12/08/2023 13:00 GMT+7

Cuộc trò chuyện với tác giả nhiều giáo trình về kỹ năng cho học sinh

"Các thông tin, kiến thức sẽ liên tục thay đổi theo thời gian. Một lý thuyết đúng hôm nay có thể sai ngày hôm sau. Nhưng các kỹ năng gần như không".

TS Lance G.King trong một giờ dạy - Ảnh: BISS

TS Lance G.King trong một giờ dạy - Ảnh: BISS

Đó là nhận định của TS Lance G.King (người New Zealand) - tác giả của nhiều đầu sách, giáo trình về kỹ năng cho học sinh. Trao đổi với Tuổi Trẻ, TS Lance G.King nêu quan điểm về nhiều kỹ năng thiết yếu cho học sinh trong thời đại mới.

Thay vì lên kế hoạch cho con, hãy để con tự sắp xếp thời gian. Thay vì ra quyết định cho con, hãy cho chúng tham gia quyết định. Thay vì bao bọc con trước thế giới, hãy đưa con vào thế giới. Như thế, con sẽ biết tự tìm động lực và sức mạnh cho chính mình.

TS Lance G.King

Đối mặt tích cực trước thất bại

TS Lance G.King

TS Lance G.King

* Giảng dạy kỹ năng cho học sinh có khác gì với dạy kiến thức trong các môn học phổ thông, thưa ông?

- Các thông tin, kiến thức sẽ liên tục thay đổi theo thời gian. Một lý thuyết đúng hôm nay có thể sai ngày hôm sau. Nhưng các kỹ năng gần như không. 

Cách xây dựng kỹ năng tự học, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng tư duy sáng tạo... cho người học hiện tại thường tương đồng với 10 năm, 20 năm trước.

Các kỹ năng không bị rào cản biên giới, giới hạn. Những môn học như toán, khoa học, văn học, lịch sử... đôi khi không có sự đồng nhất do mỗi nước sẽ đặc thù riêng. 

Các kỹ năng thì như nhau ở mọi nơi. Kỹ năng khai thác thông tin, kỹ năng xác định mục tiêu, kỹ năng giữ tập trung... tất cả gần như đều có thể sử dụng ở mọi nơi. Vì thế, những quyển sách kỹ năng có thể dễ được dịch ra nhiều ngôn ngữ.

Tuy nhiên cần nhấn mạnh, dù một mặt các kỹ năng không thay đổi nhưng mặt khác sẽ luôn xuất hiện những kỹ năng mới. 20 năm trước, giới trẻ chắc chắn sẽ không biết các kỹ năng học tập trên môi trường số. Các bạn cũng không biết cách giao tiếp trên mạng xã hội. Hay mới đây nhất là ChatGPT, nhiều bạn trẻ ngày nay đang tận dụng sức mạnh của nền tảng này cho học tập.

* Với ông, đâu là những kỹ năng quan trọng nhất cho học sinh?

- Trong các quyển sách kỹ năng dành cho học sinh mà tôi từng viết, tôi từng đề cập đến 14 nhóm kỹ năng. Mỗi nhóm lại bao gồm từ 10 - 20 kỹ năng cụ thể. Mỗi kỹ năng đều có vai trò riêng trong sự phát triển của học sinh.

Cái nào quan trọng nhất? Thật khó nói. Nhưng tôi nghĩ với học sinh trong nhà trường, đó là kỹ năng đương đầu thất bại. Một bạn trẻ không đạt được kết quả tốt ở trường sẽ phản ứng thế nào? Có bạn đổ lỗi cho thầy cô, có bạn nói tại sách vở, cũng có bạn không thôi trách bản thân. Một số bạn còn suy sụp, một số cau có, giận dữ; số khác lại né tránh, không muốn nhắc tới...

Tôi cho rằng nếu ứng xử như trên, học sinh sẽ không học thêm được gì. Đối diện với thất bại là cách để bạn trưởng thành. Nếu là một bài kiểm tra, hãy tự mình làm lại để biết mình sai ở đâu, liệu mình có thể cải thiện gì? Nếu là một cuộc thi, hãy chiêm nghiệm xem bạn mắc lỗi ở khâu nào và rút ra được bài học nào? Biết cách đương đầu với những thất bại dù là nhỏ nhất trong học tập cũng sẽ giúp các bạn có một tâm thế vững vàng hơn khi bước vào cuộc sống.

Một kỹ năng quan trọng khác tôi nghĩ học sinh nên rèn luyện là cách suy nghĩ đa chiều. Ngày nay, các bạn không khó tiếp cận với kiến thức, thông tin. Chỉ cần tra Internet, bạn đã thu được những kiến thức bạn cần. Nhưng từ những kiến thức ấy, bạn cần trả lời được những vấn đề sâu sắc hơn, mang tính tổng hợp hơn: Vì sao? Như thế nào? Bằng cách nào? Điều này đòi hỏi bạn không chỉ tiếp nhận kiến thức mà cần tự mình liên tục đặt ra những câu hỏi phản biện và đi tìm câu trả lời.

Phụ huynh làm mọi thứ thay con

* Cơ duyên nào đưa ông đến hành trình viết sách kỹ năng cho học sinh?

- Tôi đi dạy 38 năm qua. Năm 2004, tôi viết quyển sách đầu tiên cũng về chuyện giúp học sinh tự tin trong các kỳ thi. Tôi bắt đầu viết sách vì mong có thể tiếp cận với nhiều học sinh hơn thay vì chỉ trong các buổi hội thảo. Tôi nghĩ chuyện rèn luyện kỹ năng không phải chỉ từ nhà trường, mà còn từ phía gia đình. 

Vậy nên, tôi xuất bản những quyển sách tiếp theo, chú trọng vào việc cha mẹ nên cùng con xây dựng những kỹ năng ấy ra sao. Đến năm 2014, tôi có cơ hội được cộng tác với tổ chức Tú tài quốc tế IB viết quyển giáo trình "Phương pháp tiếp cận các kỹ năng học tập" (ATL Skills) hiện vẫn đang được giảng dạy trong chương trình IB ở nhiều quốc gia.

Hiện tôi đang kết hợp với một nhóm chuyên gia giáo dục và dịch giả để biên soạn các quyển sách về kỹ năng phát hành tại Việt Nam. Quyển sách đầu tiên được xuất bản trong tháng 7 vừa qua với tựa "Cha mẹ học để con xuất sắc". 

Quyển sách thứ hai dự kiến cũng được xuất bản trong năm nay, tôi dành cho các thầy cô giáo xoay quanh các kỹ năng thế kỷ 21. Hai quyển sách còn lại tôi sẽ dành cho các học sinh để hướng dẫn các học sinh Việt Nam tự rèn luyện những kỹ năng.

* Có thể chia các đầu sách của ông dành cho ba đối tượng: học sinh, phụ huynh và thầy cô giáo. Đâu là đối tượng ông muốn nhấn mạnh nhất?

- Đó là phụ huynh. Phụ huynh sẽ định hướng mọi thứ. Phụ huynh là người mà con cái tiếp xúc đầu tiên, cho con cái những kỹ năng đầu tiên. Nếu phụ huynh nhận thức được kỹ năng là quan trọng và bản thân hoàn toàn có thể tự dạy con các kỹ năng này, họ sẽ chú trọng đồng hành cùng con hơn thay vì bắt ép con chạy theo điểm số hay các giờ học thêm.

* Ông có nhận xét gì về các phụ huynh Việt Nam, cách mà họ chăm sóc con cái?

- Nhiều phụ huynh đang làm mọi thứ cho con. Mỗi ngày, tôi thấy không ít phụ huynh phải kêu con dậy, đưa đến trường, rước về nhà, chở đi học thêm, bắt con luyện thêm thể thao, nghệ thuật và sắp xếp lịch sinh hoạt mỗi ngày cho chúng... Nhiều bậc cha mẹ nghĩ rằng làm mọi thứ cho con là tốt. Kết quả, các con không biết tự làm cho mình.

TS Lance G.King đã làm việc tại hơn 300 trường học ở 37 quốc gia. Ông là cha đẻ của chương trình "Nghệ thuật học tập", giảng dạy cho hơn 250.000 học sinh trên toàn thế giới và là diễn giả thường dạy các kỹ năng thế kỷ 21.

Ông thiết kế nội dung "Phương pháp tiếp cận học tập" (ATL Skills) cho chương trình Tú tài quốc tế (IB) đang được triển khai tại hơn 5.000 trường IB ở 160 quốc gia. Hiện ông đang sinh sống tại New Zealand nhưng thường tham gia các hoạt động giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Học sinh tiểu học tại TP.HCM trong giờ đọc sách. Kỹ năng đọc hiện đang được nhiều trường học tại TP.HCM chú trọng xây dựng cho học sinh  - Ảnh: NHƯ HÙNG

Học sinh tiểu học tại TP.HCM trong giờ đọc sách. Kỹ năng đọc hiện đang được nhiều trường học tại TP.HCM chú trọng xây dựng cho học sinh - Ảnh: NHƯ HÙNG

Đổi mới từ những việc nhỏ nhất

Dù bị bao vây bởi nhiều áp lực, tôi nghĩ giáo viên vẫn có thể làm cách mạng trong việc dạy học của chính mình. Nguyên tắc cho cuộc cách mạng ấy thật đơn giản: Nếu thầy cô lâu nay cứ dạy bằng một cách, hãy thử một cách khác. Chẳng hạn, cách dạy phổ biến là giáo viên lên lớp nói thao thao bất tuyệt ngày này qua tháng nọ. Như thế không chỉ học sinh chán mà đôi khi chính người dạy cũng chán.

Nhưng chỉ cần thử một cách mới, mọi chuyện sẽ khác. Có thể là một buổi đối thoại giữa thầy và trò, một cuộc tranh luận giữa các nhóm học sinh, một tiết đọc sách, một buổi xem video, một giờ thực hành, một dự án... Chọn cách nào cũng được. Sự đổi mới đôi khi đến từ những việc nhỏ nhất.

TS Lance G.King

60% thanh niên có thể thiếu kỹ năng cho kinh tế xanh vào năm 203060% thanh niên có thể thiếu kỹ năng cho kinh tế xanh vào năm 2030

Việc giáo dục kỹ năng xanh cho thanh niên Việt Nam là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi và xây dựng kinh tế xanh, hướng tới mục tiêu net zero vào năm 2050.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp