Hình ảnh do vệ tinh Sentinel-1 của EU chụp về tảng băng D-28 trước và sau khi tách khỏi thềm băng
Tảng băng con được đặt tên là D-28, dày 210m, nặng 315 tỉ tấn, diện tích 1.636km2 - bằng khoảng một nửa diện tích thủ đô Hà Nội.
Không phải do biến đổi khí hậu
Báo USA Today dẫn lời Ben Galton-Fenzi, nhà nghiên cứu về băng của Phòng nghiên cứu Nam Cực Úc, các nhà khoa học phát hiện tảng băng D-28 tách khỏi thềm băng từ hình ảnh do vệ tinh Sentinel-1 thuộc chương trình giám sát Trái đất của châu Âu thu thập hôm 26-9.
Ngày 20-9, một vết rạn lớn xuất hiện trên thềm băng và ngày 26-9 khối băng tách ra hoàn toàn, trở thành một thực thể độc lập.
Giáo sư Helen Amanda Fricker, Phòng nghiên cứu Nam Cực Úc thuộc Viện Nghiên cứu hải dương học Scripps, chia sẻ: "Chúng tôi lần đầu phát hiện vết rạn ở phía trước thềm băng vào đầu những năm 2000. Chúng tôi biết điều này sẽ xảy ra (tảng băng tách khỏi thềm băng như đứa trẻ lớn lên xa vòng tay mẹ) nhưng vẫn thấp thỏm chờ đợi ngày này, dù đó không hẳn là điều chúng tôi thực sự mong sẽ xảy ra".
Các nhà nghiên cứu của Viện Scripps khẳng định việc tảng băng tách ra khỏi thềm băng không liên quan đến biến đổi khí hậu. Đây là một chu kỳ bình thường của thềm băng, cứ mỗi 60-70 năm sẽ có một tảng băng con tách ra từ thềm băng mẹ.
Thềm băng về cơ bản là phần mở rộng nổi trên đại dương của một số sông băng chảy từ trên bờ ra biển. Các tảng băng nứt ra trôi vào đại dương là cách các dòng sông băng duy trì trạng thái cân bằng, cân đối với lượng tuyết dồn xuống từ thượng nguồn.
Dữ liệu vệ tinh từ những năm 1990 đã cho thấy thềm băng Amery cân bằng trong môi trường xung quanh nó dù chịu tác động của sự tan chảy mạnh trên bề mặt vào mùa hè.
Việc tảng băng tách khỏi thềm băng cũng không ảnh hưởng đến mực nước biển vì thềm băng vốn đã nổi trên đại dương, giống như một viên đá vốn đã ở sẵn trong ly nước.
Rủi ro cho tàu bè
Với các nhà khoa học nghiên cứu về băng, họ tò mò muốn biết việc tảng băng D-28 tách khỏi thềm băng sẽ ảnh hưởng thế nào đến sự tan chảy của đại dương dưới thềm băng và tốc độ trôi của D-28 khỏi Nam Cực.
Giáo sư Helen nhấn mạnh: "Mặc dù có nhiều vấn đề cần quan tâm về Nam Cực, hiện chưa có điều gì đáng báo động về thềm băng và tảng băng mới vừa tách khỏi nó".
Phòng nghiên cứu Nam Cực Úc sẽ theo dõi sát tình hình của thềm băng Amery để xem những phản ứng của thềm băng. Mất một khối băng lớn như D-28 có thể sẽ làm thay đổi sức căng hình học ở mặt trước thềm băng, tác động đến xu hướng của các vết nứt và sự ổn định của các tảng băng có xu hướng tách khỏi thềm băng khác.
Do kích thước khổng lồ của D-28, tảng băng sẽ được Phòng nghiên cứu Nam Cực Úc giám sát qua hình ảnh vệ tinh vì nó có nguy cơ gây nguy hiểm cho tàu bè di chuyển trong khu vực. D-28 trong nhiều năm nữa sẽ tự tách thành các khối băng nhỏ hơn và dần biến mất trong lòng đại dương.
Lần cuối cùng có một tảng băng lớn tách ra từ thềm băng Amery là vào khoảng năm 1963-1964, khối băng khi đó có diện tích 9.000km2.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận