Cha tôi một mình xây hầm tránh bão
Để xây dựng ngôi nhà này, cha tôi đã tỉ mẩn đúc từng viên "táplô bêtông" rất cứng để xây phần móng, tường xây bằng gạch ống, nền tráng bằng ximăng bóng láng, sườn bằng gỗ chò chỉ và mái lợp ngói ximăng.
Ấy thế mà hơn 30 năm qua, mái ngói ximăng vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, chưa thấy hư hỏng hay thấm nước gì. Cha tôi nói cũng nhờ ngói đúc bằng ximăng có chất lượng tốt mua ở đại lý uy tín nên mới bền và chắc.
Ngôi nhà có 3 gian, chính giữa là nơi thờ ông bà, gian bên phải là phòng ngủ, bên trái là phòng khách và cha tôi xây thêm phòng ăn khá rộng nằm bên phòng khách.
Cứ mỗi dịp tết hay nhà có giỗ chạp, con cháu về khá đông nhưng vẫn thấy rộng rãi, thoải mái.
Nhà tôi tuy không sang trọng nhưng có hoa nở 4 mùa, cảnh quan khá đẹp
Phòng khách tuy không rộng nhưng rất ấm cúng
Ngoài sân cha xây những bậc tam cấp để những chậu hoa, cây cảnh bốn mùa hoa nở khá đẹp. Lại thêm bộ bàn ghế giả gỗ cùng con trâu đúc bằng ximăng đang gặm cỏ trông rất ngộ nghĩnh và hài hòa với "giả sơn bể cạn" tạo khung cảnh nên thơ.
Mỗi lần con cháu chúng tôi về thăm nhà đều ngồi nơi đây uống nước, chuyện trò, cưỡi trâu, thư giãn, checkin…
Khu vườn nhà tôi cũng trồng nhiều cây ăn trái như mít, bơ, xoài, chanh, chuối, ổi, thơm...
"Mùa nào quả đó", mỗi lần về nhà chúng tôi tha hồ trèo, hái thưởng thức những lát thơm, lát xoài ngọt lịm; những múi mít hay quả chuối sanh tiêu thơm nức mũi và cả những khóm mít, quả khế chấm muối ớt chát chát, chua chua…
Con cháu về thường thích tụ tập, chuyện trò ở bàn ximăng giả gỗ ngoài sân
Và cưỡi "trâu bêtông cốt sắt" cũng rất thú vị
Đặc biệt, cha tôi một mình xây căn hầm tránh bão khá rộng và đồ sộ để gia đình và hàng xóm tránh bão.
Cha nói căn hầm xây toàn bằng "đá núi", loại đá "sống", đá cuội, rất cứng và bền như vĩnh cửu.
Căn hầm đang thành hình, nhìn giống như cái lô cốt hay boongke chống bom có chiều dài 8m, rộng 4m, cao 2,5m, tường dày 0,5m, trên trần tạm thời lợp tôn vì thiếu kinh phí. Ông nói vài năm sau sẽ đổ bêtông cốt thép dày 15cm.
Nếu xây xong mất cũng khoảng 30 khối đá sống, đá cuội, 5 tấn ximăng, chưa kể cát, sắt thép và hàng trăm ngày công.
Cha tôi đã tích cóp "đá núi" cách đây hơn 15 năm, kể từ cơn bão dữ Xangsane 2006. Lúc "nghề nhàn" ông lại lặn lội vào núi, đồi, khe, suối… để mang đá, cát, sỏi… về nhà. Cõng, gùi, vác, gánh… cứ như thế ròng rã 15 năm trời.
Cách đây mấy năm, khi tạm đủ nguyên liệu, ông bắt đầu thiết kế, đo đạc và tự xây căn hầm tránh bão sau nhà.
Cha một mình xây hầm, làm bất kể thời gian lúc rảnh. Tính chi li, dự trù số chi phí ngót nghét gần 100 triệu đồng. Và không biết căn hầm tránh bão này có được "liệt" vào hàng "độc nhất vô nhị" ở Việt Nam không, bởi duy nhất mình cha tự tìm nguyên vật liệu, tự xây, kể cả công đoạn trộn vữa cát và ximăng…
Không biết đây có phải là căn hầm tránh bão "độc nhất vô nhị" không?
Giữa trưa nắng nhưng cha tôi vẫn tranh thủ xây hầm tránh bão
Cha nói tận mắt chứng kiến các cơn bão dữ xảy ra trên địa bàn xã, huyện…, nhất là sự tàn phá khủng khiếp của cơn bão Xangsane 2006 ở xã, nên muốn tích cóp xây hầm tránh bão để mái ấm gia đình thêm phần an yên khi hằng năm nhiều cơn bão tràn về.
Dẫu vất vả, kiên trì tích cóp 15 năm trời để xây hầm tránh bão, và dù căn hầm vẫn còn trong quá trình xây dựng, chưa hoàn thiện nhưng những năm qua mỗi khi có bão, ngoài những người trong gia đình, đây còn là nơi trú ẩn của hàng xóm, láng giềng.
"Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng"
Tôi đã nghĩ tới câu này khi nói về căn hầm tránh bão của cha, và vô cùng trân quý việc ông làm.
Cuộc thi "Nhà tôi - Mái ấm" do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Ximăng INSEE Việt Nam.
Cuộc thi dành cho bạn đọc với những bài viết, hình ảnh chia sẻ về không gian sống, ngôi nhà và ngôi nhà kỷ niệm, ý tưởng về không gian sống, ngôi nhà đẹp, ước mơ về ngôi nhà tương lai…
Mong nhận được nhiều chia sẻ, bài dự thi của bạn đọc trên cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận