Decor trong nhà phảng phất không khí, đường nét kiến trúc xưa
Cái tựa đề nghe như cuộc trò chuyện của kiến trúc và ký ức... Nhưng một ký ức, chủ nhân ngôi nhà muốn nơi chốn đi về của mình mang dáng dấp, hơi hướm kiến trúc Đông Dương. Kiến trúc thì muốn nương nhờ ký ức, lắng nghe hoài niệm để từ đó tìm cho mình một tinh thể, một bản ngã nhẹ nhàng, một không gian gần gũi với thiên nhiên.
Sự tinh tế của ký ức và kiến trúc không hẹn mà gặp nhau ở cái tâm, cái thị hiếu, cái sở nguyện của cả chủ nhà và kiến trúc sư. Cái nhẹ nhàng của ngôn ngữ, đường nét kiến trúc nhẹ nhàng không cầu kỳ đã tình cờ tạo nên cho ngôi nhà vẻ đẹp mang tính khiêm cung, ý nhị.
Tại sao lại nói tình cờ, bởi đó là quá trình tìm kiếm sự rung động trước một không gian, một khoảng không, để tạo nên cái không khí cho ngôi nhà.
Ngôi nhà mang dáng dấp, đường nét kiến trúc Đông Dương
Không gian sinh hoạt chung không rộng, vừa đủ nhưng ấm ấp
Không có nhiều ngôn ngữ và sắc màu từ bên ngoài. Không có nhiều decor cho nội thất bên trong. Thế nhưng từ những góc khuất, từ những không gian dung dị lại gửi gắm nhiều chia sẻ của con người với thiên nhiên, của chủ nhân với những vị khách...
Tất cả mang lại cho ngôi nhà một "nội tâm" nhẹ nhàng và gần gũi khi đưa ra một cái nắm tay kéo vào những góc ngồi bình dị, mộc mạc và cứ thế mà hàn huyên bất tận mãi thôi...
Vốn thích cảm giác tĩnh lặng, khiêm cung nên chủ nhà chọn một khuôn viên đất vừa phải, muốn một không gian ấm cúng nên diện tích cho từng phân khu chức năng chỉ vừa đủ. Tuy nhiên, cái gạch nối cho không gian sinh hoạt phòng khách và phòng bếp là phòng ăn với khoảng terace bên ngoài đã mang lại cảm giác liền lạc giữa các không gian sống, gắn kết thiên nhiên với con người...
Điểm kết nối cần thiết bên hiên nhà
Lối nhỏ
Với mảng tường cây xanh chen lẫn dòng nước từ khe đá, terrace với bộ bàn ghế gỗ giữa hai mảng tường gạch cũ vốn không phải là ngôn ngữ biểu đạt mới nhưng trong một bố cục là khoảng lùi vào của hành lang bên hông nhà là tâm điểm của tầm nhìn từ bếp, phòng ăn, từ cầu thang mang lại điểm kết nối cần thiết để cùng nhìn về cái hiên có nắng trên nền sàn gỗ, có tiếng nước len lỏi rơi trên hồ cá, có một nơi không chỉ để ngồi...
Cái gạch nối thú vị nữa của căn nhà là không gian sinh hoạt chung, không lớn, vừa đủ nhưng ấm ấp và dễ cho cuộc trò chuyện một âm lượng nhẹ nhàng, chậm rãi và nhiều hơn cả những sẻ chia. Thỉnh thoảng cùng coi một bộ phim hay, cùng nghe một bài hát, hay cùng lặng yên bên tách trà trên chiếc bàn gỗ nhỏ, ngả lưng vào sofa nhìn qua ô cửa nhỏ mới hay những tâm hồn đôi khi được kết nối từ những điều như vậy...
Sông Sài Gòn như chậm hơn, trầm hơn khi nhìn từ sân thượng...
Sông Sài Gòn như chậm hơn, trầm hơn khi đưa tầm mắt từ sân thượng nhìn xa xăm. Dường như cuộc sống thường nhật đã có những khoảng lùi cần thiết khi ngồi bên bộ bàn ghế trò chuyện với người thân, với bạn bè rồi thả cho tầm mắt cứ trôi theo những chiếc sà lan chậm rãi đi theo mấy đám lục bình.
Hình như cái điểm kết nối cuối cùng này lại là nơi thanh lọc tâm hồn cho mọi người, một nơi như muốn đưa tay chụp lấy mây, muốn thả lỏng tinh thần như con nước.
Và dường như không có gì quý hơn lúc này khi ta cùng chạm ly ký ức, cùng sẻ chia những câu chuyện lẫn tiếng cười con trẻ trong gió cứ xôn xao...
Cuộc thi "Nhà tôi - Mái ấm" do báo Tuổi Trẻ tổ chức với sự đồng hành của Ximăng INSEE Việt Nam.
Cuộc thi dành cho bạn đọc với những bài viết, hình ảnh chia sẻ về không gian sống, ngôi nhà và ngôi nhà kỷ niệm, ý tưởng về không gian sống, ngôi nhà đẹp, ước mơ về ngôi nhà tương lai…
Mong nhận được nhiều chia sẻ, bài dự thi của bạn đọc trên cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận