Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên - Ảnh: AFP
Hãng tin Reuters trích lời ông Triệu Lập Kiên nhấn mạnh sẽ không có sự thỏa hiệp trong vấn đề Tân Cương, Hong Kong. Ông này cũng bác bỏ cuộc gặp ở Alaska là chuyến đi tiền trạm nhằm chuẩn bị cho cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Đại diện Bộ Ngoại giao Trung Quốc tránh đi vào chi tiết, mà chỉ nói chung chung rằng cuộc gặp ở Alaska sẽ thảo luận về "các vấn đề đem lại lợi ích chung, bao gồm cả trao đổi cấp cao".
Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cũng đưa ra một thông điệp tương tự ngày 17-3. Ông Thôi bày tỏ hi vọng cuộc gặp ở Alaska sẽ mở đường cho các "đối thoại và liên lạc phù hợp giữa hai nước".
Tuy nhiên, đại sứ của Trung Quốc nhấn mạnh Bắc Kinh sẽ không vì thế mà thỏa hiệp "các lợi ích cốt lõi" với Mỹ.
Tuyên bố của các quan chức Trung Quốc được đưa ra ngay trước cuộc gặp trực tiếp đầu tiên của quan chức ngoại giao cấp cao Mỹ - Trung dưới thời Tổng thống Joe Biden.
Theo Hãng thông tấn AP, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ gặp Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc phụ trách đối ngoại Dương Khiết Trì tại bang Alaska trong ngày 18-3 (giờ địa phương).
Ông Blinken trước đó đã tới thăm Nhật Bản và Hàn Quốc trong sự chú ý sát sao của truyền thông Trung Quốc. Thông điệp tập hợp đồng minh được ông cùng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đưa ra trong chuyến công du, điều mà truyền thông Trung Quốc cho là nhắm vào nước này.
Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì (trái) là người có nhiều kinh nghiệm về Mỹ và từng đảm nhận vị trí đại sứ Trung Quốc tại Mỹ - Ảnh: REUTERS
Việc Mỹ chọn Alaska làm nơi gặp mặt thay vì Washington dường như là một sự thỏa hiệp, theo giới quan sát, cho thấy cả Mỹ lẫn Trung Quốc đều cùng đi một quãng đường xa để gặp nhau, không phải một bên ngồi chờ bên còn lại.
Hãng tin AP nhận định sẽ khó có đột phá nào đạt được sau cuộc gặp ở Alaska. Ngoại trưởng Mỹ Blinken trước đó bác bỏ việc Mỹ đang đặt nhiều kỳ vọng trong mối quan hệ với Bắc Kinh. Ông khẳng định Mỹ sẽ dựa trên "những tiến triển và kết quả hữu hình" sau cuộc gặp Alaska để quyết định có các cuộc tiếp xúc tiếp theo hay không.
Các cuộc hội đàm cấp cao Mỹ - Trung thường diễn ra dưới thời các chính quyền tiền nhiệm của ông Biden, nhưng gần đây đã vấp phải nhiều chỉ trích vì không đạt được tiến bộ đáng kể.
"Nếu người Trung Quốc tiếp tục lặp lại thông điệp rằng Mỹ phải chịu trách nhiệm cho các vấn đề phát sinh trong quan hệ Mỹ - Trung và quả bóng đang ở phần sân Mỹ, cuộc gặp này coi như chẳng đạt được gì tích cực" - bà Bonnie Glaser, chuyên gia Mỹ nghiên cứu về Trung Quốc, nêu quan điểm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận