Chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 329 - Học bổng “Tiếp sức đến trường” 2012 cho tân sinh viên Tây nguyên
Cuộc hội ngộ 150 ý chí vượt khó đất Tây nguyên
TTO - Sáng 8-9, 150 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Tây nguyên đã có buổi hội tụ xúc động tại lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” được tổ chức tại Trung tâm văn hóa tỉnh Đắk Lắk.
Chương trình do báo Tuổi Trẻ phối hợp với Sở GDĐT - Tỉnh đoàn - Đài Phát thanh truyền hình Đắk Lắk tổ chức với sự tài trợ của Tổng Công ty phân bón Bình Điền.
Phóng to |
Khác hoàn cảnh, chung ý chí
Phóng to |
Xem video |
Phó bí thư tỉnh ủy Đắk Lắk Cao Đức Khiêm: “Học bổng của báo Tuổi Trẻ và các nhà tài trợ là sự ghi nhận và chia sẻ kịp thời để các tân sinh viên vượt qua giai đoạn khó khăn vào trường đại học”. |
Cả hội trường lắng đọng khi clip giới thiệu câu chuyện về nghị lực và ý chí của các bạn tân sinh viên ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Nông, Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum.
Ở phía dưới hàng ghế, cô học trò Hoàng Thị Thủy - quê ở xã Đắk Rông (huyện Cư Jút, Đắk Nông) đã bưng mặt khóc khi nhìn thấy hình ảnh người cha của mình với đôi chân trần đi cuốc ruộng thuê để kiếm tiền nuôi con đi học.
Gia đình Thủy khó nghèo, bố mẹ ốm đau, cơm ăn không đủ no nhưng bù lại Thủy lại có một ý chí tuyệt vời được nuôi suốt 12 năm đi học. Chính ý chí đó đã giúp Thủy đậu điểm cao vào ngành Cử nhân Văn - Trường ĐH Tây nguyên kì thi vừa qua.
“Chúng tôi đã đưa học bổng đến nhiều vùng miền, mỗi năm lại có những hoàn cảnh nghèo khó khác nhau nhưng lần nào cũng hết sức xúc động khi được nghe câu chuyện của chính các bạn sinh viên. Chính tấm gương của các bạn đã thôi thúc chúng tôi phải duy trì và đưa học bổng đến nhiều vùng miền hơn nữa”. Ông LÊ QUỐC PHONG - tổng giám đốc Công ty phân bón Bình Điền - đại diện nhà tài trợ nói về cảm xúc của mình tại lễ trao học bổng. |
Khác về hoàn cảnh nhưng lại cùng nhau ở ý chí với 150 bạn tân sinh viên được trao học bổng lần này, câu chuyện của Nay Lép đã vượt ra khỏi sự khốn khó, những ngày tháng sống không có cha mẹ khi cả bố mẹ của Lép đã qua đời để đến hôm nay Lép đã là tân sinh viên ĐH Tây nguyên.
Khi đoạn phim giới thiệu về hoàn cảnh của mình, dưới hàng ghế chúng tôi thấy Lép không khóc, có lẽ sự rắn rỏi của người Ja Rai và những thiệt thòi về hoàn cảnh đã giúp Lép có một ý chí vững vàng. Tuy nhiên nhiều bạn học sinh tại TP Buôn Ma Thuột về tham dự lễ trao học bổng đã rơi nước mắt khi thấy Lép mặc chiếc áo rách vai và đôi dép “tổ ong” bị sứt để đến trường.
“Tôi rất tự hào về con trai”
“Điểm nhấn” của lễ trao học bổng là khi tân sinh viên Phạm Sơn cùng mẹ và cô giáo của mình là Từ Thị Hoàng bước lên sân khấu để chia sẻ câu chuyện của mình. Sơn thiếu vắng cha từ nhỏ, phải phụ mẹ nuôi em, mẹ đi bán vé số. Trước ngày đi nhập học Sơn đã về thành phố sớm hơn để đi xin việc làm thuê. Trong lá thư đầu tiên Sơn gửi về cho mẹ sau khi đi nhập học có đoạn viết: “Mẹ và em con đã nuôi con đến ngày hôm nay, con đã về thành phố nhập học và cũng đang đi làm để kiếm tiền để mẹ đỡ khổ, mẹ ở nhà nhớ giữ gìn sức khỏe và chăm sóc em”.
Phóng to |
Các bạn tân sinh viên về nhận học bổng tham quan TP Buôn Ma Thuột - Ảnh: Thái Bá Dũng |
Riêng người mẹ ngày ngày mẹ Sơn mua ve chai, rong ruổi bán vé số kiếm sống nuôi hai con đã không dấu vẻ "rất tự hào về con trai".
Theo dõi qua truyền hình trực tiếp, một nhà hảo tâm, ông Hoàng Văn Xuân - phó giám đốc VQG Yok Đôn đã xúc động và chạy tới hội trường để “thưởng nóng” cho Sơn học bổng trị giá hai triệu đồng.
Buổi trao học bổng đã đọng lại với ý chí vượt khó của các bạn tân sinh viên như lời chia sẻ của ông Tăng Hữu Phong - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ: “Cuộc sống đã ngày một đổi khác nhưng vẫn có những hoàn cảnh khó khăn cần được tiếp sức. Các bạn tân sinh viên được nhận học bổng hôm nay đang sở hữu tài sản quí giá nhất mà không phải ai cũng có được: đó là ý chí. Tôi tin các bạn sẽ vượt qua khó khăn để thành đạt.
Năm nay, học bổng được trao cho 150 tân sinh viên các tỉnh Tây nguyên với giá trị mỗi suất là năm triệu đồng.
THÁI BÁ DŨNG
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận