02/12/2010 05:12 GMT+7

Cuộc kiếm tìm "Vàng đen" trên đất Việt - Kỳ 6: Bí ẩn dưới đáy biển

QUỐC VIỆT
QUỐC VIỆT

TT - Sau thăm dò không thành ở đồng bằng sông Cửu Long, mũi tên trên bản đồ tìm “vàng đen” hướng ra phía biển. “Thập niên 1980, đất nước chênh vênh bên vực khủng hoảng. Ngoại tệ không có, lương thực khan hiếm, xăng dầu thiếu hụt nghiêm trọng.

Nhiều cán bộ cấp cao còn phải đi xe đạp để tiết kiệm xăng. Trọng trách tìm kiếm dầu khí càng nặng nề hơn ...” - TS Ngô Thường San, nguyên tổng giám đốc Tổng công ty dầu khí VN, nhớ lại.

pISrDkNS.jpgPhóng to

Tàu khoan Mirchin hoạt động trên thềm lục địa - Ảnh: Quốc Việt chụp lại ảnh tư liệu

“Gõ cửa” đổi mới

Cùng khoán 10 trong nông nghiệp, những người thực hiện cuộc trường chinh tìm “vàng đen” đã chạm tay vào cánh cửa đổi mới rất sớm. TS San kể: “Sau khi đất nước thống nhất, Tổng bí thư Lê Duẩn đã có tầm nhìn rất rộng khi chủ trương vừa hợp tác với Liên Xô vừa quan hệ đa phương và tự lực để đẩy nhanh tiến độ khai thác dầu khí đất nước. Ông yêu cầu dành một số lô trên thềm lục địa để VN tự lực, còn các lô khác mời công ty quốc tế tham gia, nếu Mỹ quay lại cũng sẵn sàng hợp tác”.

Sau đó, Tổng cục dầu khí đã hợp tác với các Công ty Bow Valley (Canada), Agip (Ý), Deminex (Cộng hòa liên bang Đức)... Hai năm 1979-1980, các công ty này đã khảo sát địa chấn và khoan nhiều giếng với tổng chiều sâu khoảng 35.000m. Đặc biệt, Deminex đã tìm thấy biểu hiện dầu ở một giếng, Agip cũng thấy khí trong ba giếng. Tuy nhiên, do bối cảnh cấm vận lúc đó, đặc biệt tình hình địa chính trị khu vực chuyển biến phức tạp nên các nhà thầu rút lui giữa chừng.

Trong lúc này, hợp tác hoạt động dầu khí với Liên Xô vẫn phát triển. “Chúng tôi quyết định đi nhanh để cùng các bạn xây dựng cho VN một nền công nghiệp dầu khí hoàn chỉnh và chủ động được năng lượng ...”. TS San nhớ mãi câu nói “đi nhanh” này của chuyên gia Liên Xô, bởi nó đã làm ông trăn trở suốt thời gian dài về kết cục thành công hay thất bại. Ngày 13-7-1980, Hiệp định hợp tác dầu khí giữa Chính phủ VN và Liên Xô được ký kết dẫn đến sự kiện ra đời Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô. Sau những nỗ lực dang dở của các công ty quốc tế, Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô đã đảm nhiệm vai trò chủ lực tìm kiếm dầu khí.

Sau hàng loạt khảo sát địa vật lý trên thềm lục địa và phân tích tài liệu các nhà thầu quốc tế để lại, ngày 31-12-1983 tàu khoan Mirchin, Liên Xô bắt đầu đưa mũi khoan xuống giếng Bạch Hổ 5 nằm gần Bạch Hổ 1X mà Mobil từng khoan thấy dầu năm 1975. TS Đặng Của, giám sát công trình này, nhớ rõ tàu Mirchin được thiết kế định vị động học, không cần thả neo, chịu được sức gió 40 hải lý/giờ và khoan những nơi có mực nước biển sâu 90m trở lên. Nhưng đáy biển vùng Bạch Hổ chỉ sâu 50m nên không phát huy được tối đa hiệu quả tàu khoan. Thời tiết cuối năm 1983 đầu 1984 cũng hay thất thường, nhiều lần tàu phải vào tránh ở Vũng Tàu.

Giếng khoan Bạch Hổ 5 chính thức khởi công ngày 2-1-1984 trong sự hồi hộp chờ đợi. 4g sáng 26-4-1984, mũi khoan đến độ sâu 2.775m. Dấu dầu vẫn bặt tăm. 19g15, một cơn mưa lớn và gió mạnh đột ngột đến 28 hải lý/giờ. Hệ thống neo động học báo ngừng khoan.

Ngày 27 rồi 28 trôi qua vẫn chưa thấy gì...

20 giờ đêm 30-4-1984, mũi khoan đến 2.828m. Mẫu đá được lấy lên. TS Của đã xúc động run tay với dầu rỉ từ mẫu đá. “Thấy dầu rồi!”. Mọi người trên tàu hét lên. TS Của chạy vội đi gọi điện cho Tổng cục trưởng Tổng cục dầu khí Nguyễn Hòa. Đầu dây kia ông Hòa cũng hồi hộp, xúc động đến run giọng. Thế nhưng họ cố nén vui, giữ thông tin nội bộ ngành. Phải kiểm tra cẩn thận. Ngày 26-5-1984, dòng dầu công nghiệp đầu tiên của đất nước ở mỏ Bạch Hổ 5 đã rừng rực cháy trên đuốc khoan và cả nước biết tin vui!

Cú đi tắt

Trên bờ, TS San nhớ đây là thời gian hạ tầng khai thác dầu khí được hối hả xây dựng. Quân đội điều cả lực lượng xây dựng cảng bãi. Xí nghiệp liên doanh Việt - Xô gấp rút xây dựng một khu nhà năm tầng ở Vũng Tàu và hai giàn khai thác cố định MSP - 1, MSP - 2 trị giá hàng chục triệu đôla. Lẽ ra phải thăm dò đảm bảo được trữ lượng dầu khí công nghiệp mới tính đến chuyện này.

“Nhiều người lo lắm. Cảm giác đi tắt mà chưa biết chính xác cái gì đang đợi mình”. TS San kể sự đầu tư này chủ yếu dựa trên cơ sở tài liệu tìm thấy dầu của Mobil trước năm 1975 và kết quả khảo sát địa vật lý. Ngay cả khi dòng dầu công nghiệp đầu tiên tìm thấy ở mỏ Bạch Hổ 5, năm 1984, việc đầu tư vẫn mong manh vì lưu lượng dầu quá thấp. Trong lúc đó, đất nước lại đang quá khó khăn. Một đồng ngoại tệ, một bao ximăng, một thanh sắt đều rất quý hiếm.

Nhiều cuộc họp căng thẳng về “bước đi tắt phiêu lưu” này đã nổ ra. TS San và các bạn Liên Xô phải đóng cửa phòng họp, để những lời to tiếng không lọt ra ngoài. Ông nhớ mãi chuyên gia Seremeta nói thẳng: “Thế các anh muốn VN sớm có dầu không? Các anh thử chỉ cho xem ở VN có chỗ nào triển vọng hơn Bạch Hổ để đầu tư khai thác sớm? VN phải sớm có dầu. Nhưng trường hợp xấu nếu không có dầu, thì vẫn để lại cho các bạn khu nhà ở năm tầng, cảng biển Vũng Tàu, có rủi ro chỉ là hai giàn khai thác MSP”.

Thế rồi, niềm vui thấy dầu ở Bạch Hổ vừa bùng lên, người trong cuộc đã lo âu. Lưu lượng dầu khí thử ở mỏ này chỉ 20 tấn/ngày, bằng 1/15 lưu lượng mà Mobil công bố trước năm 1975. Tại sao? Một số người le lói suy nghĩ: “Phải chăng chính quyền Sài Gòn đã làm tài liệu giả để tuyên truyền?”. Các giàn MSP- 1, MSP- 2 cũng đã được kéo ra Bạch Hổ để khai thác dầu. TS San kể: “Ngay chọn giếng cũng phức tạp. Có nhóm muốn khoan gần giếng Bạch Hổ 5 để chắc ăn. Còn Vietsovpetro lại tính khoan phía bắc, cách đó khoảng 10km. Sự việc phải báo lên Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười và được chuẩn thuận”. Ngày 22-7-1984, mũi khoan bắt đầu xuống lòng giếng Bạch Hổ 4, và đến ngày 15-2-1985 thì dầu phun lên với lưu lượng khoảng 1.200 tấn/ngày. Đích thân Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Phạm Văn Đồng, Phó chủ tịch Đỗ Mười đi tàu trong biển động ra chúc mừng giàn.

Niềm vui tấn dầu công nghiệp Bạch Hổ đầu tiên được bơm lên ngày 26-8-1986 vừa lóe thì sản lượng khai thác tụt nhanh. Giàn MSP-1 ở Bạch Hổ khai thác chưa đến 100 tấn dầu/ngày và có dầu hiệu tắt dần. TS San xúc động: “Trong lúc có suy nghĩ bi quan trữ lượng dầu VN quá nhỏ không đáng đầu tư khai thác, tôi nhìn đuốc dầu cháy leo lét ở giàn khoan mà bùi ngùi!”. Có người còn nặng nề: “Chắc cưa bán sắt vụn các giàn này, vì có mấy dầu đâu mà khai thác”! Bên nửa kia trái đất, Matxcơva cũng quan tâm sát sao. Nhiều chuyên gia Liên Xô bị thuyên chuyển công tác. Tại Vũng Tàu, đại tướng Võ Nguyên Giáp về thăm, yêu cầu báo cáo rõ thực trạng Bạch Hổ.

Lúc này, làn gió đổi mới đã bắt đầu lay động đất nước. Người dân chưa được biết nội tình dầu khí bấp bênh. Nhưng người trong cuộc như ngồi trên đống lửa. Cuộc trường chinh tìm “vàng đen” ròng rã suốt từ năm 1961 chẳng lẽ cũng không đủ thắp... đèn dầu?

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Kỳ 2: Kỳ 3: Kỳ 4: Kỳ 5: Bước ngoặt lịch sử

------------------------------------

Một bí mật lớn nhất được khám phá ở thềm lục địa và VN bắt đầu có một nền công nghiệp dầu khí thật sự. Bên những đuốc dầu rực sáng, quốc kỳ VN cũng phần phật tung bay khẳng định chủ quyền Tổ quốc...

Kỳ cuối: Rực sáng đuốc dầu

QUỐC VIỆT
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp