Hiện tại, Hoàng Khánh đang kết nối với nhiều nông dân tại địa phương và nhiều tỉnh thành khác để nhân rộng mô hình, cùng đồng hành với nông dân thoát nghèo, khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương
Hoàng Khánh được nhiều người biết đến vào năm 2021 khi anh chia sẻ câu chuyện khởi nghiệp của mình và được nhiều người nể phục. Bước ngoặt cuộc đời xuất hiện khi Hoàng Khánh quyết định bỏ học đại học tại TP.HCM và khởi nghiệp với trang trại bồ câu Hoàng Khánh tại Đắk Lắk vào năm 2019.
Hoàng Khánh chia sẻ: "Trước đó mình đậu vào Trường đại học Kinh tế - Tài chính TP.HCM với ngành luật. Trong thời gian ở TP.HCM, mình tìm hiểu và thấy được thị trường tiêu thụ rộng mở cho thịt chim bồ câu. Với suy nghĩ táo bạo, mình đã quyết định ‘bỏ phố về quê’ và ‘kết duyên’ với mô hình nuôi chim bồ câu.
Quyết định đầy táo bạo của mình lúc đó gặp phải sự phản đối của không ít người, nhiều người cảm thấy tiếc con đường học đại học. Với tất cả niềm đam mê, mình đã tìm tòi, học hỏi về các mô hình tiên tiến ở nước ngoài để áp dụng cho trang trại bồ câu".
Từ xuất phát ban đầu là hơn 500 cặp chim giống, đến nay số bồ câu của anh Khánh đã lên tới con số hơn 10.000 cặp, hệ thống trại chi nhánh của anh có mặt tại nhiều tỉnh thành, trung bình mỗi năm anh thu về hơn 1 tỉ đồng. Hiện nay, trang trại của gia đình anh Khánh có nhiều giống bồ câu có giá trị kinh tế cao như: Titan siêu thịt của Thái, Pháp, gà Mỹ.
Vào tháng 10-2021, sau khi đại dịch COVID-19 từng bước được kiểm soát, Hoàng Khánh chứng kiến nhiều hộ nông dân lâm cảnh khó khăn, thậm chí phá sản. Để hỗ trợ, giúp đỡ mọi người cùng vượt khó, Hoàng Khánh đã tạo điều kiện để người nông dân liên kết với Hợp tác xã nông nghiệp Nam Khánh của mình và bao tiêu sản phẩm cho người nuôi. Thậm chí, anh cũng đã hỗ trợ vốn cho nhiều người để phát triển mô hình nuôi bồ câu tại địa phương. Nhận thấy được sự hiệu quả, nhiều người đã tìm đến Hoàng Khánh để học cách nuôi và khởi nghiệp.
"Tôi cũng ở gần trại bồ câu Hoàng Khánh và cũng có nhập một số giống bồ câu từ trại. Tôi thấy bồ câu của trại bồ câu Hoàng Khánh đạt chất lượng, khỏe. Ngoài ra, anh Khánh còn bao đầu ra cho người nuôi nên tôi rất yên tâm" - anh Trần Đức Đô, người dân địa phương, cho biết.
Để có được thành công như hôm nay, Hoàng Khánh đã tự mày mò, đi nhiều nơi để học hỏi kinh nghiệm, cập nhật về những giống chim mới có giá trị kinh tế cao. Để đạt được thành công thì người nuôi đóng vai trò quyết định và như một "chuyên gia". Nếu như cách nuôi bình thường, bồ câu chỉ đẻ khoảng 12-15 lứa/năm, nhưng với bí quyết và áp dụng kỹ thuật, máy móc vào chăn nuôi, anh Khánh có thể khiến chim đẻ khoảng 30 lứa/năm, thu về tiền tỉ.
Để nuôi bồ câu hiệu quả thì khâu chọn con giống là quan trọng nhất. Bởi vậy, con giống được anh Khánh tuyển chọn rất kỹ. Chính vì con giống tốt, nhiều người từ khắp các tỉnh thành đã tìm đến để nhập con giống về và mỗi năm anh Khánh thực hiện hàng chục chuyến đi ở nhiều tỉnh thành để cung cấp giống, làm trang trại cho bà con nông dân. Do được thị trường ưa chuộng, chim bồ câu Titan Thái của anh Khánh lúc nào cũng "cháy hàng", chim xuất chuồng bao nhiêu đều bán hết bấy nhiêu.
"Ở địa phương, mô hình nuôi chim bồ câu tại trại bồ câu Hoàng Khánh là mô hình mới và đầu tiên, hiện nay cho hiệu quả rất cao. Việc Hoàng Khánh bao đầu ra cho người nuôi là một cách làm rất hay để liên kết với người nông dân cùng phát triển.
Bên cạnh đó, địa phương cũng ghi nhận được tấm lòng của Hoàng Khánh khi trại bồ câu cũng hỗ trợ cho một số hộ dân khó khăn" - ông Lê Vy, chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn Hòa Nam 2, xã Ea Nuôl, huyện Buôn Đôn, tỉnh Đắk Lắk, nói.
Từ thành công của mình, anh Khánh đã thành lập Hợp tác xã nông nghiệp Nam Khánh để hợp tác với nhiều người nông dân và tình nguyện làm địa chỉ đỏ cho những người nông dân đam mê muốn khởi nghiệp. Có thể nói rằng, chịu thương, chịu khó là một trong những đức tính hàng đầu của những người nông dân sản xuất giỏi và anh Khánh với tinh thần dám nghĩ dám làm đã tạo ra sự thành công. Điều đáng quý là từ thành công của mình, anh Khánh đã lan tỏa đến nhiều người nông dân, hỗ trợ để cùng nhau làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận