Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chờ tiếp nữ Thủ tướng Ba Lan Beata Szydlo tại Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh ngày 12-5 - Ảnh: Reuters |
Ngày 14-5, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ đón tiếp 30 nhà lãnh đạo thế giới tại Bắc Kinh tham dự Diễn đàn Vành đai - Con đường vì hợp tác quốc tế. Sự kiện này đánh dấu cột mốc đáng chú ý trong công cuộc gây dựng ảnh hưởng toàn cầu bằng quyền lực mềm của Trung Quốc, với sự hậu thuẫn của hàng trăm tỉ USD tiền đầu tư hạ tầng.
Một di sản lớn
Hiện đã có hơn 100 quốc gia trên 5 châu lục ngỏ ý muốn tham gia sáng kiến “Một vành đai, một con đường” do Trung Quốc khởi xướng. Điều này cho thấy nhu cầu hợp tác kinh tế toàn cầu vẫn rất cao trong bối cảnh chủ nghĩa bảo hộ đang đi lên ở Mỹ và châu Âu.
Tương phản với chủ trương cắt giảm chi tiêu nước ngoài trên danh nghĩa “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Donald Trump, ông Tập Cận Bình đang củng cố hình ảnh một nhà lãnh đạo tiên phong dẫn dắt toàn cầu hóa.
Theo giới quan sát, sự kiện ngày 14-5 có hai mục tiêu: Một là trấn an những mối quan ngại về sự trỗi dậy của Trung Quốc; và sau là củng cố vị thế của ông Tập trong nước.
Ông Trey McArver, chuyên gia về Trung Quốc thuộc Hãng nghiên cứu đầu tư TS Lombard (London), nhận xét sáng kiến “Vành đai, con đường” có thể trở thành một di sản lớn và lâu dài của ông Tập Cận Bình. “Nó có tiềm năng tái định hình các hình mẫu giao thương và kinh tế toàn cầu, cá biệt là châu Á” - vị chuyên gia dự báo.
Nhưng cũng có ý kiến cho rằng chiến lược của Bắc Kinh mang những rủi ro nhất định, và cách ông Tập giải quyết một loạt câu hỏi khó sẽ quyết định thành bại của chính sách này.
Một trong những chìa khóa đó là Bắc Kinh phải trấn an được mối quan ngại các đối thủ chiến lược (như Ấn Độ, Nga, Mỹ…), đặc biệt là khi sức mạnh quân sự ngày càng tăng cho phép Trung Quốc lấn át hơn trong các tranh chấp lãnh thổ.
Trong một ví dụ, việc Trung Quốc chi hàng chục tỉ USD cho hành lang kinh tế ở Pakistan, xây cảng biển ở Djibouti, đường ống dẫn dầu ở Trung Á… tạo nên một hệ thống hạ tầng có thể dùng để thách thức các sức mạnh truyền thống. Sự thận trọng có thể thấy qua việc Mỹ, Đức và Nhật đã chọn đứng ngoài cuộc chơi của Bắc Kinh.
“Trung Quốc cần nhận ra cách họ nhìn sáng kiến Vành đai - con đường không nhất thiết giống với các nước khác. Không thể nào không soi sáng kiến này dưới lăng kính địa chính trị để nghĩ rằng đây là một nỗ lực xây dựng phạm vi ảnh hưởng” - ông Paul Haenle, cựu giám đốc về Trung Quốc thuộc Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ, bình luận.
Trung Quốc đã chuyển mình từ một bộ phận của toàn cầu hóa sang vai trò lãnh đạo chính. Đây là Toàn cầu hóa 2.0 |
Ông Wang Yiwei, giám đốc Viện các vấn đề quốc tế, ĐH Renmin. |
Bản đồ kết nối giao thương trên đất liền và trên biển theo sáng kiến Vành đai - con đường của Trung Quốc. |
500 tỉ USD
Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc đã chi hơn 50 tỉ USD cho sáng kiến Vành đai - con đường, đầu tư vào nhiều dự án hạ tầng ở các nước từ năm 2013. Theo Hãng tài chính Credit Suisse Group AG (Thụy Sĩ), Trung Quốc có thể đổ thêm 500 tỉ USD vào 62 quốc gia trong giai đoạn 5 năm tới.
Năm ngoái, ba ngân hàng phát triển của Trung Quốc, trong đó có Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á (AIIB), cho nước ngoài vay tổng cộng 39 tỉ USD, tăng 50% so với năm 2014, theo số liệu của Bloomberg.
Các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc như Tập đoàn Dầu khí quốc gia., Hãng viễn thông China Mobile Ltd… được dự báo sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ làn sóng đầu tư này.
Tuy nhiên, ông Jacob Frenkel, chủ tịch JPMorgan Chase International, nêu quan điểm qua hãng tin Bloomberg: “Vành đai - con đường, theo tôi, có tiềm năng là cái lợi. Chúng ta không cần lo lắng quá vì cơ bản nó sẽ kết nối hàng trăm triệu người, hàng trăm triệu thị trường với nhau. Quý vị biết không? Nếu có ai đó hưởng lợi từ nó, thì điều đó hoàn toàn bình thường”.
Tất nhiên, nghị trình của Bắc Kinh không chỉ có màu hồng. Một số rào cản tài chính đã bắt đầu xuất hiện. Trước hết, tăng trưởng kinh tế chậm lại khiến Trung Quốc có ít tài nguyên hơn để chi tiêu ở nước ngoài. Kho dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm 6% trong một năm qua, và họ cần duy trì một con số tương đối “khỏe mạnh” để bảo vệ đồng nhân dân tệ.
Ngoài ra, một số dự án đầu tư nước ngoài của Trung Quốc trước đó cho kết quả không mấy khả quan. Tuy chủ trương đầu tư ồ ạt của Trung Quốc được đa số các quốc gia đang phát triển chào đón, mức xếp hạng tín dụng của các nước này lại thường thấp và khả năng quản lý vốn vay có rất nhiều vấn đề.
Chẳng hạn, Trung Quốc đã phải chật vật thu hồi nhiều khoản cho vay ở Venezuela và châu Phi, trong khi một số dự án của họ ở Trung Á gây ra nhiều sự phản đối. Các thỏa thuận đầu tư với số tiền lớn Trung Quốc tham gia không hiếm khi chẳng bao giờ thành sự thật.
Xe tự hành hoạt động tại cảng Qingdao, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc ngày 11-5 - Ảnh: Reuters |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận