng đã mất nó mãi mãi.

Dẫu cuốn nhật ký chưa bị tiêu hủy, vẫn còn ở đâu đó trên mặt đất này thì nó cũng không thể nào tìm được đường về với chủ nhân, bởi quy định giữ bí mật trong chiến tranh, quyển nhật ký không được phép để lại thông tin cá nhân, tên tuổi, quê quán, đơn vị.

Vì vậy, khi nhóm những nhà nghiên cứu người Việt đang tham gia dự án Những di sản chiến tranh Việt Nam chưa được khám phá: tìm kiếm, lưu trữ và chia sẻ những thông tin mất tích và kỷ vật lịch sử cá nhân của tử sĩ Việt Nam (sau đây gọi tắt là dự án Những di sản chiến tranh Việt Nam) tại Đại học Harvard tìm được cuốn nhật ký này, họ tưởng rằng không có cách nào tìm được chủ nhân của nó.

Cuốn nhật ký được làm lại, bọc bìa da trang trọng đựng trong hộp da để trao lại cho chủ nhân - Ảnh: T.ĐIỂU

Cuốn nhật ký được làm lại, bọc bìa da trang trọng đựng trong hộp da để trao lại cho chủ nhân - Ảnh: T.ĐIỂU

Tìm thấy hy vọng từ cuốn nhật ký chiến trường

Nhưng rồi một tia hy vọng mở ra từ một trang nhật ký khóc thương đồng đội vừa hy sinh.

Đầu năm 1965, trên đường hành quân vào Nam, tới Kon Tum, đơn vị của ông Thiện tạm dừng chân. Một số người được phân công đi lấy gạo về cho đơn vị. Trong số đó, có ông Nguyễn Văn Xuân là đồng đội cùng quê Tiền Hải, là anh kết nghĩa với ông Thiện.

Ông Xuân không may bị sốt rét ác tính trên đường đi lấy gạo, biết không thể qua khỏi nên đã nhờ đồng đội mang giùm ông bốn kỷ vật, trong đó có chiếc đồng hồ đeo tay, về giao lại cho ông Thiện. Ba kỷ vật giao cho ông Thiện dùng, còn chiếc đồng hồ thì ông Xuân dặn nếu còn sống hãy mang về cho người vợ ở quê nhà như một kỷ vật thay người ở lại.

Nhận di vật cùng những lời dặn dò và tin buồn của đồng đội, chàng lính trẻ Nguyễn Văn Thiện lúc ấy rất đau buồn. Đó là người đầu tiên trong tiểu đoàn hy sinh, nên ông Thiện càng khó kìm lòng trước mất mát.

Ông đã ghi lại ngày đó vào trang nhật ký: "Ngày 13-2, tức ngày 24-1 âm lịch. Một ngày đau khổ nhất, vì rằng một người anh, người đồng chí của tôi hy sinh trên bước đường công tác. Anh Nguyễn Văn Xuân, thôn Đông Quách, xã Nam Hà, Tiền Hải, Thái Bình".

Quá xúc động trước sự ra đi của người anh, người đồng đội, ông Thiện đã quên mất nguyên tắc phải giữ bí mật trong cuốn nhật ký. Ông đã ghi rõ tên tuổi, địa chỉ của người đồng đội vừa hy sinh.

TS Nguyễn Hải - giám đốc dự án Những di sản chiến tranh Việt Nam - chia sẻ cũng nhờ trang nhật ký tiếc thương đồng đội này mà nhóm nghiên cứu tìm thấy hy vọng. Họ tìm về gia đình liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân với mong muốn lần ra được chủ nhân cuốn nhật ký trong số các đồng đội của ông Xuân.

Con gái ông Xuân đoán rằng chủ nhân cuốn nhật ký không ai khác chính là ông Nguyễn Văn Thiện cũng ở huyện Tiền Hải. Năm 1972, ông Thiện đã ra Bắc dưỡng thương và lặn lội mang chiếc đồng hồ kỷ vật của cha bà về trao lại cho gia đình. Bao năm qua, mẹ bà đặt chiếc đồng hồ lên bàn thờ chồng.

Sau nhiều bước xác minh, nhóm nghiên cứu đã xác thực ông Nguyễn Văn Thiện chính là chủ nhân của cuốn nhật ký có số phận ly kỳ. Cũng nhờ cuốn nhật ký được tìm thấy, vào tháng 12-2022, ông Thiện cùng hai người con của liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân đã lặn lội về lại chiến trường xưa để tìm mộ của ông.

Chưa tìm được đồng đội, ông Thiện tự nhủ sẽ tiếp tục có những nghĩa cử với người đã hy sinh cho Tổ quốc.

Trang viết đau buồn về người đồng đội vừa hy sinh - căn cứ duy nhất để cuốn nhật ký tìm về với chủ nhân - Ảnh: T.ĐIỂU

Trang viết đau buồn về người đồng đội vừa hy sinh - căn cứ duy nhất để cuốn nhật ký tìm về với chủ nhân - Ảnh: T.ĐIỂU

Công nhận liệt sĩ sau hơn nửa thế kỷ

Trong số những tài liệu, hiện vật được Bộ Quốc phòng Mỹ trao cho phía Việt Nam mấy ngày trước trong chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa qua, ngoài cuốn nhật ký của ông Nguyễn Văn Thiện còn có một báo cáo rất có ý nghĩa đối với công tác đền ơn đáp nghĩa, thực hiện chế độ chính sách các liệt sĩ, tìm kiếm hài cốt liệt sĩ.

Đó là báo cáo nghiên cứu của Đại học Harvard do nhóm nghiên cứu của TS Nguyễn Hải thực hiện, về 563 liệt sĩ của Trung đoàn 273 Sư đoàn 9, với các thông tin về tên tuổi, quê quán, hoàn cảnh hy sinh, ngày tháng hy sinh, nơi chôn cất...

TS Nguyễn Hải cho biết đây là những thông tin thực chứng rất có ý nghĩa cho các cơ quan Việt Nam trong quá trình tìm kiếm hài cốt liệt sĩ, lập hồ sơ liệt sĩ. Thậm chí trong một số trường hợp, nó cung cấp căn cứ để giải quyết chế độ chính sách cho những người vì hoàn cảnh chiến tranh bị thất lạc giấy tờ, chưa được công nhận là liệt sĩ.

Chẳng hạn liệt sĩ Đặng Thành Tuấn ở Ân Đức, Hoài Ân, Bình Định được công nhận liệt sĩ cuối năm 2022 sau hơn 50 năm "vô hình".

Ông Tuấn là học sinh miền Nam học tập trên đất Bắc. Từ năm 1964, ông đã nhiều lần viết quyết tâm thư bằng máu để xin vào Nam chiến đấu và cuối cùng cũng được chấp nhận nhập ngũ vào giữa năm 1965. Đầu năm 1966, ông Tuấn theo đơn vị vào Nam. Đó là những thông tin cuối cùng về ông mà gia đình nhận được.

Sau 1975, gia đình không nhận giấy báo tử nhưng cũng không thấy ông Tuấn trở về. Trong gần nửa thế kỷ, gia đình của ông Tuấn làm đơn đi nhiều nơi để hỏi về thân nhân của mình nhưng đều được trả lời là không có thông tin về trường hợp hy sinh của quân nhân Đặng Thành Tuấn.

Nhờ may mắn và sự hỗ trợ từ nhiều người, gia đình đã tìm được những tài liệu do quân đội Mỹ thu giữ trong chiến tranh Việt Nam được đăng tải trên Internet. Đó là danh sách liệt sĩ, các giấy báo tử do quân đội Mỹ thu từ bộ đội Việt Nam trong trận càn Junction City, trong đó có tên liệt sĩ Đặng Thành Tuấn.

Gia đình cũng tìm thêm được các thông tin, nhân chứng từ phía Việt Nam, nhưng vẫn chưa đủ cơ sở để cơ quan chức năng làm hồ sơ liệt sĩ cho ông Tuấn bởi những giấy tờ kia cần phải được xác thực.

Đầu năm 2020, gia đình ông Tuấn có đơn gửi tới Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội đề nghị giúp đỡ kiểm tra thông tin từ các văn bản mà gia đình tìm kiếm được kể trên. Nhóm nghiên cứu người Việt do TS Nguyễn Hải dẫn dắt đã phối kiểm từ nhiều nguồn để có báo cáo xác thực về trường hợp hy sinh của liệt sĩ Đặng Thành Tuấn, qua Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam xác nhận cho gia đình.

Những tài liệu này đã được gia đình liệt sĩ Đặng Thành Tuấn gửi tới Ban chính sách, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Bình Định.

Ngày 8-9-2022, Thủ tướng Chính phủ ký quyết định về việc cấp bằng Tổ quốc ghi công cho liệt sĩ Đặng Thành Tuấn và tám liệt sĩ khác quê ở Hà Nội và Hải Dương, cởi bỏ tâm tư trĩu nặng hơn nửa thế kỷ cho gia đình liệt sĩ đã từng viết quyết tâm thư bằng máu xin ra trận.

"Chúng tôi không bỏ sót bất cứ mảnh giấy nào, vì chúng tôi hiểu đằng sau một mảnh giấy ấy có thể là số phận của một người lính, thậm chí là của cả một gia đình. Làm công việc này khó khăn, gian nan đêm ngày không kể xiết, mà nếu không phải là những người Việt muốn làm gì đó cho đất nước mình, cho những người đã ngã xuống thì khó mà theo được", ông Nguyễn Hải chia sẻ.

TS Nguyễn Hải cho biết dự án Những di sản chiến tranh Việt Nam với việc tìm kiếm, lưu trữ và chia sẻ những thông tin mất tích và kỷ vật lịch sử cá nhân của tử sĩ Việt Nam là một nỗ lực nghiên cứu đầu tiên và có hệ thống các nguồn tài liệu đa dạng được lưu trữ tại các thư khố khác nhau ở Mỹ và Việt Nam, nhằm hỗ trợ việc tìm kiếm và xác định danh tính tử sĩ của Việt Nam.

Dự án được thực hiện bởi Sáng kiến tìm kiếm người Việt Nam mất tích trong chiến tranh đã được ký kết trong biên bản ghi nhớ giữa Ban chỉ huy 515 thuộc Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Mỹ, được ký vào tháng 7-2021.

Bộ sách ‘Nhật ký thời chiến Việt Nam’: Nối dài sức sống mãi mãi tuổi 20Bộ sách ‘Nhật ký thời chiến Việt Nam’: Nối dài sức sống mãi mãi tuổi 20

TTO - Ngày 5-7, tại đường sách Nguyễn Văn Bình, Q.1, TP.HCM, lần đầu tiên các cựu chiến binh của quỹ Mãi mãi tuổi 20 phối hợp cùng các đơn vị tổ chức buổi gặp mặt các tác giả và nhân chứng lịch sử của bộ sách ‘Nhật ký thời chiến Việt Nam’.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp