Thuận đã có chút hi vọng từ sự động viên và chia sẻ của bạn đọc báo Tuổi Trẻ - Ảnh: Q.NAM
Sau những biến cố cuộc đời, dù chưa thể đứng lên được bằng đôi chân mình nhưng Thuận đã cười nhiều hơn. Thuận nói mình được an ủi nhiều lắm, cảm động lắm từ khi nhận được sẻ chia vật chất, tinh thần từ mọi người. Ấm lòng hơn nữa, từ nay mẹ già sẽ thôi cắp nón đi xin tiền mua thuốc cho Thuận.
Tìm lại nụ cười
Những ngày qua, nhà Thuận luôn có đông người, hàng xóm láng giềng và cả những đoàn khách từ khắp nơi đến thăm. Có cả những đoàn khách từ Hà Nội, TP.HCM đọc được câu chuyện về Thuận trên Tuổi Trẻ cũng đến thăm Thuận.
Điện thoại của Thuận đổ chuông liên tục, những cuộc gọi khắp nơi gọi đến động viên, chia sẻ 10 ngày qua. "Tui từng nghĩ chuyện mình làm đã trôi vào quên lãng. Bốn năm nằm một chỗ, tui tưởng đời mình ri xong rồi, chưa từng nghĩ lại có những ngày ấm áp như thế này. Mọi chuyện thay đổi quá nhanh từ sau khi Tuổi Trẻ đăng bài báo đó. Tui thấy mình như được sống lại lần nữa" - Thuận chia sẻ.
Câu chuyện cuộc đời buồn của chàng trai nghĩa hiệp đã lay động lòng người. Ngay từ buổi sáng đầu tiên khi bài báo đăng, những cuộc điện thoại của bạn đọc đã liên tục đổ về tòa soạn Tuổi Trẻ. Qua mạng xã hội, rất nhiều người chia sẻ câu chuyện.
"Câu chuyện quá xúc động. Tôi đọc đến mấy lần mà vẫn khóc. Thuận xứng đáng được đáp lại bằng chính sự nghĩa hiệp như khi xưa Thuận lao qua dòng nước xiết cứu người" - Phan Dương, một bạn đọc, nhắn.
Cùng với những lời động viên, rất nhiều bạn đọc đã gửi tiền về báo Tuổi Trẻ nhờ chuyển cho Thuận mua thuốc. Nhiều người khác đã trực tiếp liên hệ với phóng viên Tuổi Trẻ tại Quảng Bình nhờ chuyển giúp chút tiền cho Thuận.
Nhiều khoản tiền được gửi kèm lời nhắn: không cần ghi tên khi chuyển tiền. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Hoàng Đăng Quang đã đến tận nhà thăm và tặng Thuận 60 triệu đồng.
Hai doanh nghiệp đi cùng đoàn là Công ty Vĩnh Hưng và Tập đoàn Sơn Hải cũng tặng 200 triệu đồng để giúp gia đình Thuận làm lại mái nhà.
Sau 10 ngày, tổng số tiền mà bạn đọc chuyển qua tài khoản của báo Tuổi Trẻ và phóng viên Tuổi Trẻ là 443 triệu đồng. Cộng thêm khoản hỗ trợ 260 triệu đồng nói trên, Thuận đã được cộng đồng hỗ trợ hơn 700 triệu đồng.
Và tìm hi vọng cho Thuận
Ngôi nhà của mẹ con Thuận ở đang được sửa lại từ tiền hỗ trợ của bạn đọc. Một mái che phía trước được dựng lên, sàn nhà được lát gạch hoa, căn phòng nơi Thuận nằm đã được đóng trần nhựa. Tất cả được thực hiện theo đề nghị của nhiều bạn đọc đến thăm Thuận tại nhà.
Thuận khoe khoảng 10 ngày nữa sẽ có một chiếc tivi, một bạn đọc ở Hà Nội đọc báo đã liên hệ và tặng mẹ con Thuận. Người tặng Thuận chiếc quạt hơi nước, người mua cho Thuận bồn chứa nước bằng inox để mẹ Thuận đỡ phải xuống sông xách nước lên tắm giặt mỗi ngày...
"Toàn người không quen biết chi cả mà họ lo cho tui như người thân rứa. Tui ái ngại thắc mắc thì họ nói chỉ đơn giản họ tự thấy có trách nhiệm phải lo cho những người dám xả thân cứu người như Thuận" - Thuận kể.
Không chỉ hỗ trợ về tinh thần và vật chất, nhiều bạn đọc bỏ công sức và tiền bạc để tìm hi vọng chữa bệnh cho Thuận. Sáng 14-6, Thuận sẽ lên xe vào Đà Nẵng kiểm tra lại toàn bộ tình trạng thương tích. Việc này Thuận làm theo đề nghị của một bạn đọc ở TP.HCM tên Lương Hoàng Anh.
Chị Hoàng Anh mong sẽ tìm hi vọng cho Thuận bằng mọi giá, chị lo chi phí cho Thuận vào Đà Nẵng kiểm tra tình trạng cơ thể, kết quả sẽ được chị gửi đến các chuyên gia để tìm hi vọng chữa trị cho Thuận. "Thuận xứng đáng được như vậy. Chỉ cần Thuận đứng lên được thì sẽ là một điều kỳ diệu" - chị Hoàng Anh nói.
Mới đây, một bác sĩ chuyên về điều trị các bệnh liên quan đến đốt sống tại Hà Nội cũng liên lạc với Tuổi Trẻ. Bác sĩ này cho biết từng điều trị cho nhiều bệnh nhân có tình trạng tương tự Thuận và muốn đưa Thuận ra Hà Nội để tìm hi vọng cho anh.
Tai họa 2 lần ập đến
Chín năm trước, Thuận một mình bơi qua dòng nước xiết vào Trường tiểu học số 1 Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình cứu được 6 giáo viên và 2 trẻ nhỏ. Lúc đó là 1h sáng, trong tay Thuận không có bất cứ phương tiện cứu hộ nào. Lũ rút, Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Bình đã tặng bằng khen cho Thuận.
Thuận và những người được cứu quần quật với cơm áo mỗi ngày. Rồi tai họa từ đâu ập đến. Không những một lần mà đến hai lần. Năm 2012, Thuận đi bốc vác gỗ tràm thuê, xe chở gỗ lật đè chết hai người, Thuận bị thương nặng ở chân và vai.
Tai nạn lần thứ 2 (bốn năm sau đó), may mắn đã không đến với Thuận nữa. Khối cát lớn đổ ập lên người khi Thuận đi xúc cát về sửa nhà bên sông. Thuận bị tổn thương đốt sống ngang hông và liệt hoàn toàn phần thân dưới từ đó đến nay.
Thuận đã rất bi quan. Cha mất sớm, mẹ Thuận, bà Ngô Thị Vinh, đã già. Từ khi Thuận nằm một chỗ, đôi vai mẹ già thêm trĩu nặng. Bất đắc dĩ, hai năm qua bà Vinh phải đi ăn xin để có tiền thuốc thang cho Thuận mỗi tháng.
Lập sổ tiết kiệm cho mẹ con Thuận
Sau khi tổng kết số tiền bạn đọc chuyển giúp Thuận đến Tuổi Trẻ 10 ngày qua, phóng viên Tuổi Trẻ đã cùng mẹ Thuận đi mở một sổ tiết kiệm trị giá 400 triệu đồng cho Thuận.
Bà Ngô Thị Vinh, mẹ Thuận, đã nhận sổ tiết kiệm 400 triệu đồng từ tiền bạn đọc góp tặng - Ảnh: QUỐC NAM
Trước đó, số tiền của tỉnh Quảng Bình và hai doanh nghiệp hỗ trợ đã được gia đình Thuận mở một sổ tiết kiệm khác trị giá 250 triệu đồng. Những sổ tiết kiệm này được gửi với những kỳ hạn khác nhau để mẹ con Thuận có đủ tiền lãi trang trải cuộc sống trong nhiều năm tới.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận