Cựu đại tướng Mattis được kính trọng khi còn làm bộ trưởng quốc phòng đầu tiên dưới thời ông Trump - Ảnh: REUTERS
"Tôi bị chứng gai xương vì quá trình tham chiến. Donald Trump cũng bị gai xương, nhưng là nhờ lá thư của một bác sĩ", ông Mattis châm chọc ông Trump trong một sự kiện ngày 17-10, ám chỉ tới lời đồn rằng gia đình Trump đã chạy chọt và xin giấy chứng nhận sức khỏe để con trai Donald không phải đi quân dịch thời còn Chiến tranh Việt Nam.
Đó là lần hiếm hoi người ta nghe thấy cựu đại tướng thủy quân lục chiến gọi thẳng họ tên ông Trump, thay vì "Tổng thống Trump" như vẫn thường gọi kể từ khi từ chức vào tháng 12 năm ngoái để phản đối quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump.
Cuộc đối đầu với các cựu tướng lĩnh dường như được khơi mào bởi ông Trump, người có tiếng ăn nói bạt mạng và hay mỉa mai đối thủ.
Trong cuộc họp với các lãnh đạo quốc hội ngày 16-10, tổng thống Trump mô tả ông Mattis là "một đại tướng được đánh giá quá mức nhất thế giới", cho rằng cựu Bộ trưởng quốc phòng đã không đủ cứng rắn trong nhiều vấn đề.
"Chuyện dẹp tụi khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng cũng vậy. Ông ta bảo sẽ mất ít nhất 2 năm. Tôi xử đẹp chúng trong vòng 1 tháng", ông Trump khoe.
"Tôi thấy vô cùng vinh dự khi được ông Trump gọi là vị tướng được đánh giá quá mức nhất thế giới, bởi vì ông ấy cũng từng gọi Meryl Streep là diễn viễn được đánh giá lố nhất thời đại. Nếu vậy thì chắc tôi là Meryl Streep của các vị tướng mất rồi. Nghe cũng được đó chứ", cựu tướng Mattis đáp trả một cách hài hước.
Tổng thống Trump vẫn đang hứng chỉ trích vì quyết định rút quân khỏi Syria - Ảnh: REUTERS
Quyết định rút quân của ông Trump cùng lá thư với "ngôn ngữ lớp 3" và các phát ngôn của ông được cho là nguyên nhân đẩy thất vọng của các cựu tướng lĩnh lên đỉnh điểm.
William McRaven, cựu đô đốc hải quân, cảnh báo Tổng thống Trump đang hủy hoại nền cộng hòa của nước Mỹ trong một bài bình luận trên báo New York Times.
"Mỹ là quốc gia hùng mạnh nhất thế giới không phải vì hàng không mẫu hạm, vì nền kinh tế hay vì có ghế trong Hội đồng Bảo an. Chúng ta mạnh nhất thế giới vì chúng ta đã cố gắng trở thành những người tốt, có trách nhiệm", ông McRaven lập luận.
"Nếu chúng ta không quan tâm đến các giá trị của mình, nếu chúng ta không quan tâm đến nghĩa vụ và danh dự, nếu chúng ta không giúp đỡ kẻ yếu và đứng lên chống lại áp bức và bất công - điều gì sẽ xảy ra với người Kurd, người Iraq, người Afghanistan, Syria, người Rohingyas (ở Myanmar), Nam Sudan - những người bị rơi bởi nhà nước chuyên quyền, các quốc gia thất bại?", cựu đô đốc Mỹ lập luận.
McRaven và Mattis là những cựu tướng lĩnh mới nhất lên tiếng công kích ông Trump, người đã từng chủ trương xây dựng một nội các gồm toàn tướng tá quân đội trong những ngày đầu bước vào Nhà Trắng.
Giờ đây tất cả đều đã rời khỏi chính quyền Trump, từ Michael Flynn đến H.R. McMaster, John Kelly và James Mattis.
"Có máu trên tay ông Trump khi ông ta quyết định bỏ rơi người Kurd. Tôi đã biết sẽ có máu đổ, nhưng tôi chưa bao giờ nghĩ tới chuyện như thế này", cựu đô đốc John Allen thẳng thắn với báo Washington Post.
Trong lúc các cựu tướng lĩnh không ngừng chỉ trích, chính quyền của ông Trump đã đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ở miền bắc Syria với Thổ Nhĩ Kỳ, tạo điều kiện cho người Kurd rút vào vùng an toàn.
Song mọi chuyện vẫn chưa kết thúc khi hai bên người Kurd và chính quyền Ankara liên tục tố nhau là người vi phạm lệnh ngừng bắn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận