31/10/2024 10:10 GMT+7

Cuộc đua bất tận giữa lương, thu nhập, giá nhà đất và ước mơ an cư

Tôi từng cố gắng tiết kiệm từng đồng, hạn chế tối đa các chi tiêu để dành dụm cho ước mơ một chỗ đi về của riêng mình. Nhưng mọi cố gắng dường như đều vô vọng trước tốc độ tăng của giá nhà đất.

Cuộc đua bất tận: lương, thu nhập và giá nhà - Ảnh 1.

Nhà ở xã hội HQC Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Bạn tôi, làm công ăn lương cho một công ty tư nhân ở TP.HCM, nói về ước mơ ngôi nhà của vợ chồng anh từ lúc có đứa con đầu lòng cách đây ngót chục năm. 

Cho đến nay, đứa thứ hai đã chuẩn bị vào lớp 1 mà ngôi nhà vẫn chỉ là mơ ước.

10 năm, ngôi nhà mơ ước cứ xa dần

Mỗi ngày, anh thức dậy từ sớm, chen chúc trên những chuyến xe buýt từ huyện Hóc Môn để đến chỗ làm ở quận 3, miệt mài suốt 8 tiếng đồng hồ. Chiều chiều, anh lại ngắm cuộc sống qua ô cửa kính xe buýt về chỗ ở. 

Đó là căn nhà có đến 15 người, gồm cha mẹ vợ, 2 gia đình em vợ, gia đình anh cùng các con, cháu. 

Trước khi quyết định sinh em bé, bạn tôi thuê phòng trọ, nhường xe máy cho vợ đi làm. Rồi con cái cần có người trông nom, đưa rước, vợ chồng đành dọn về nhà ông bà ngoại để tiện đôi đàng, cũng nhằm tiết kiệm được một khoản chi tiêu. 

Sau 10 năm, vợ anh vẫn đi xe máy đến cơ quan, chồng vẫn lên xe buýt đi làm. Cuộc sống đều đặn đi và về căn nhà chung. 

Tuy cha mẹ, anh em rất chan hòa nhưng khát khao một mái ấm riêng luôn trong tâm trí đôi lứa.

"Từ lâu, giấc mơ có một căn nhà nhỏ của riêng mình luôn thôi thúc chúng tôi. 

Một nơi để vợ chồng an tâm sinh sống, để có chút riêng tư, để con cái có không gian thoải mái cho nhu cầu học hành và sinh hoạt đang dần trở nên cần thiết theo lứa tuổi ngày càng lớn. 

Nhưng giấc mơ ấy dường như quá xa vời với những người lương tháng sau y như tháng trước chúng tôi", anh bộc bạch.

Lương vợ chồng bạn tôi mỗi tháng gần 20 triệu đồng, phải gói ghém lắm nhưng cũng chỉ vừa vặn để trang trải cuộc sống và chăm lo chuyện học hành của hai đứa con, không phải tốn tiền nhà trọ như bao gia đình khác. 

Nghĩ đến chuyện tích lũy được một số tiền đủ để mua nhà, hay vay ngân hàng cho một căn hộ của người thu nhập thấp, quả đều là quá xa xôi đối với họ. 

Mười năm qua, không nhớ lương cơ bản đã được điều chỉnh tăng bao nhiêu lần, nhưng chắc chắn giá nhà đất đã nhảy múa vượt xa khả năng chi trả của đa số người dân. 

"Tôi nhớ có lần tình cờ đọc được một bài báo nói rằng để mua được một căn hộ chung cư bình thường ở thành phố, một người lao động phải dành cả đời để làm việc. Câu nói ấy cứ ám ảnh vợ chồng tôi mãi", người bạn thở dài.

Chạnh lòng khi ngang chung cư còn trống, dự án bỏ hoang 

Báo cáo tại phiên thảo luận của Quốc hội ngày 28-10 về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật quản lý thị trường bất động sản và phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2015-2023 cho thấy nhiều khu đô thị bị bỏ hoang trong khi giá bất động sản tăng vọt so với mức tăng thu nhập của đa số người dân. 

Tại Hà Nội và TP.HCM không còn phân khúc căn hộ chung cư giá bình dân. Theo UBND TP Hà Nội, phân khúc căn hộ chung cư trung và cao cấp chiếm đa số. Trong năm 2022, giá căn hộ chung cư tăng rất cao, lượng giao dịch thấp. 

Tại TP.HCM, lượng giao dịch bất động sản giảm sút mạnh, giá bất động sản tăng không kiểm soát, mất cân đối giữa giá cả và giá trị. 

Hiệp hội bất động sản TP.HCM cung cấp cho đoàn giám sát của Quốc hội số liệu thống kê cho thấy từ năm 2021, trên địa bàn thành phố không còn phân khúc căn hộ bình dân với giá dưới 25 triệu đồng/m2.

Nhiều dự án nhà ở gặp vướng mắc pháp lý, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư, đất đai, quy hoạch khiến chậm được triển khai, chậm tiến độ. 

Trong khi nguồn lực doanh nghiệp đã đầu tư vào các dự án rất lớn, gây lãng phí về đất đai và nguồn vốn, làm gia tăng khó khăn và tăng chi phí cho chủ đầu tư, từ đó tăng giá bán sản phẩm. 

Đó là chưa kể tình trạng đầu cơ khiến giá nhà đất bị thổi lên thành bong bóng bất động sản.

Đoàn giám sát nhận định những tồn tại, hạn chế đó dẫn đến cơ cấu sản phẩm bất động sản chưa hợp lý, mất cân đối cung - cầu, chủ yếu hướng tới phân khúc cao cấp, thiếu sản phẩm phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận người dân.

Chả hơn gì anh bạn, bản thân tôi từng cố gắng tiết kiệm từng đồng một, hạn chế tối đa các chi tiêu không cần thiết, từng phải từ chối rất nhiều buổi tụ tập bạn bè, những chuyến du lịch để dành dụm… cho ước mơ một chỗ đi về của riêng mình. 

Nhưng mọi cố gắng đến nay của tôi cũng như nhiều người dường như đều trở nên vô vọng trước tốc độ tăng của giá nhà. Tôi vẫn ở nhờ một căn phòng trong ngôi nhà cho thuê của người bà con đã định cư ở nước ngoài, làm việc "cày" ngày "cày" đêm vẫn không thể dư dả.

Cứ mỗi lần đi ngang qua các dự án bất động sản sang trọng đã hoàn thành nhưng còn trống nhiều chỗ, hoặc những dự án còn bỏ hoang… tôi lại không khỏi chạnh lòng tự hỏi: biết bao giờ mới có một căn hộ giá rẻ ven đô để an cư lạc nghiệp được?

Giá nhà tăng cao đã trở thành một gánh nặng đè lên vai của nhiều gia đình. Nó khiến cho giấc mơ về một mái ấm trở nên xa vời, khiến cho nhiều người như tôi cảm thấy "bất lực". 

Mấy hôm nay đọc báo thấy nhiều người ở tỉnh đang có xu hướng bỏ phố về quê, tôi rất chia sẻ với họ, dù tôi là người ở thành phố.

Hy vọng rằng một ngày nào đó tình trạng này sẽ được cải thiện. Hy vọng sẽ có những chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân thu nhập thấp có cơ hội được sở hữu một căn nhà. 

Và hơn hết, hy vọng rằng lương, thu nhập và giá cả, nhất là giá nhà đất, không còn khoảng cách xa vời vợi như hiện nay. 

Cuộc đua bất tận: lương, thu nhập và giá nhà - Ảnh 2.Cuộc sống trong những căn nhà 'siêu chật' ven kênh rạch TP.HCM

TP.HCM hiện có hơn 21.000 căn nhà ven kênh rạch. Nơi đó, người dân sống trong những căn nhà tạm bợ, chật chội vài chục mét vuông. Nhiều người mong muốn tìm được nơi ở mới để ổn định cuộc sống.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp