27/02/2018 09:53 GMT+7

Cuộc ‘hôn nhân’ 27 năm cứu sống hàng triệu người

BÍCH THẢO
BÍCH THẢO

TTO - Từ yêu cầu giải giải quyết ngay tình trạng bệnh sốt rét lên đến hàng triệu ca một năm ở VN, đã dẫn đến một sự hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Việt Nam và Anh, và kết quả của cuộc 'hôn nhân' này là hàng loạt thành tựu y khoa đáng nể đã ra đời.

Cuộc ‘hôn nhân’ 27 năm cứu sống hàng triệu người - Ảnh 1.

Phòng an toàn sinh học cấp độ 3 - rất ít viện/bệnh viện ở VN trang bị được phòng này - Ảnh: Bích Thảo

Vietnam Oucru (Oxford University Clinical Research Unit in Vietnam - đơn vị nghiên cứu lâm sàng trực thuộc ĐH Oxford Vương quốc Anh) có 27 năm hoạt động trong khuôn viên bệnh viện Chợ Quán cũ nay là bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM.

Năm 1990, lần đầu tiên trung tâm bệnh Nhiệt đới (bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sau này) kí bản ghi nhớ hợp tác nghiên cứu với tổ chức Welcome Trust lập ra đơn vị nghiên cứu lâm sàng tại TP.HCM (Oucru).

Qua 27 năm, Oucru cùng các bác sĩ Việt nam đã làm những điều bất ngờ mà ít ai biết đến: đóng góp hơn 90% trong nội dung khuyến cáo của WHO điều trị sốt rét, là một "căn cứ" giúp Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cứu sống hàng ngàn trẻ em bị sốt rét ở Châu Phi. Lần đầu tiên, Oucru giải mã toàn bộ gen vi trùng thương hàn trên 1 trẻ nhiễm bệnh giúp hiểu rõ hơn đặc tính của vi trùng này. Các nghiên cứu về kháng sinh giúp thay đổi phác đồ điều trị từ 15 ngày xuống chỉ còn 2-3 ngày.

Oucru cũng đào tạo các tên tuổi giáo sư Y khoa nổi tiếng như TS.BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu (giám đốc bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM), TS.BS Hồ Đặng Trung Nghĩa (trưởng bộ môn Nhiễm - ĐH Y Khoa Phạm Ngọc Thạch), TS Nguyễn Thị Bạch Huệ (Phòng thí nghiệm sinh học phân tử - ĐH Khoa học tự nhiên - ĐH Quốc gia TP.HCM)….


Cuộc ‘hôn nhân’ 27 năm cứu sống hàng triệu người - Ảnh 3.

Lực lượng nghiên cứu tại đây lên đến hàng trăm người. Trong ảnh: một trong những tấm bảng giới thiệu các nhà nghiên cứu của Vietnam Oucru - Ảnh: Bích Thảo

Khởi đầu từ sốt rét ác tính

GS TS Trần Tịnh Hiền, nguyên phó giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, nhắc lại câu chuyện hơn một triệu ca sốt rét vào năm 1988, trong đó gần một nửa trong 5.000 ca ác tính tử vong.

Giáo sư Nicolas White (ĐH Oxford), BS Trần Tịnh Hiền và BS Nguyễn Hữu Trí (giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới) đã sử dụng khoản viện trợ 30.000 USD để nghiên cứu nhằm xác định vai trò của artesunate trong điều trị sốt rét ác tính.

Việc artesunate tiêm tĩnh mạch, phát triển các thuốc mới kết hợp 3 Arteminisin (DHA + PPQ + MQ) vừa giải quyết mối đe doạ kháng kháng sinh lan rộng vừa giảm chi phí điều trị đã giúp hàng ngàn người thoát chết vì sốt rét ác tính.

Trao đổi với chúng tôi, diễn viên - MC Quyền Linh nhớ lại: "sau lần đóng phim ở rừng những năm 90, tôi nằm viện cả tháng trời vì sốt rét ác tính. Nếu không có sự chữa trị nhiệt tâm từ chương trình hợp tác giữa các bác sĩ Việt Nam và nước ngoài lúc ấy, chắc tôi khó qua nổi!".

Năm 1993, một trận dịch bùng nổ Kiên Giang. Bệnh nhân nằm la liệt khiến Sở Y tế Kiên Giang cầu cứu Bộ Y tế về ‘căn bệnh lạ’ có nguy cơ lan rộng khắp miền Nam. Nhóm chuyên gia bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Viện Pasteur TP.HCM trong đó có GS Hiền được cử về tìm hiểu dịch. "Bệnh lạ" này được xác định là thương hàn kháng (lờn) thuốc.

Cấy máu tại Oucru cho thấy, các chủng s.typhi phân lập ở miền Nam đã có tỉ lệ kháng thuốc lên đến 98%. 4 tỉnh miền Trung (Quảng Bình, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Bình Định), tỉ lệ kháng thuốc từ 54 - 59%.

Một cơ sở điều trị tạm thời ngay lập tức được dựng lên ngay cánh đồng khô trước trạm y tế xã của huyện An Minh tỉnh Kiên Giang. Không có điện, lọ cấy máu được ủ trong xửng hấp bánh bao trên ngọn đèn dầu.

Ấy vậy, sau 2 tháng, dịch được dập. Liệu trình điều trị áp dụng không gây bất kì tác dụng phụ nào lên xương khớp trẻ em.

Sau đó, lần đầu tiên trên thế giới, Oucru tiến hành giải phẫu gen vi trùng thương hàn trên một bệnh nhi tỉnh Đồng Tháp. Bộ gen mang tên S.Typhi CTI8 từ VN được Oucru chuyển về Viện Sanger, Cambridge (Anh). Kết quả này đến nay vẫn được áp dụng tại Nepal trong điều trị bệnh nhiễm trùng đường ruột.

Những bài báo về sốt rét đến thương hàn, uốn ván, sốt xuất huyết Dengue… được nghiên cứu tại Việt Nam lần lượt được đăng tải trên tạp chí New England Journal of Medicine - tạp chí y khoa uy tín nhất thế giới khi con số tử vong vì uốn ván ở trẻ sơ sinh giảm thần kỳ ( 66%).

Cuộc ‘hôn nhân’ 27 năm cứu sống hàng triệu người - Ảnh 4.

Máy phân tích toàn bộ gen của Vietnam Oucru - Ảnh: Bích Thảo

Tháng 8-2004, Chính phủ Việt Nam chấp thuận chủ trương dự án đầu tư và UBND TP.HCM cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án giữa bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và OUCRU nghiên cứu chuyên sâu sốt xuất huyết Dengue, lao, HIV, cúm, các bệnh nhiễm trùng thần kinh trung ương. Các nghiên cứu cúm trở thành căn cứ quan trọng khi cúm gia cầm H5N1 xuất hiện tại VN và nhiều điểm trên thế giới.

Năm 2006, Oucru tại TP.HCM trở thành trung tâm đầu tiên trên thế giới triển khai thử nghiệm các thuốc ức chế virus và điều hòa miễn dịch trên sốt xuất huyết, được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thiết lập tiêu chuẩn toàn cầu trong điều trị sốt xuất huyết.

Cuộc "hôn nhân" đáng nể trong y học

Hiện ĐH Oxford có 4 trung tâm (unit) nghiên cứu bệnh nhiệt đới đặt tại Thái Lan, Việt Nam, Keneya, Gambia. Việt Nam điều hành 2 chi chánh (sub unit) tại Indonesia và Nepal.

Tại Oucru VN, hằng năm, có đến hàng trăm bài báo, công trình khoa học được đăng trên các tạp chí chuyên ngành có uy tín trên thế giới.

"Trong khoa học, người nghiên cứu thường có xu hướng chứng minh cái mình nghĩ là đúng". Thế nên, Oucru có ban quản lý số liệu độc lập dùng thuật toán thẩm định, kiểm tra (clean) từng biểu, số liệu thống kê đảm bảo tính chính xác cao nhất. Hàng trăm bài báo, công trình Oucru Việt Nam thực hiện mỗi năm chuyển về Anh hay đăng trên các tạp chí khoa học hàng đầu thế giới minh chứng năng lực nghiên cứu khoa học của đội ngũ bác sĩ Việt Nam. Vắcxin sốt rét uốn ván, phác đồ điều trị thương hàn lưu hành thế giới đều xuất phát nghiên cứu tại Việt Nam", GS -TS Trần Tịnh Hiền phân tích.

Cuộc ‘hôn nhân’ 27 năm cứu sống hàng triệu người - Ảnh 5.

Các bảng vinh danh những tiến sĩ y khoa do 'lò' Vietnam Oucru đào tạo. Tại Vietnam Oucru có nhiều bức tường vinh danh như vậy - Ảnh: Bích Thảo

Hợp tác giữa bệnh viện Nhiệt đới TP.HCM và Oucru được ví như "cuộc hôn nhân" 27 năm cùng trải qua "trái ngọt, trái đắng" để tạo những dấu ấn trong kiểm soát và điều trị các bệnh truyền nhiễm Việt Nam.

Vacxin sốt rét, thương hàn, uốn ván cho đến phác đồ điều trị trong lao, lao màng não, nhiễm khuẩn đường ruột được phổ biến trên thế giới ngày nay xuất phát từ những nghiên cứu từ VN mà Oucru chính là cái "nôi" để các bác sĩ Việt Nam chạm đến những thành tựu y khoa đáng nể trên thế giới.

Cuộc ‘hôn nhân’ 27 năm cứu sống hàng triệu người - Ảnh 6.

Số chai rượu chờ được 'cạn' trên tủ bếp của hội trường là số nghiên cứu sinh tiến sĩ của trung tâm này - Ảnh: Bích Thảo

BÍCH THẢO
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp