02/03/2023 08:50 GMT+7

Cuộc đua trồng sầu riêng quá nóng

Nông dân tại nhiều địa phương, từ ĐBSCL cho đến Tây Nguyên vẫn đang đua nhau mở rộng diện tích trồng sầu riêng, chuyển đổi đất trồng lúa, cà phê và nhiều loại cây trái khác sang trồng sầu riêng bất chấp khuyến cáo của các cơ quan chức năng.

Do sầu riêng tăng giá mạnh sau khi được xuất khẩuchính ngạch sang Trung Quốc, nhiều người dân ào ạt trồng loại cây này - Ảnh: TRUNG TÂN

Do sầu riêng tăng giá mạnh sau khi được xuất khẩuchính ngạch sang Trung Quốc, nhiều người dân ào ạt trồng loại cây này - Ảnh: TRUNG TÂN

Theo các chuyên gia, nếu nông dân các địa phương cứ mở rộng diện tích sầu riêng, việc cung vượt cầu không còn là nguy cơ mà chắc chắn sẽ xảy ra, lại tái hiện cảnh chặt sầu riêng để trồng cây khác như từng diễn ra với mít Thái, thanh long, cam sành, hồ tiêu...

Tuy nhiên, cái khó cho cơ quan chức năng là chỉ khuyến cáo chứ không thể buộc nông dân trồng hay không trồng cây gì, ở đâu.

Vẫn trồng sầu riêng dù có nghe khuyến cáo

Dọc theo tỉnh lộ 918 (thuộc xã Giai Xuân, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), nhiều vườn vú sữa, chanh... đã và đang được nông dân đắp mô để chuẩn bị trồng sầu riêng. Ông Huỳnh Văn Bé (ấp Thới An, xã Giai Xuân) cho biết có nghe chính quyền khuyến cáo không nên ồ ạt trồng sầu riêng nhưng xoài Đài Loan, vú sữa đều rớt giá trong những năm gần đây, nên nhà vườn phải chuyển sang trồng sầu riêng do sầu riêng đang được giá.

Tương tự, ông Nguyễn Thanh Hùng (xã Giai Xuân) cho rằng nhà vườn thấy cây trồng nào có giá là trồng cây đó, chuyện đầu ra thế nào thì "chừng đó mới tính", còn "khuyến cáo không trồng cây sầu riêng thì khuyến cáo vậy thôi".

Theo Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, TP Cần Thơ, diện tích trồng cây sầu riêng của huyện đã tăng vọt lên hơn 2.500ha, vượt quy hoạch gần 500ha và còn tiếp tục tăng lên vì nhiều nhà vườn đã trồng xen vào vườn cây ăn trái.

Tại Tiền Giang và Đồng Tháp cũng ghi nhận diện tích trồng mới sầu riêng tăng lên từng ngày và vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Nông dân vẫn "đua nhau" chuyển từ đất lúa và các loại cây ăn trái khác sang trồng sầu riêng. Theo số liệu của Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang, tính đến cuối năm 2022, diện tích sầu riêng toàn tỉnh hơn 17.653ha, chủ yếu tập trung tại các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành và thị xã Cai Lậy.

Anh Trần Đăng Khoa (xã Tân Lập, Tân Thạnh, Long An) chuẩn bị thu hoạch 1ha vườn sầu riêng, khu đấttrước đây trồng lúa nhưng mới được chuyển sang trồng sầu riêng trong mấy năm gần đây - Ảnh: M.TRƯỜNG

Anh Trần Đăng Khoa (xã Tân Lập, Tân Thạnh, Long An) chuẩn bị thu hoạch 1ha vườn sầu riêng, khu đấttrước đây trồng lúa nhưng mới được chuyển sang trồng sầu riêng trong mấy năm gần đây - Ảnh: M.TRƯỜNG

Chị Nguyễn Thị Kim Vàng (xã Tân Kiều, huyện Tháp Mười, Đồng Tháp) cho hay "trồng đại" 2ha sầu riêng không ngờ có lời vì trúng giá. Do đó, gia đình chị đang tiếp tục phá thêm 1ha đu đủ để tiếp tục trồng sầu riêng.

"Trung bình mỗi cây thu hoạch được 100kg, tôi vừa cân cho thương lái đợt sầu riêng đầu tiên với giá 120.000 đồng/kg, gấp đôi so với năm ngoái. Lúc đầu trồng tôi cũng không ngờ giá sầu riêng tăng cao như vậy", chị Vàng nói.

Ông Phạm Hữu Thức (ấp 2, xã Tân Kiều) cũng đã chuyển đổi 3ha trồng lúa sang trồng sầu riêng được 11 tháng vì thấy lợi nhuận cao gấp nhiều lần. "Tôi trồng 450 gốc giống sầu riêng Monthong, tổng chi phí đầu tư ban đầu hơn 600 triệu đồng. Tôi đi nhiều nơi thấy bán có lời thì trồng", ông Thức cho biết.

Theo ông Trần Thanh Tâm - chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt tỉnh Đồng Tháp, ngành nông nghiệp Đồng Tháp đã khuyến cáo bà con nông dân thận trọng khi chuyển đổi cây trồng phải theo quy hoạch chung bởi toàn tỉnh có hơn 1.600ha trồng sầu riêng. "Chúng tôi đã chỉ đạo các địa phương giám sát chặt việc chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng cây ăn trái khác, đặc biệt là cây sầu riêng, đang nóng trong thời gian gần đây", ông Tâm nói.

"Vườn nhà mình, mình trồng"

Sau khi thu hoạch hơn 15 tấn trái từ 100 gốc sầu riêng trong vườn, ông Nguyễn Bốn (thôn 4, Đạt Lý, TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) cho biết do giá sầu riêng đang rất cao nên ông quyết định mở rộng diện tích trồng sầu riêng.

"Trước đây tôi nhờ kỹ thuật viên trồng chăm sóc sầu riêng hướng dẫn, giờ đã có kinh nghiệm, sầu riêng được giá, tôi mở rộng diện tích xuống thêm 100 gốc được một tháng nay", ông Bốn cho biết.

Theo ông Bốn, do được thị trường Trung Quốc nhập chính ngạch, giá sầu riêng đang ở mức cao, dù cũng đã nhận được khuyến cáo về nguy cơ nguồn cung sầu riêng sẽ lớn hơn nhu cầu do nhiều người mở rộng diện tích, giá sẽ lại giảm.

"Tôi nghe báo đài cũng khuyến cáo nhưng vườn nhà mình, mình trồng. Hơn nữa sầu riêng đã xuất chính ngạch, chắc chắn cây trái rất có giá trị. Nếu giá xuất khẩu giảm cũng còn tốt so với giá trong nước, chưa kể đây cũng là mặt hàng trái cây được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng nên tôi cũng không lo lắng mấy", ông Bốn nói.

Tương tự, nông dân Nguyễn Tám (huyện Cái Bè, Tiền Giang) đang đốn bỏ cây mít để trồng sầu riêng. "Nguyên thủy đây là đất nhà tôi trồng lúa. Mỗi năm chỉ lãi mấy chục triệu đồng, không đủ nuôi con ăn học. Tôi chuyển sang trồng mít, ban đầu cũng được mùa sau lại mất giá. Trước Tết, sầu riêng giá tại vườn rất cao, 100.000 - 150.000 đồng/kg và Trung Quốc ăn nhiều, tôi quyết định đốn mít để trồng sầu riêng", ông Tám giải thích.

Cũng theo ông Bốn, cái gì cũng bão hòa và nông dân phải chấp nhận nếu giá sầu riêng lại giảm khi nguồn cung tăng. "Đi họp ở huyện, khuyến nông huyện, lãnh đạo sở tỉnh cũng nói là không nên trồng ồ ạt cây sầu riêng, không nên chuyển đổi đất lúa... Nhưng lỡ xuống rồi, xuống 300 gốc. Không xuống cũng không biết trồng cây gì thay cây mít. Giờ cứ cây trái nào giá thành tốt, bà con quyết định thôi. Đất này là sở hữu của tôi, tôi quyết định kinh tế của mình", ông Bốn khẳng định.

Trong group mạng xã hội "Hội trồng sầu riêng, mít 4.0", đánh dấu mốc Trung Quốc cho xuất khẩu sầu riêng chính ngạch vào tháng 9 năm ngoái, những người trồng tham gia trong hội này ví là "sao ánh hào quang" và cùng "khoe" nhiều hình ảnh cây sầu riêng mới được trồng. Các chủ tài khoản đều mong muốn những năm tới bà con được mùa được giá.

Không thể buộc nhà vườn trồng cây gì!

Đắk Lắk cho biết sẽ không mở rộng diện tíchmà tập trung bảo vệ và mở rộng thêm mã vùngtrồng theo hướng chất lượng - Ảnh: TÂM AN

Đắk Lắk cho biết sẽ không mở rộng diện tích mà tập trung bảo vệ và mở rộng thêm mã vùngtrồng theo hướng chất lượng - Ảnh: TÂM AN

Về vấn đề này, GS.TS Nguyễn Bảo Vệ (Trường ĐH Cần Thơ) cho hay một thực tế rất đáng lo là có những khu vực người dân trồng sầu riêng ngay cả trên những vùng đất đai thổ nhưỡng không phù hợp, không hiệu quả với loại cây này. Có những vùng tuy không bị nước mặn đe dọa nhưng lại có nguy cơ bị lũ ảnh hưởng.

Hoặc có những vùng buộc phải đóng cống để ngăn mặn, khi đó phèn từ dưới đất sẽ xì lên ảnh hưởng đến cây trồng nhưng bà con vẫn đua nhau trồng sầu riêng. Do vậy, để hạn chế việc bà con nông dân ồ ạt trồng sầu riêng, chính quyền cơ sở ấp, xã phải xuống địa bàn sát dân hơn cảnh báo khuyến cáo nông dân, ông Vệ nói.

Ông Nguyễn Văn Út Em - trưởng Phòng NN&PTNT huyện Phong Điền, TP Cần Thơ - cho biết đã khuyến cáo bà con nông dân không đốn các cây trồng khác để trồng sầu riêng nhưng cũng gặp nhiều khó khăn.

"Chúng tôi đã nhiều lần khuyến cáo nông dân không ồ ạt trồng sầu riêng nhưng cũng không thể buộc nhà vườn phải trồng cây gì nếu không trồng sầu riêng", ông Út Em nói và cho biết còn muốn nhà vườn trồng cây khác phải lo đầu ra cho họ.

Ông Nguyễn Đình Tùng - tổng giám đốc Công ty Vina T&T, một trong 25 doanh nghiệp Việt Nam có mã số về sầu riêng, mã số vùng trồng xuất thị trường Trung Quốc - nhìn nhận "nhạc trưởng" của việc trồng bền vững sầu riêng do thị trường quyết định. Việc cảnh báo cũng không đem lại hiệu quả như kỳ vọng. Còn việc chuyển đất lúa sang cây trồng, cây lúa sang cây ăn trái, phá vỡ quy hoạch cây trồng là trách nhiệm của ngành nông nghiệp, chính quyền các địa phương.

"Dù có văn bản chỉ đạo, khuyến cáo, có chủ trương là sở NN&PTNT các tỉnh khuyến cáo rất kịp thời. Tuy nhiên, theo tôi nghĩ đất của nông dân, nông dân tự quyết định, tự trồng. Nhà nước, chính quyền chỉ dừng ở mức độ khuyến cáo những rủi ro nếu trồng sầu riêng ồ ạt. Còn cảnh báo cũng không phải là luật, rằng tôi cấm không cho anh trồng sầu riêng. Trong khi ý thức của bà con là được ăn, lỗ tự chịu", ông Tùng nói.

Cũng theo ông Tùng, nhất thiết phải kiểm soát chặt chẽ diện tích vùng trồng, nhưng thay vì cảnh báo những hệ quả khi tăng diện tích, nên có hiệp hội, tổ chức để chú trọng giữ vững thương hiệu, tuân thủ chặt chẽ quy định về chất lượng, độ an toàn của phía nhà nhập khẩu.

"Khi đã am hiểu "luật" mua của nhà nhập khẩu, chính nông dân lo ngại mà cân nhắc việc chuyển đổi diện tích cây trồng khác sang trồng sầu riêng", ông Tùng đề xuất.

Đắk Lắk lo cung vượt cầu

Theo Sở NN&PTNT tỉnh Đắk Lắk, diện tích sầu riêng tại địa phương vào khoảng 15.100ha, chiếm 17,6% diện tích cả nước, đứng thứ 2 cả nước về diện tích sầu riêng (sau Tiền Giang) và đang tăng lên nhanh chóng. Ước tính sản lượng thu hoạch năm 2022 khoảng 170.000 tấn và đến năm 2025 là hơn 300.000 tấn.

Để phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững, ông Nguyễn Hoài Dương, giám đốc Sở NN&PTNT Đắk Lắk, cho biết cơ quan này đã khuyến cáo nông dân không chạy đua mở rộng diện tích sầu riêng trong thời điểm này, tránh nguy cơ cung vượt cầu, giá giảm. Mặt khác, Đắk Lắk chưa có nhà máy quy mô lớn chế biến các sản phẩm từ trái cây, trong đó có sầu riêng, việc tự phát mở rộng diện tích sầu riêng sẽ có nguy cơ gặp rủi ro về thị trường tiêu thụ.

Cũng theo ông Dương, ngoài việc hỗ trợ nông dân áp dụng các giải pháp kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất sầu riêng, ngành nông nghiệp cũng xây dựng vùng trồng sầu riêng tập trung, tạo mối liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm giúp sản xuất sầu riêng ổn định, bền vững hơn.

TRUNG TÂN

Gặp khó do không có chế tài

Ông Nguyễn Như Cường, cục trưởng Cục Trồng trọt, cho rằng bộ trưởng Bộ NN&PTNT hay chủ tịch tỉnh cũng không thể bắt buộc người dân không trồng cây này phải trồng cây kia, mà các cơ quan quản lý nhà nước định hướng, khuyến cáo. Còn lựa chọn cuối cùng là người nông dân.

Cơ quan nhà nước chỉ đứng trên góc độ tổng thể như thị trường trong và ngoài nước, điều kiện tự nhiên, thị trường cạnh tranh... để khuyến cáo, cảnh báo nông dân chứ không thể cấm nông dân không được trồng cây này hay phải trồng cây khác. Trong thực tế, từng có phong trào trồng mít Thái rầm rộ sau đó phải chặt bỏ do giá loại trái cây này giảm, rồi đến thanh long và mới đây là cam sành...

"Nhưng nhiều nông dân nói trồng sầu riêng chỉ cần thu hoạch 2 - 3 vụ là ổn rồi. Tức là người dân mặc kệ cơ quan nhà nước khuyến cáo gì. Không có chế tài nên rất khổ", ông Cường nói.

T.THƯƠNG

Hậu quả khó lường nếu ào ạt trồng sầu riêng

Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam sang Trung Quốc thuận lợi đã thúc đẩy giá sầu riêng trong nước tăng nhanh nhưng cũng xuất hiện nguy cơ tăng diện tích ồ ạt. Bộ NN&PTNT định hướng cả nước phát triển khoảng 65.000 - 75.000ha sầu riêng, với sản lượng 830.000 - 950.000 tấn vào năm 2030. Tuy nhiên đến nay, diện tích sầu riêng đạt khoảng 110.000ha, vượt khoảng 35.000ha so với định hướng.

Một lãnh đạo Bộ NN&PTNT cảnh báo rằng việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, không theo khuyến cáo của các cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu. "Nghiêm trọng hơn là tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới tiêu sẽ gây thiệt hại nghiêm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam", vị này cảnh báo.

C.TUỆ

Thêm 163 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp mãThêm 163 vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc cấp mã

Thêm 163 mã số vùng trồng và 67 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam vừa được Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt. Đến nay, Việt Nam có khoảng 12.000ha sầu riêng được xuất chính ngạch sang thị trường 1,4 tỉ dân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp