29/04/2022 09:14 GMT+7

Cuộc thi 'Hiến kế phát triển sông Sài Gòn': Để dòng sông được sống, được thở, được chạm vào

MI LY
MI LY

TTO - Những người tham gia cuộc thi này mơ ước một ngày nào đó trong tương lai, thế hệ trẻ ở TP.HCM có thể ngồi xuống, bên cạnh dòng sông Sài Gòn “chảy xuyên qua” thành phố và lắng nghe sông kể lại lịch sử của vùng đất, của con người.

Cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Để dòng sông được sống, được thở, được chạm vào - Ảnh 1.

Ảnh: QUANG ĐỊNH


Người Sài Gòn muốn “chạm vào dòng nước”

Giải 1 - Trần Minh Thi: “Một cây cầu đi bộ là cách giải quyết vấn đề với sông Sài Gòn của chúng ta”

Anh Box 3

Trần Minh Thi

“Các dòng sông không chảy ngang qua chúng ta, mà là chảy xuyên qua” - nhà tự nhiên học người Mỹ John Muir từng nói.

Những người tham gia cuộc thi này mơ ước một ngày nào đó trong tương lai, thế hệ trẻ ở TP.HCM có thể ngồi xuống, bên cạnh dòng sông Sài Gòn “chảy xuyên qua” thành phố và lắng nghe sông kể lại lịch sử của vùng đất, của con người.

Trần Minh Thi là hướng dẫn viên du lịch 28 tuổi, làm việc ở trung tâm TP.HCM. Thường ngày cô dẫn du khách nước ngoài tham quan phố đi bộ Nguyễn Huệ. Họ rất thích thú.

Nhưng khi ra đến bờ sông Sài Gòn ở bến Bạch Đằng, tất cả những gì du khách có thể làm là “nhìn”, vì không có nhiều cảnh quan để ngắm, cũng như không có hoạt động để du khách tham gia.

Cầu đi bộ nối từ phố Nguyễn Huệ ra công viên bến Bạch Đằng và băng qua bên kia, dẫn đến công viên bờ sông Thủ Thiêm là một trong những đề xuất nổi bật từ bài viết dự thi “Phát triển sông Sài Gòn song hành với không gian công cộng đôi bờ” của Trần Minh Thi.

Ngoài cầu đi bộ, cô còn đề xuất các ý tưởng khả thi để biến không gian đôi bờ thành địa điểm công cộng, nơi người dân tụ họp, thưởng thức nghệ thuật và vui chơi. Bài viết đoạt giải nhất cá nhân cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn do báo Tuổi Trẻ tổ chức. Lễ trao giải diễn ra hôm 22-4 trong khuôn khổ hội thảo Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn.

Giám khảo Trương Minh Huy Vũ - tiến sĩ, giảng viên Đại học Quốc gia TP.HCM - nhận xét: “Việc trao giải nhất cho ý tưởng về cầu đi bộ nối hai bờ sông Sài Gòn là một đóng góp quan trọng của báo Tuổi Trẻ đối với dòng sông và đối với thành phố”.

Giám khảo Ngô Viết Nam Sơn - chủ tịch NgoViet Architects & Planners - đánh giá cao đề xuất này vì nối lịch sử 300 năm của thành phố (trung tâm TP.HCM với phố đi bộ) với vùng đất mới là Thủ Thiêm bên kia bờ sông.

“Tôi từng đưa một số đoàn du khách lên xe buýt đường sông để đi dọc sông, nhưng khi đến bến Bình Quới, du khách xuống xe thì cũng không có gì để nhìn ngắm cả. Cả đoàn lại phải đi về, họ hơi cụt hứng. Điều đó khiến tôi rất băn khoăn” - tác giả Minh Thi nói với Tuổi Trẻ.

Trong 6 năm làm hướng dẫn viên, chuyên về các đoàn khách Ý và Pháp, Thi suy nghĩ nhiều về hướng phát triển sông Sài Gòn. Cô đã tham gia một vài cuộc thi để góp ý về cách cải tạo các cảnh quan của TP.HCM, điều cô mong mỏi là các ý tưởng phải được hiện thực hóa, chứ không chỉ nằm ở chữ nghĩa.

Thi có cơ hội tìm hiểu về văn hóa của “dòng sông đô thị” ở các nước, cô ấn tượng với Singapore, Pháp và Ý. Cô nhận ra cây cầu, có lẽ là thật nhiều cây cầu, là cách giải quyết vấn đề với sông Sài Gòn. Ý tưởng cô gửi dự thi vừa là suy nghĩ của bản thân cô, vừa là nguyện vọng và tư vấn của những người xung quanh.

Sống cùng gia đình tại quận 4 suốt từ những năm tháng tuổi thơ, cô vẫn cùng người thân đi bộ qua cầu Mống, đi dạo, đi tập thể dục dọc bờ sông.

“Nhưng đi bộ như vậy tôi chỉ được nhìn thôi chứ không được chạm vào dòng nước, không được tiếp xúc với nước. Khi tôi qua Pháp, người ta để một không gian mở với những bậc thềm, không có hàng rào ngăn cách con người với nước. Trên bề mặt nước, người ta trình diễn ánh sáng trên nước để người dân nhìn ngắm” - Thi chia sẻ.

Sông Sài Gòn dài 256km, riêng đoạn sông Sài Gòn chảy qua TP.HCM là 80km. Sông không chỉ có ảnh hưởng với riêng TP.HCM mà còn có thể đóng góp vào sự phát triển của miền Đông Nam Bộ. Nhưng rõ ràng trong nhịp sống của các đô thị phương Nam còn thiếu vắng bóng hình dòng sông.

Cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Để dòng sông được sống, được thở, được chạm vào - Ảnh 5.

Giải nhất cá nhân của tác giả Trần Minh Thi với đề xuất một cây cầu đi bộ mới từ quận 1 qua Thủ Thiêm với các không gian sinh hoạt đôi bờ sông.

Hãy để dòng sông được thở

Giải 2 - Lý Đăng Huy: “Hãy giữ không gian để nước có thể thở được”

Anh Box 2

Lý Đăng Huy

Lý Đăng Huy, kiến trúc sư 33 tuổi đoạt giải nhì trong cuộc thi, cũng nhận định: “Quá trình đô thị hóa ồ ạt làm cho diện tích mặt nước giảm dần. Bờ sông, kênh rạch bị lấn chiếm, san lấp.

Con người thay vì sống nương tựa với dòng nước thì lại đối chọi và xa rời. Dòng sông trở nên tồn tại âm thầm, phai mờ, xa lạ với lớp cư dân mới của thành phố”.

Hằng ngày trên đường đi làm, Huy chạy xe dọc bờ kênh từ quận 8 qua đại lộ Đông Tây. Anh có thời gian suy nghĩ về cách cải tạo dòng sông. Huy nhấn mạnh “lớp cư dân mới” ở TP.HCM, đó là những người như anh và trẻ hơn nữa.

Các hoạt động sống của họ dường như chẳng mấy gắn bó với sông Sài Gòn, trừ việc thỉnh thoảng chụp ảnh “sống ảo” ở bến Bạch Đằng. Qua quan sát từ thời thơ ấu, anh viết bài “Không gian của nước bên bờ sông Sài Gòn” để dự cuộc thi hiến kế.

Huy nói với Tuổi Trẻ: “Khi còn nhỏ, tôi chỉ biết sông Sài Gòn là cái bến Bạch Đằng. Lớn lên tôi mới biết dòng sông quá trời dài, gắn liền với TP.HCM. Vậy mà mọi hoạt động của tôi với dòng sông chỉ gói gọn trong việc đi ra bến Bạch Đằng. Khi tôi trò chuyện với bạn bè, họ cũng thờ ơ và nghĩ dòng sông là ngập, dơ, hôi, nhiều rác. Không ai nhớ rằng TP.HCM phát triển từ dòng sông ấy”.

Huy nói lúc rảnh, anh thường chạy dọc bờ sông thì bạn bè anh ngạc nhiên: “Ủa, sông có gì đâu mà vui?”. Đó là nỗi trăn trở dai dẳng của anh và cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn là nơi để anh gửi gắm những ý tưởng của mình.

Để thực hiện bài viết, Huy nghiên cứu Google Map để phân chia sông Sài Gòn thành 2 đoạn. Một là từ Tây Ninh đến xa lộ Đại Hàn, hai là từ xa lộ Đại Hàn đến mũi Đèn Đỏ, đi ngang các khu vực đã và đang đô thị hóa.

Anh biết xu hướng đô thị hóa, san lấp mặt nước là khó cưỡng lại nhưng với cả 2 phân đoạn này, anh đưa ra những biện pháp để giữ gìn được những “thảm xanh”, bộ lọc, hồ điều hòa, công viên sinh thái, hồ nuôi thủy sản... cho dòng sông. “Hãy giữ những không gian để nước có thể thở được” - Huy kêu gọi.

Các giám khảo yêu thích bài viết của Lý Đăng Huy vì dù không công phu về mặt trình bày, bài có ý tưởng và lối viết mạch lạc, thể hiện tình cảm đậm đà của tác giả với dòng sông và với TP.HCM.

Cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn: Để dòng sông được sống, được thở, được chạm vào - Ảnh 9.

Phác thảo của tác giả Lý Đăng Huy (giải nhì cá nhân) về không gian sinh hoạt bên sông

Cảng của Sài Gòn: Đừng bỏ phí

Giải 2 tập thể - Trần Quang Hiếu: “Sông Sài Gòn có rất nhiều cơ hội và tiềm năng bị bỏ phí”

Anh Box 1

Trần Quang Hiếu

Trần Quang Hiếu và Trần Tấn Phúc là hai kiến trúc sư từ Công ty Librazzi. Năm 2021, cả hai cùng nhau thực hiện đồ án về việc cải tạo cảng và đô thị ven sông Sài Gòn trong vòng 5 năm, dự kiến hoàn thành vào năm 2025.

Cả hai theo đuổi đề tài này vì đam mê, chứ chưa qua đặt hàng của chủ đầu tư. Bài dự thi gửi đến cuộc thi chính là bản phác thảo đầu tiên của đồ án. Bài viết “Sông Sài Gòn: Cảng và đô thị” của nhóm Librazzi đoạt giải nhì (không có giải nhất) hạng mục tập thể của cuộc thi.

Đại diện nhóm Librazzi, Trần Quang Hiếu - kiến trúc sư 41 tuổi đến từ Hà Nội - cho biết anh có sự quan tâm đặc biệt đến hệ thống cảng dọc sông Sài Gòn trong nhiều năm trời.

“Tôi thường sử dụng xe buýt để đi học và đi làm tại TP.HCM. Trong 5 năm trời, mỗi ngày tôi đều đi đi về về mấy tiếng đồng hồ qua khu vực cảng Sài Gòn im lìm trên con đường Nguyễn Tất Thành tấp nập xe cộ. Trên những chuyến xe, tôi nảy ra nhiều ý tưởng và muốn dành thời gian để tổng hợp lại thành đồ án” - Hiếu nói.

Với sông Sài Gòn, Hiếu cho rằng có rất nhiều cơ hội và tiềm năng bị bỏ phí. Từ Hà Nội vào TP.HCM lập nghiệp, anh tình cờ tìm hiểu nhiều câu chuyện đằng sau các cây cầu và lịch sử phát triển đô thị từ thời Pháp thuộc.

Qua đó anh ngày càng yêu TP.HCM, yêu sông Sài Gòn hơn. Anh chỉ ra một điều đáng tiếc: mặc dù lịch sử Sài Gòn gắn liền với hệ thống cảng, bắt đầu là cảng sông cách cửa biển xa (50-80km), nhưng Sài Gòn và nay là TP.HCM đã không phát triển như một đô thị cảng truyền thống. Diện tích cảng so với diện tích thành phố đã giảm nhiều qua các thời kỳ.

Dựa trên các cảng cũ đã di dời và cảng mới đang hoạt động, nhóm chia hệ thống cảng thành các phần: Khánh Hội - Tân Thuận, Hiệp Phước và Bason - Tân Cảng - Trường Thọ. Nhóm đã vạch ra kế hoạch cụ thể về cách phát triển khu vực cảng Khánh Hội, nhấn mạnh vào việc chuyển đổi tái sử dụng các không gian dành cho cộng đồng.

Học hỏi từ các đô thị như Rotterdam (Hà Lan), Hamburg (Đức) hay Antwerp (Bỉ), nhóm gợi ý tái sử dụng các nhu cầu không gian của cảng cũ cho cuộc sống đương đại. Đặc điểm rất mở, rộng rãi và có tầm nhìn đẹp, cảng là nơi để tổ chức các hoạt động văn hóa xã hội thu hút đông đảo người dân.

Trong bài viết của mình, nhóm Librazzi cũng đưa ra ý kiến phản đối xây dựng cảng Cần Giờ vì cho rằng đây là khu dự trữ sinh quyển quý giá của thành phố. Quang Hiếu mong có dịp được trình bày rõ hơn về ý kiến này trong phần tiếp theo của đồ án.

Để dòng sông khỏe mạnh

Những người tham dự cuộc thi gọi sông Sài Gòn bằng những cái tên, danh từ trìu mến. Chẳng hạn như “phúc lành”. Đó là bài viết “Để sông Sài Gòn tiếp tục ban phúc lành cho trăm họ” của nhóm nghiên cứu văn hóa, khoa văn hóa học thuộc Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.HCM.

Nhóm gồm 5 thành viên, đại diện là Ngô Tuyết Nhi, chuyên viên 27 tuổi của khoa văn học tại trường. Nhóm của Tuyết Nhi đã đi du khảo dọc sông Sài Gòn để khảo sát tình hình thực tế của đời sống ven sông và các vùng lân cận, đặc biệt là Đồng Nai qua chương trình “Hào khí Đồng Nai”, nhằm nắm bắt các điểm văn hóa, di tích trên chuỗi hành trình. Từ đó, nhóm đề xuất liên kết các điểm đến tạo ra tuyến du lịch hợp lý.

“Có đi với dòng sông mới hiểu dòng sông khỏe mạnh hay suy yếu, để biết chúng ta cần làm gì để bảo vệ thành phố thân yêu này” - nhóm đề xuất mô hình Saigon Duck Tour vừa chạy trên sông vừa chạy dưới nước (đoạn bến Bạch Đằng đến dưới chân cầu Sài Gòn) mang lại cảm giác thú vị cho người dân và du khách.

Một đề xuất ý nghĩa là đưa mọi người theo dấu chân người xưa, đi tàu thủy theo các dòng kênh Tẻ, kênh Ruột Ngựa... đến kênh Chợ Đệm, ra sông Vàm Cỏ Đông rồi từ đó đi xuôi xuống cửa sông Soài Rạp tìm hiểu các di sản lịch sử văn hóa ở Cần Giuộc và Cần Đước.

Hoặc có thể theo kênh Chợ Gạo ra đến sông Tiền, khơi gợi ký ức con đường lúa gạo nối thông Đồng bằng sông Cửu Long với Sài Gòn xưa.

Bên cạnh những bài thi đoạt giải cao với cách trình bày chi tiết, khả thi, có những bài thi đoạt giải khuyến khích cũng đưa ra nhiều ý tưởng thú vị.

Giám khảo Nguyễn Trường Uy, phó tổng thư ký tòa soạn báo Tuổi Trẻ, nhận xét: “Dù không có bài thi hoàn hảo, chứa đựng mọi yếu tố du lịch, lịch sử, văn hóa, kiến trúc..., nhưng có những bài dự thi đưa ra những ý tưởng, những đề xuất thú vị và táo bạo.

Ví dụ như ý tưởng cầu đi bộ dọc Bến Nhà Rồng, hoặc Saigon River Air Show 2 năm một lần... Những ý tưởng đó hoàn toàn khả thi mà nếu thực hiện được sẽ góp phần làm phong phú thêm cho cảnh quan sông Sài Gòn và thêm sản phẩm du lịch mới cho TP.HCM”.

Tác giả Felis Phan, giải khuyến khích hạng mục cá nhân với bài viết “Ai đang tạo hình dáng vẻ của dòng sông?”, đưa ra ý tưởng bảo vệ sức khỏe của sông Sài Gòn bằng con tàu “cảnh sát” kiểm tra chất lượng nước và các nồng độ cần thiết, phát hiện hóa chất độc hại, lập bảng theo dõi sức khỏe của dòng sông.

Felis cũng đề xuất phát triển thể thao nước đô thị, xây dựng các trung tâm hoặc câu lạc bộ, công viên dành cho các môn như sup, kayak, thuyền buồm, lướt ván...

Cũng trong nhóm đoạt giải khuyến khích, tác giả Nguyễn Quốc Thái đặt ra 3 từ khóa: lịch sử, liên kết và giao lưu. Qua bài viết “Sông Sài Gòn - TP.HCM: Lịch sử - Liên kết - Giao lưu”, anh coi Sài Gòn là sợi dây thừng bền chặt liên kết cư dân các vùng miền ven sông qua việc giao thương, giao lưu văn hóa, tương trợ nhau trong cuộc sống.

Một ý tưởng riêng biệt của anh là xây dựng đê bao cho sông Sài Gòn nhằm tránh ngập lụt hằng năm vào mùa mưa ở TP.HCM.

Cũng là ý tưởng về cầu đi bộ giống với Trần Minh Thi, tác giả Đào Nguyên Phong - giải khuyến khích hạng mục cá nhân - đề nghị xây cầu đi bộ Bến Nhà Rồng, nằm ở nút giao giữa rạch Bến Nghé và sông Sài Gòn, là nơi chuyển tiếp giữa quận 1 và quận 4 tạo thành một vệt công viên bên bờ sông. Phong cho rằng với bề dày lịch sử của bến Nhà Rồng, công trình sẽ thu hút người dân và du khách.

Giám khảo Lê Xuân Trung - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - nhận định cuộc thi “Hiến kế phát triển sông Sài Gòn” như một ngôi nhà hội tụ các ý tưởng của bạn đọc để góp phần đánh thức và phát triển tiềm năng sông Sài Gòn.

Tại hội thảo về quy hoạch phát triển sông Sài Gòn do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 22-4, đồng thời trao giải thưởng cuộc thi, nhà báo Lê Xuân Trung đã trao tập kỷ yếu in các bài dự thi đến lãnh đạo Sở Quy hoạch - kiến trúc, với mong muốn các ý tưởng, đề xuất của các bài viết tham gia cuộc thi sẽ góp phần vào kho ý tưởng để phát triển sông Sài Gòn nay mai.

Và như vậy, từ cuộc thi của báo Tuổi Trẻ, những bài dự thi của bạn đọc được “sống”, được “chạm” vào sức sống mới của sông Sài Gòn.

Trao giải cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn Trao giải cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn

TTO - Sáng 22-4, tại khách sạn Majestic, quận 1, TP.HCM, báo Tuổi Trẻ trao giải cho các tác giả đoạt giải cuộc thi Hiến kế phát triển sông Sài Gòn song song với các hoạt động của hội thảo “Quy hoạch để phát huy tiềm năng và lợi thế sông Sài Gòn”.

MI LY
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp