05/03/2014 07:43 GMT+7

Cuộc đời chị Bé - Một hạt cát lấp lánh trong Đời cát

LÊ ĐỨC DỤC
LÊ ĐỨC DỤC

TT - 14 năm về trước, bộ phim Đời cát đăng quang tại Liên hoan phim châu Á - Thái Bình Dương cuối năm 2000. Sau hai diễn viên ngôi sao nổi tiếng Hồng Ánh và Mai Hoa, có một nhân vật nữ - diễn viên đóng vai cô Hảo vô cùng ấn tượng.

9SR9fI7f.jpgPhóng to
Chị Bé bên hai thiên thần Phong An và Thanh Nhuệ trong quán nhỏ bên đường gió bụi - Ảnh: L.Đ.Dục

Trong phim Đời cát, nhân vật Hảo là người đàn bà cụt cả hai chân. Giữa sự khốc liệt, ngổn ngang và giằng xé dữ dội của một làng cát hậu chiến, thân xác tàn tật của nhân vật nữ này tự thân đã nói lên rất nhiều điều, không cần diễn, không cần gắng gượng, đã là một ấn tượng, ẩn hiện suốt chiều dài của phim.

Từ cuộc đời lên màn ảnh...

"Tôi sinh năm 1969, tuổi Dậu, Kỷ Dậu - cầm tinh con gà. Con gà sống nhờ đôi chân bươi cào kiếm ăn, vậy mà con gà đời tôi lại bị cụt mất đôi chân..."

Chị Trần Thị Bé

Khi chuyển thể từ truyện ngắn Ba người trên sân ga của nhà văn Hữu Phương sang kịch bản phim, nhà văn Nguyễn Quang Lập đã thêm vào nhân vật Hảo và Huy (Công Ninh). Một câu nói của Huy - người thương binh trong Đời cát - với Hảo khiến người ta nhói lòng: “Hai đứa cộng lại cũng chỉ có một cái chân, làm sao mà đứng được!”. Để Công Ninh vào vai Huy cụt một chân, chỉ cần kéo quắp một chân cho vào một chiếc quần rộng ống. Còn vai Hảo cụt cả hai chân, đạo diễn Thanh Vân đã lặn lội đi khắp các phòng, sở y tế, các trung tâm phục hồi chức năng, tìm danh sách những người trong vùng đã lắp chân giả, suốt từ Quảng Bình vô Quảng Trị, vô Huế, tìm được yêu cầu này thì lại không đạt yêu cầu khác. Rốt cuộc, bác sĩ Suy ở Trung tâm Phục hồi chức năng Huế nhớ ra một cô gái ở Đông Hà... Người ấy là chị Bé - Trần Thị Bé, là Hảo của Đời cát, khao khát yêu đương, khao khát được làm vợ, làm mẹ dù chiến tranh đã cướp mất của chị đôi chân.

Câu chuyện đời mình, chị kể cho tôi nghe ngay bên giếng nước góc vườn nhà. Một chuyện đời buồn hơn cả chuyện trong phim. Hóa ra tai nạn xảy ra với chị hơn 30 năm trước tôi có biết. Trại tạm cư Hòa Khánh (Đà Nẵng), mùa hè đỏ lửa năm 1972 ngổn ngang những phận người phiêu dạt từ vùng Quảng Trị vào đây tránh bom đạn chiến tranh. Một quả lựu đạn nổ giữa mâm cơm chiều tại khu E của trại tạm cư ấy đã giết chết người mẹ cùng với năm anh chị của chị, cha bị thương nặng, còn chị bị cụt cả hai chân.

Khi ấy chị Bé mới 3 tuổi. Đám tang, sáu chiếc quan tài của mẹ và anh chị vùi giữa trảng cát Hòa Khánh! Chị được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện nhi đồng. Sau năm 1975, chị lần hồi về quê theo cha. Cuộc đời chị lay lắt như thế. Một ngày, khi đủ lớn khôn để nhận ra nỗi bất hạnh của mình, chị bám xe đò vào Sài Gòn, rồi trôi dạt đến tận Kiên Giang, miền đất cuối trời phương Nam làm đủ nghề. Chị kể ngồi vỏ lãi chạy về miệt kênh rạch, nhìn những về lục bình trôi, nhiều lúc quẫn trí muốn lao xuống dòng sông để thoát nợ trần ai, nhưng thương cha, chị lại ráng sống, vật lộn với đời. Rồi chị về lại quê, kiếm được một chỗ ngồi giữa chợ phường 5 Đông Hà bày trên chiếc mẹt nan chút hàng gia vị tiêu, ớt... kiếm từng hào lẻ đắp đổi cuộc sống cho đến khi đạo diễn Thanh Vân tìm được chị. Năm ấy chị 30 tuổi!

Câu chuyện của cô Hảo trong phim dường như có phần giống với chị ngoài cuộc đời, dẫu chị có một tuổi thơ quá nghiệt ngã và cay đắng. Không biết cuộc đời của Hảo trong phim có tác động trở lại với chị Bé nhiều không nhưng tôi nghe chị Bé bảo: “Tôi cũng như cô Hảo, cần nhất vẫn là một đứa con để tạo động lực cho tôi sống”. Và khi tôi gặp chị vào năm 2000, chị đang mang thai. Sau ba tháng theo đoàn đi đóng phim, lăn lóc từ vùng cát Quảng Bình vào tận Hải Lăng, Chân Mây, được 3 triệu đồng tiền catsê, chị đã nhịn bớt tiêu pha để dành cho việc đón chào đứa con. Bụng bầu, chị không dám đi bằng đôi chân giả. Tôi hỏi: “Thế xe lăn của chị đâu?”. Chị Bé cười buồn: “Tôi mơ ước một chiếc xe lăn đã 20 năm nay rồi nhưng vẫn không thể nào có được. Còn bây giờ tôi ước sao sắp tới mẹ tròn con vuông và đời con tôi sẽ không là đời cát, lăn lóc qua gió bụi trần ai như mẹ nó”.

Chút lòng thơm thảo...

Hai mầm hi vọng

Hai chị em Trần Phong An và Trần Thanh Nhuệ - con của chị Bé - cùng có chung một người cha. Đó cũng là một người đàn ông đã thấu cảm với hoàn cảnh của chị, đến giữa cuộc đời chị bằng tất cả niềm trắc ẩn để cho chị những nụ mầm hi vọng. Tuy nhiên, chị Bé mỉm cười bí ẩn khi chúng tôi nhắc đến người đàn ông này. “Cậu chỉ cần biết đó là một người mà chị rất quý trọng và hàm ơn là được rồi, còn hai đứa con tôi vẫn mang họ Trần của mẹ mà...”.

Bài báo nhỏ của tôi viết về chị trên Tuổi Trẻ phát hành hôm 3-2-2001, thì ngay sáng hôm đó có ba bạn đọc mang đến cơ quan báo Tuổi Trẻ ba chiếc xe lăn nhờ chuyển cho chị. Chiếc xe mà chị ao ước hơn 20 năm qua không ngờ có lúc lại đến với chị quá nhiều. Chị nghẹn ngào: “Tôi chỉ xin nhận một chiếc thôi, những chiếc còn lại xin tặng những người có cảnh ngộ như tôi”.

Mấy hôm sau, khi những chiếc xe lăn của bạn đọc được chuyển ra theo đường tàu hỏa, chị Bé đã nhờ tôi đưa tới Ủy ban Chăm sóc và bảo vệ bà mẹ, trẻ em tỉnh. Có ba người được nhận lại từ chị những chiếc xe lăn của những tấm lòng từ phương xa dành cho chị. Rồi chừng nửa tháng sau tôi lại được nhận giấy báo ra ga Đông Hà nhận một chiếc xe lăn nữa từ Hà Nội gửi vào cho chị Bé. Chiếc xe này được một người Nhật sau khi nghe kể về chị đã gửi từ Nhật qua cho chị. Rồi từ đó, lâu lâu tôi lại nhận được giấy báo ra ga Đông Hà nhận... xe lăn.

Hồi đó sau khi trao xe lăn cho chị, chị có nói rằng sau khi sinh nở xong chị sẽ cố kiếm một chỗ ngồi bán quà vặt kiếm tiền nuôi con và sẽ trở thành vận động viên xe lăn.Các thầy giáo ở Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp Quảng Trị cũng giúp chị có một khoảnh đất nhỏ nép bên tường rào của trường, nơi chị dựng một cái quán che vừa đủ hai tấm tôn để ngồi bán nước đậu nành. Mỗi buổi sáng chị dậy từ 4g, xay hai lon đậu nành và nửa lon đậu huyết. “Phấn đấu” bán hết ngần ấy ly nước giải khát sẽ kiếm lãi 10.000 đồng. Toàn bộ vốn liếng gian hàng của chị chưa đến 300.000 đồng. Và thu nhập lấy công làm lãi ấy của chị cũng chừng 300.000 đồng/tháng.

Đường đua cuộc đời...

Năm 2003, khi tỉnh Quảng Trị khai mạc hội thao người khuyết tật, tôi ngạc nhiên nhận ra chị Bé trong đội hình vận động viên đua xe lăn của thị xã Đông Hà. Càng ngạc nhiên hơn khi trong lần đại hội cấp tỉnh này chị giành được hai huy chương bạc ở các cự ly 3.000m và 800m, một huy chương đồng cự ly 400m. Rồi chị được chọn vào đội tuyển của tỉnh. Trước giải tiền Para Games hai tháng, để theo kịp đồng đội luyện tập, chị Bé phải dậy sớm hơn từ 3g sáng lo xay đậu, chuẩn bị hàng quà để bán trong ngày. 4g30 chị lăn xe ra đường để cùng đội tuyển tập luyện, 6g về nhà đưa con đến trường rồi ra quán bán; chiều về đón con trên chiếc xe lăn, ghé qua chợ mua đậu, đường... chuẩn bị cho bữa bán hôm sau... Chị quần quật làm, tần tảo nuôi con và nuôi những hi vọng. Cùng với những tấm huy chương ở các hội thi thể thao người khuyết tật cấp tỉnh và cấp quốc gia, chị Bé không ngờ có một ngày chị được chọn làm “sứ giả” mang thông điệp hi vọng đến tận trời Âu xa xôi!

Vẫn chiếc quán nhỏ nép bên tường rào của Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp hướng nghiệp bên góc đường số 9, giữa TP Đông Hà gió bụi, mỗi ngày chị vẫn lui cui dậy từ 3g sáng để chuẩn bị nấu nước đậu nành, đồ xôi, cắt ổi... bán quà vặt trong quán nghèo. Một người lành lặn, làm lụng nuôi mình đã khó. Nhưng chị Bé dù không còn đôi chân vẫn tần tảo nuôi mình, nuôi thêm hai con học hành giỏi giang, khỏe mạnh. Câu chuyện “anh hùng”, “nghị lực”, “vượt lên số phận”... ngỡ là rất xa xôi, đôi khi lại ẩn tàng trong chiếc quán bên đường gió bụi như thế này! Đôi vai người đàn bà tàn tật dường như trĩu xuống, nhưng ánh mắt chị vẫn sáng trong và tiếng cười trong vắt!

Nhìn nụ cười của hai bé Phong An, Thanh Nhuệ và ánh mắt chị Bé nhìn các con mình, tôi biết chị vô cùng hạnh phúc. Phía sau hạnh phúc ấy, làm sao đếm hết bao nhiêu gian truân khó nhọc mà chị đã vượt qua? 14 năm trước, câu nói của chị khiến tôi nhớ mãi: “Tôi sinh năm 1969, tuổi Dậu, Kỷ Dậu - cầm tinh con gà. Con gà sống nhờ đôi chân bươi cào kiếm ăn, vậy mà con gà đời tôi lại bị cụt mất đôi chân...”. Mắt chị khi ấy ngân ngấn nước nhưng tiếng cười pha lê vẫn rung vang khiến tôi không thể nào quên được. Vậy mà chị đã đi qua hơn 40 năm với đôi chân bị quả lựu đạn chiến tranh cướp mất từ khi mới lên 3 tuổi. Và 15 năm qua dù không còn đôi chân, chị vẫn có cho mình hai thiên thần để yêu thương và hi vọng!

lDHaT6XN.jpgPhóng to
Chị Bé trong chuyến đi vòng quanh Luxembourg “truyền gửi niềm tin” - Ảnh: P.A.

Sứ giả Việt Nam

Năm 2003, chị Bé được Tổ chức Handicap (Tổ chức phòng chống tàn phế và phục hồi chức năng người tàn tật quốc tế) mời tham gia một cuộc diễu hành vòng quanh Luxembourg. Những người khuyết tật ở Luxembourg được sự quan tâm rất nhiều mặt của chính phủ cũng như cộng đồng, tuy nhiên họ ít chịu... ra đường. Mong muốn của Handicap là với một cuộc diễu hành của những người khuyết tật đến từ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là một đất nước từng chịu cuộc chiến tranh khốc liệt trong quá khứ như VN hay hình ảnh những cậu bé tàn tật ở một đất nước chưa ra khỏi chiến tranh như Afghanistan, sẽ có tác động tốt đến những người dân ở đây và bằng công tác truyền thông của Handicap, những hình ảnh về cuộc diễu hành vòng quanh Luxembourg trên xe lăn của họ sẽ mang đến một hình ảnh năng động hơn cho những người khuyết tật khắp nơi trên thế giới, tiếp thêm niềm tin và nghị lực sống cho mọi người.

Trở về sau chuyến đi vòng quanh Luxembourg “truyền gửi niềm tin” cho những người đồng cảnh ngộ bên xứ ấy, chị Bé như được tiếp thêm nghị lực. Năm 2004, chị có thêm bé trai Trần Thanh Nhuệ. Gặp lại chị bây giờ, bé Phong An hôm nào nay đã là học sinh lớp 7, xinh đẹp và thông minh. Còn bé Thanh Nhuệ nay đã 10 tuổi, học lớp 4. “Thanh - Nhuệ” là cái tên ghép từ tên hai vợ chồng đạo diễn Thanh Vân và Nhuệ Giang, kỷ niệm gắn với bộ phim Đời cát đã phần nào thay đổi số phận của chị.

LÊ ĐỨC DỤC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp