Theo báo New York Times, năm 2024 hứa hẹn sẽ có nhiều sự kiện đáng nhớ hơn nữa "trên các bệ phóng, trên quỹ đạo và xung quanh hệ Mặt trời", sau loạt sự kiện lớn trong năm 2023. Tạp chí Nikkei Asia cho rằng các hoạt động không gian - cả của nhà nước và tư nhân - sẽ gia tăng với sự tham gia của các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản.
Đến với "chị Hằng"
Sau thành công của tàu vũ trụ Chandrayaan-3 đến từ Ấn Độ vào ngày 23-8-2023, Nhật Bản đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia thứ 5 đưa tàu vũ trụ đáp lên bề mặt Mặt trăng trong tháng 1-2024.
Nhật Bản sẽ nỗ lực thực hiện màn hạ cánh "chính xác" đầu tiên trên thế giới lên bề mặt Mặt trăng vào ngày 20-1.
Nước này đặt mục tiêu đưa tàu đổ bộ thông minh thăm dò Mặt trăng (SLIM, đã phóng từ tháng 9-2023) đáp xuống trong phạm vi 100m xung quanh vị trí đã xác định (ít hơn nhiều so với phạm vi thông thường là vài km), tại khu vực gần miệng núi lửa Shioli.
Nhật Bản là nước có lịch sử khám phá không gian lâu dài, khi từ năm 1970 trở thành quốc gia thứ tư đưa vệ tinh vào quỹ đạo sau Liên Xô, Mỹ và Pháp. Nhưng hiện nay tại châu Á, Trung Quốc và Ấn Độ đang vươn lên mạnh mẽ.
Ông Atsushi Murakami, chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh Satellite Business Network, bình luận: "Mỹ và Trung Quốc đã là những người chơi thống trị trong không gian và họ đang mở rộng sự thống trị của mình. Liệu Nhật Bản có thể chen vào hay không?".
Trong khi đó, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) muốn đưa các phi hành gia Mỹ quay trở lại bề mặt Mặt trăng trong những năm tới với Chương trình Artemis. Tuy nhiên, trước khi điều đó có thể xảy ra, nhiều thứ phải diễn ra suôn sẻ.
Nổi bật trong năm 2024 sẽ là Sứ mệnh Artemis 2. Dự kiến vào tháng 11-2024, có 4 phi hành gia sẽ du hành vòng quanh Mặt trăng và quay trở lại.
Họ sẽ là những người đầu tiên du hành gần Mặt trăng kể từ năm 1972 - thời điểm sứ mệnh Apollo 17 kết thúc. Để làm điều đó, NASA sẽ cần giải quyết các vấn đề với tấm chắn nhiệt trên tàu vũ trụ của các phi hành gia cũng như các vấn đề khác.
Trung Quốc cũng lên kế hoạch hạ cánh lên Mặt trăng lần thứ tư. Tàu thăm dò Chang'e-6 (Hằng Nga 6) có thể tiến về phía vùng tối của Mặt trăng vào tháng 5-2024, thu thập các mẫu đá và bụi Mặt trăng để mang về Trái đất nghiên cứu.
Trong khi đó, Ấn Độ đặt mục tiêu bắt đầu một loạt chuyến bay thử nghiệm để chuẩn bị cho chuyến bay vũ trụ có phi hành gia vào năm 2025.
Tháng 12-2023, Ấn Độ đã đưa ra tầm nhìn xây dựng trạm vũ trụ mới vào năm 2035 và đưa những người Ấn Độ đầu tiên lên Mặt trăng vào năm 2040.
Tóm lại, theo New York Times, trong năm 2023 có ba sứ mệnh hạ cánh lên Mặt trăng, nhưng chỉ có một sứ mệnh (Chandrayaan-3 của Ấn Độ) thành công.
Trong năm 2024, có ít nhất bốn sứ mệnh hạ cánh lên Mặt trăng, gồm SLIM của Nhật Bản, hai sứ mệnh khác đến từ các công ty tư nhân (với NASA là khách hàng chính của họ), và Hằng Nga 6 của Trung Quốc.
Tên lửa đẩy tái sử dụng
2023 là năm chứng kiến nhiều sự kiện lớn trong cuộc chinh phục vũ trụ của nhân loại: Ấn Độ đưa tàu vũ trụ đáp xuống cực nam Mặt trăng, NASA mang các mẫu vật tiểu hành tinh về Trái đất để nghiên cứu, Công ty SpaceX của tỉ phú Elon Musk phóng gần 100 tên lửa, trong khi Nhật Bản và châu Âu đưa các kính viễn vọng không gian mới vào quỹ đạo...
Trong đó, việc công ty vũ trụ tư nhân SpaceX phóng gần 100 tên lửa trong năm 2023 đã đưa hoạt động không gian thương mại lên tầm cao mới.
Trong lĩnh vực tên lửa đẩy, một trong những trọng tâm là khả năng tái sử dụng - cách tiếp cận do SpaceX tiên phong.
Công ty vũ trụ tư nhân này đã cho tên lửa đẩy hạ cánh thành công sau khi phóng vào năm 2015, và sau đó phóng tên lửa đẩy tái chế vào năm 2017.
Hiện nay SpaceX trong quá trình phát triển tàu vũ trụ Starship khổng lồ nhằm cung cấp phương tiện vận chuyển cho các sứ mệnh của con người lên Mặt trăng và sao Hỏa, đồng thời có khả năng tái sử dụng nhanh chóng.
Sau khi quay trở lại từ không gian, Starship có thể được tiếp nhiên liệu và sẵn sàng phóng trở lại sau khoảng thời gian ngắn.
SpaceX vẫn đang là nhà khai thác thương mại duy nhất các tên lửa có thể tái sử dụng. Tuy nhiên, tên lửa đẩy Falcon 9 có thể sẽ đối mặt nhiều đối thủ cạnh tranh, từ tên lửa Vulcan (liên doanh của Boeing và Lockheed Martin chế tạo), Ariane 6 (châu Âu), H3 (Nhật Bản) cho tới New Glenn (Công ty Blue Origin của tỉ phú Jeff Bezos).
Đáng chú ý, LandSpace Technology, công ty vũ trụ tư nhân của Trung Quốc, cũng đang lên kế hoạch phóng các tên lửa có thể tái sử dụng vào năm 2025 theo cách tiếp cận gần giống với SpaceX. Tên lửa LandSpace sẽ sử dụng khí metan làm nhiên liệu giống như Starship.
Nhiều sứ mệnh khác
Trong hệ mặt trời rộng lớn, sẽ còn có nhiều sứ mệnh khám phá lớn nhỏ khác trong năm 2024. Một sứ mệnh lớn đáng chú ý trong năm nay là Europa Clipper vào tháng 10, khi NASA phóng tàu Europa Clipper khám phá Europa - mặt trăng của sao Mộc. Europa có bề mặt băng giá, được cho là đang che giấu một đại dương rộng lớn mà theo các nhà khoa học có thể chứa các điều kiện thích hợp cho sự sống.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận