Tháng trước, Mỹ đã công bố lộ trình và chiến lược quốc gia đầu tiên về hydrogen nhằm đưa Washington vượt lên dẫn đầu về loại năng lượng sạch này. Tuy nhiên, châu Âu dường như không mấy vui với kế hoạch này khi nhiều công ty tại khu vực này đã đội nón sang Mỹ.
Cuộc chiến xuyên Đại Tây Dương
Mới đây, các khoản hỗ trợ năng lượng sạch hấp dẫn của chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thuyết phục Nel, một nhà sản xuất Na Uy, chọn tiểu bang Michigan chứ không phải châu Âu để xây dựng nhà máy trị giá gần 500 triệu USD sản xuất thiết bị cần thiết để tách hydrogen từ nước.
Nhiều công ty khác tại châu Âu cũng đang định theo chân công ty này, khiến cuộc chiến thương mại xuyên Đại Tây Dương về năng lượng xanh nóng lên.
Các nước châu Âu đã tiên phong rót hàng chục tỉ USD để khuyến khích sản xuất hydrogen, loại năng lượng không tạo ra khí thải giúp chống biến đổi khí hậu cũng như tạo ra việc làm, qua đó giúp lục địa già trở thành trung tâm của đầu tư năng lượng sạch.
Tuy nhiên, Đạo luật giảm lạm phát (IRA) của Mỹ đã thay đổi cuộc chơi. Các khoản hỗ trợ khổng lồ từ IRA cùng với
Đạo luật chip và khoa học, dành cho phát triển công nghệ, lên đến 400 tỉ USD. Đó là chưa kể hỗ trợ riêng cho năng lượng tái tạo.
"Châu Âu bị lấn át bởi những con số mà chúng tôi thấy ở Mỹ", CEO Hakon Volldal của Nel giải thích với báo Politico. Nel là một trong những nhà sản xuất máy điện phân lớn nhất châu Âu để sản xuất hydrogen và nhà máy khổng lồ của họ ở bang Michigan sẽ là một trong những nhà máy lớn nhất thế giới.
Bà Mona Dajani, chuyên gia về các thỏa thuận năng lượng tái tạo toàn cầu tại Công ty luật Shearman và Sterling, cho biết sau khi IRA được thông qua, các quốc gia từ châu Âu, châu Á và Trung Đông đang đầu tư vào các dự án năng lượng sạch ở Mỹ với tốc độ chưa từng thấy.
Đáp lại những lời chỉ trích từ các đồng minh, Nhà Trắng khẳng định IRA "mang lại lợi ích cho cả Mỹ, các đối tác và đồng minh của Mỹ".
"IRA góp phần vào sự phát triển của ngành năng lượng sạch trên toàn cầu và mang lại những cơ hội quan trọng cho các đối tác của chúng tôi", Nhà Trắng nêu.
Cuộc đua có lợi
Jorgo Chatzimarkakis, CEO của Công ty Hydrogen Europe và là nhà vận động nổi tiếng của châu Âu, cho rằng chiến lược của Mỹ là bất công nhưng cũng một phần do kế hoạch của EU quá phức tạp khiến các doanh nghiệp không mặn mà.
Theo đó, các doanh nghiệp ở châu Âu phải trải qua một "quy trình đấu thầu" để chính phủ đánh giá các đề xuất trong khi các khoản hỗ trợ không phải lúc nào cũng có sẵn. Nhưng để nhận được trợ cấp của Mỹ, họ chỉ phải đáp ứng một số yêu cầu nhất định.
Một quan chức châu Âu cũng thừa nhận IRA có điểm hấp dẫn mà châu Âu không có như tín dụng thuế, song họ tin rằng châu lục này sẽ không dễ dàng mất thị trường vào tay Washington. EU hiện đang triển khai khoản tài trợ trị giá 800 triệu euro trong chương trình Ngân hàng Hydrogen để hỗ trợ chi phí sản xuất khí đốt và hàng loạt hỗ trợ khác.
"Nếu thị trường ở đây, mọi người sẽ ở đây", quan chức này nhấn mạnh.
Trong khi đó, các chuyên gia tại Mỹ cho rằng cuộc cạnh tranh về hydrogen sẽ có lợi cho toàn bộ ngành công nghiệp mới này. Ông David Hart, giáo sư chính sách công tại Đại học George Mason, giải thích rằng khí hydrogen rất khó vận chuyển nên không hề dễ để Mỹ trở thành một nhà xuất khẩu loại năng lượng này.
Ngoài ra, một số ý kiến khác cho rằng EU có thể chi nhiều tiền hơn để sản xuất thêm hydrogen. "IRA đặt ra tiêu chuẩn cao hơn để châu Âu nâng cao tham vọng của mình" - ông Brett Perlman, giám đốc điều hành Trung tâm Tương lai của Houston, nhóm đang tham gia biến thành phố Houston thành một trung tâm sản xuất hydrogen xanh, nhận định.
Chiến lược hydrogen sạch của Mỹ
Tháng 6-2023, Mỹ đã công bố chiến lược và lộ trình quốc gia về hydrogen sạch - loại năng lượng được kỳ vọng sẽ thay thế khí đốt và cung cấp năng lượng cho các động cơ và phát điện. Theo đó, Mỹ sẽ dành 9,5 tỉ USD đầu tư để thúc đẩy sản xuất và vận chuyển hydrogen sạch.
Hydrogen, được tạo ra từ nước, có lợi thế hơn các loại năng lượng tái tạo khác như gió, mặt trời vốn còn gặp hạn chế về sản xuất và lưu trữ. Đối với Mỹ, hydrogen cũng thúc đẩy kinh tế, tạo ra hàng chục ngàn việc làm và giúp giảm mạnh khí thải.
"Đẩy nhanh việc triển khai hydrogen là chìa khóa để đạt được tầm nhìn của Tổng thống Biden về một tương lai năng lượng sạch an toàn với giá cả phải chăng", Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer M. Granholm cho biết.
Theo đó, chiến lược của Mỹ sẽ tập trung vào các vấn đề: sử dụng hydrogen hiệu quả (trong các lĩnh vực công nghiệp, vận tải nặng...), giảm chi phí sản xuất và xây dựng mạng lưới hạ tầng sản xuất.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận