Đâu mới thực sự là ngày sinh và quê quán của Hoàng hậu Nam Phương?
Không chỉ minh định lại ngày sinh cũng như quê quán thật sự của Hoàng hậu Nam Phương cùng nhiều giai thoại sai lệch khác xung quanh Vua Bảo Đại và bà, hai tác giả Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy trong cuốn sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại (NXB Phụ Nữ Việt Nam) còn dựng lại chân dung vị hoàng hậu cuối cùng của nước Nam.
Đó là một người phụ nữ nhân ái và tiến bộ thậm chí hơn cả những phụ nữ quý tộc châu Âu. Năm tháng cuối đời cô độc nhưng đầy bản lĩnh của Nam Phương Hoàng hậu lâu nay ít được biết đến cũng được nhắc trong cuốn sách này.
Có phải bà hoàng quê ở Tiền Giang?
Các tác giả sách đã công phu truy tìm xác thực ngày sinh của Hoàng hậu Nam Phương.
Trước cuốn sách này thì nhà sử học người Pháp Francois Joyaux trong cuốn tiểu sử Nam Phương - Hoàng hậu cuối cùng của Việt Nam xuất bản năm 2019 khẳng định ngày sinh của hoàng hậu như trên bia mộ.
Tuy nhiên sử gia này chỉ căn cứ vào lời kể của một nhân chứng không nêu tên trong gia đình bà hoàng nên không dễ thuyết phục.
Hai tác giả Vĩnh Đào, Nguyễn Thị Thanh Thúy đã lục hồ sơ của Trung tâm quốc gia Văn khố hải ngoại và tìm ra được trong sổ của tòa Đốc lý Sài Gòn năm 1913 có hồ sơ khai sinh của Jeanne Mariette Nguyễn Hữu Hào (tên khai sinh đặt theo tên cha của Nam Phương Hoàng hậu) sinh 14-11-1913, lúc 5h15 chiều.
Sổ rửa tội tại Thánh đường Sài Gòn năm 1913 của Tòa Tổng giám mục Sài Gòn mà hai tác giả tìm được cũng chứng nhận ngày sinh này của hoàng hậu.
Vậy tại sao thông tin ngày sinh của Nam Phương Hoàng hậu lại sai lạc?
Theo Francois Joyaux, ngày sinh thật của bà hoàng không thuận với các chiêm tinh gia của triều đình, lại quá gần ngày sinh của Vua Bảo Đại (22-10-1913) nên họ đã thay đổi ngày sinh của hoàng hậu vào dịp đám cưới bà với Vua Bảo Đại năm 1934, giữ ngày sinh âm lịch (17-10) nhưng lùi lại một năm.
Các tài liệu lâu nay cũng ghi Nam Phương Hoàng hậu quê Gò Công, Tiền Giang.
Nhưng tác giả sách lục tìm tài liệu của các giáo xứ ở Sài Gòn để minh định quê quán của thân sinh bà hoàng.
Họ đã chứng minh những tài liệu trước đó có sự nhầm lẫn Gò Công ở tỉnh Định Tường khi xưa (nay là tỉnh Tiền Giang) và xứ đạo Gò Công ở trấn Biên Hòa xưa, nay là vùng Thủ Đức, TP.HCM.
Hiện trong vùng Thủ Đức vẫn có một họ đạo Gò Công và một con rạch mang tên Gò Công.
Hoàng hậu đầu tiên ra khỏi cung cấm
Cuốn sách đã dựng chân dung Hoàng hậu Nam Phương là một bà hoàng rất tiến bộ như làn gió mới cho triều đình Việt Nam. Thậm chí bà là một trong những người đầu tiên trên thế giới thực hiện vai trò đệ nhất phu nhân khi làm việc này từ những năm 1930 ở nước Nam.
Bà là hoàng hậu đầu tiên của nước Nam đi ra khỏi cung cấm, xuất hiện bên cạnh hoàng đế trong những nghi lễ chính thức, những cuộc thăm viếng và đặc biệt bà còn có những hoạt động xã hội, y tế, giáo dục, từ thiện riêng không tùy thuộc vào Vua Bảo Đại.
Không thể kể hết những trường học, bệnh viện, nhà bảo sanh, trại dưỡng lão, trại người mù, cô nhi viện... bà hoàng đã đặt chân đến ở Trung Kỳ, Nam Kỳ và Tây Nguyên.
Bà cho xây dựng trường học, hỗ trợ về y tế cho phụ nữ. Trong các cuộc thăm viếng từ thiện, bà thường lấy tiền riêng ra giúp hoặc trao thẳng cho người nghèo, không dùng ngân sách chính quyền bảo hộ hay triều đình Huế.
Với tài sản riêng, Hoàng hậu Nam Phương có sự tự do hành động, điều mà Vua Bảo Đại không có được.
Trong chuyến du hành nước Pháp năm 1939, trước khi về nước, thời điểm Chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa nổ ra, bà đã tặng cho thành phố Cannes một chiếc xe cứu thương.
Henriette Chandel - đặc phái viên tờ Échos de Paris - đến Sài Gòn năm 1936 nhằm điều tra về tình hình phụ nữ và nhi đồng tại Đông Dương, đã phỏng vấn Hoàng hậu Nam Phương tại Huế. Cuộc gặp để lại cho nữ ký giả này ấn tượng sâu sắc.
Không chỉ vén màn cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu, sách còn cho biết về công việc triều chính của Vua Bảo Đại; những khát vọng cải tổ triều đình không thành của nhà vua lẫn những câu chuyện tình cảm của ông.
Đặc biệt quãng đời 16 năm ở Pháp của Hoàng hậu Nam Phương, đời sống tình cảm nhiều muộn phiền được che giấu khéo léo và cái chết đột ngột trong cô quạnh của bà, cũng như tóm tắt cuộc đời năm người con đã được nhắc đầy đủ trong sách.
Các tác giả nói đây không phải là công trình nghiên cứu chuyên khảo, mà chỉ là một cuốn tư liệu lịch sử về cuộc đời Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương, được thể hiện dưới góc nhìn và lập luận cá nhân.
Dù vậy, sách thực sự công phu, nghiên cứu tư liệu kết hợp điền dã, phỏng vấn cả ở Việt Nam và Pháp. Đây có lẽ là cuốn sách chi tiết về cuộc đời Nam Phương Hoàng hậu, cố gắng minh định thông tin cũ qua những bằng chứng thuyết phục.
Sách cũng là cuốn tiểu sử hiếm hoi của tác giả người Việt và gốc Việt được viết theo phong cách hấp dẫn của dòng sách tiểu sử người nổi tiếng ở phương Tây.
Có lẽ bằng tiến sĩ văn chương của Đại học Paris IV - Sorbonne (Pháp), cùng kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về ngữ pháp, văn học của tác giả Vĩnh Đào đã giúp sách rất lôi cuốn.
Sách cũng có những lỗi đánh máy nhỏ, một số thông tin số liệu lịch sử có thể gây tranh cãi.
Bà hoàng không thích thi sắc đẹp
Trên tờ báo Le Soir d'Asie, xuất bản tại Sài Gòn năm 1942, ghi nhận Hoàng hậu Nam Phương tiến bộ rất lớn trong quan niệm, chứ không chỉ là một người phụ nữ đẹp, thông minh và nhân hậu:
"Bà không thích nghe nói đến "thi sắc đẹp", "thi thanh lịch", "trình diễn áo tắm"... Hoàng hậu quan tâm đến việc đào tạo một lớp tinh hoa mới với những nữ bác sĩ, nữ dược sĩ, nữ luật sư, nữ giáo viên, nữ giáo sư, nữ ký giả...".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận