Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trò chuyện với ông Kim Jong Un trong cuộc gặp ở Đại Liên - Ảnh: REUTERS
Thông tin trên đã được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng chủ động tiết lộ trong một cuộc họp báo ở Bắc Kinh ngày 9-5, theo hãng thông tấn Yonhap (Hàn Quốc).
Khi được hỏi làm cách nào mà cuộc gặp diễn ra, ông Cảnh trả lời rằng chính phía Bình Nhưỡng đã đề xuất và ông Tập đã đồng ý gặp.
Về kết quả cuộc gặp, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết việc liên lạc mang tính chiến lược giữa lãnh đạo hai nước Trung Quốc và sẽ có ích cho các diễn biến tích cực trong quan hệ song phương.
"Hiện tại tình hình chính trị trên bán đảo Triều Tiên rất phức tạp và đang thay đổi nhanh chóng. Cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Triều Tiên sẽ đóng góp cho quá trình phi hạt nhân hóa và đạt được hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo Triều Tiên" - ông Cảnh tuyên bố.
Chuyến thăm của ông Kim Jong Un tại thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh, đông bắc Trung Quốc trong hai ngày 7 và 8-5 diễn ra khoảng 40 ngày sau khi ông có cuộc gặp thượng đỉnh với ông Tập lần đầu tiên ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 3.
Chủ tịch Tập Cận Bình tiếp đón Lãnh đạo Kim Jong Un lần thứ 2 - Video: CGTN
Cuộc gặp Kim-Tập lần 2 cho thấy Trung Quốc không muốn bị "ra rìa" trong quá trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Triều Tiên, và để khẳng định với Mỹ về vị trí quan trọng không thể thiếu của Bắc Kinh trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên.
Cuộc gặp Kim-Tập lần trước diễn ra theo sau lời mời của ông Tập. Tuy nhiên, tiết lộ của ông Cảnh về lời đề xuất gặp mặt lần 2 của Triều Tiên cho thấy rõ ràng Triều Tiên vẫn còn bất an trước thềm thượng đỉnh Mỹ-Triều.
Một mặt, ông Kim Jong Un muốn được Trung Quốc cho lời khuyên trước khi bước ra "vũ đài quốc tế". Mặt khác, ông Kim cũng ngầm truyền thông điệp đến Washington rằng phía sau Triều Tiên vẫn còn sự hiện diện của Trung Quốc. Bất kỳ quyết định nào của ông Trump khi đưa ra cũng phải cân đo đong đếm kỹ lưỡng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) trong cuộc gặp lần 1 với ông Kim Jong Un ở Bắc Kinh hồi cuối tháng 3-2018 - Ảnh: REUTERS
Thật vậy, ngay sau chuyến thăm của ông Kim tại Đại Liên, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có cuộc điện đàm với nhau. Một trong những nội dung đáng chú ý là ông Tâp khẳng định ủng hộ thượng đỉnh Mỹ - Triều, nhưng đề nghị ông Trump xem xét "lo ngại an ninh hợp lý" của Bình Nhưỡng.
Với Triều Tiên, việc được đảm bảo an ninh, bằng cách Mỹ và phương Tây cam kết từ bỏ các âm mưu lật đổ chế độ Bình Nhưỡng, được xem là một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu để nước này từ bỏ kho vũ khí hạt nhân của mình. Chuyến thăm Đại Liên của ông Kim cho thấy Bình Nhưỡng vẫn còn nhiều lo ngại liên quan tới vấn đề này.
Trong một diễn biến liên quan, trong cuộc gặp ngày 9-5 bên lề thượng đỉnh 3 bên ở Tokyo, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cũng đã kêu gọi "cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, phải tham gia tích cực vào việc đảm bảo một tương lai tươi sáng cho Triều Tiên thông qua đảm bảo an ninh và hỗ trợ phát triển kinh tế nếu Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận